1. Hôm nay mình đang nói chuyện với quản lý ở chỗ làm thì bỗng điện thoại trên bàn kêu reng reng. Là mẹ gọi. Anh quản lý biết ý liền quay về chỗ ngồi để mình nghe điện thoại. Mình nhấc điện thoại chạy ra một góc. “A lô, mẹ ạ?” “Ngân ơi, mẹ đây…” Giọng mẹ hơi hốt hoảng, nghe có vẻ như vừa xảy ra chuyện gì đó. “Vâng, có chuyện gì hả mẹ?” Mình hỏi vội. “Tiếc quá! Ngân ơi!” Giọng mẹ đấy tiếc nuối. “Có chuyện gì mà tiếc?” Mình lo lắng. “Hôm nay Anna nó làm cái đồ ở trường đẹp lắm. Bà vừa tới là nó hớn hở khoe. Lúc lên xe buýt, bà đã bảo để bà cất đi mà nó không chịu. Thế là chen chúc một hồi, nó mải ăn rồi ngủ gật, làm mất lúc nào không biết. Giờ nó đang ăn vạ bà đây này. Mà công nhận là nó trang trí đẹp thật. Muốn mang về cho bố mẹ xem mà giờ mất rồi. Tiếc quá!” Mình khẽ thở phào. Còn tưởng chuyện gì quan trọng. Hoá ra là bà đang tiếc “tác phẩm nghệ thuật” của cháu. Hàng ngày ở trường Anna hay làm cái này cái kia mang về, hôm thì dán giấy, hôm tô màu. Mình bỗng vừa thấy buồn cười vừa thấy thương thương, thương cả bà cả cháu. Bà cứ nói đi nói lại là tiếc lắm. Mình phải an ủi bà là mất rồi thì thôi, mấy cái đồ ở trường ngày nào nó chẳng mang về nhà. Bà ừ ừ nhưng nghe giọng vẫn còn tiếc lắm. Mình cúp máy về lại bàn làm việc. 10 phút sau lại thấy máy điện thoại kêu. “A lô, mẹ ạ?” “Mẹ lấy cái giấy đỏ trên bàn được không con?” “Giấy nào ạ?” “Cái giấy cuộn thành cuộn trên bàn mà có nhiều hình ấy…” À, chắc giấy gói quà Giáng Sinh, hôm trước lấy ra gói xong để trên bàn chưa cất đi. “Vâng mẹ cứ lấy đi. Mà mẹ định làm gì?” “Mẹ định làm lại cái đồ ở trường cho nó. Chứ nó cứ đòi bà thế này…” Khi mình về tới nhà thì thấy mảnh giấy đỏ cắt dán thành ống ngổn ngang trên đất. Bà khoe là cháu thích lắm. Bà cắt giấy dính thành mấy hình ống, cháu thích thú cầm lên làm ống nhòm nghịch nghịch nhìn bà. Hết ăn vạ. Lúc ăn cơm, bà ngoại của Anna vẫn còn tiếc rẻ bảo: “Mai ngày nghỉ, hai đứa mày đưa nó đi chơi. Mẹ đi xe buýt quay ngược lại trường xem có tìm được cái đồ của nó không? Chắc người ta chưa quét dọn thì vẫn tìm thấy được.” Chẳng nói tới việc không biết làm rơi chỗ nào, gió bên này thổi quần thật, đến người còn bay chứ nói gì tới mấy mẩu giấy. Đúng là không khác gì mò kim dưới đáy biển mà bà ngoại của Anna cũng nghĩ ra được. Thậm chí bà còn nhắc lại ý định này tới mấy lần. Tất nhiên là Cuối ngày bà nói thêm: “Là do bà sơ ý làm mất đồ của nó. Bà ngồi cả buổi làm đồ cho nó cũng là để chuộc lỗi với nó.” 2. Một ngày khác, mình đi làm về thấy trên góc bàn để một chiếc bánh bích quy gói trong một miếng giấy ăn. Bánh có kem đủ màu sắc vẽ thành hình tranh trí nhoè nhoẹt ở phía trên. Giấy dính lên kem bên bết bẩn bẩn. Trông giống như là hôm nay Anna học làm bánh ở trường, xong các cô gói cho mang về. Đoán vậy nhưng mình vẫn hỏi mẹ: “Bánh gì đây mẹ?” Mẹ bảo: “Là bánh cô giáo đưa cho mẹ ở trường. Nó muốn ăn lắm mà mẹ không biết có ăn được không, nên gói về hỏi con.” Anna vốn bị dị ứng với bơ sữa nên ăn uống bà ngoại cũng cẩn thận, cái gì mới đều hỏi trước thì mới cho ăn. Nhà trường biết về dị ứng của Anna nên chắc chắn là bánh ăn không có vấn đề gì, nhưng bà bao giờ cũng muốn hỏi cho chắc. Mình gật gù: “Bánh này ăn được mẹ ạ. Nhưng mà ăn cơm trước đã.” Nói rồi mọi người ngồi vào bàn ăn uống. Ăn uống dọn dẹp xong mình cũng quên mất tiêu về cái bánh. Đang chuẩn bị đi lên gác tắm rửa thì bị bà ngoại Anna kéo lại. Bà bảo: “Con cho nó ăn bánh đi chứ. Bà đã bảo nó là về hỏi mẹ xong sẽ được ăn. Con không cho nó ăn, nó lại tưởng là bà nói dối nó, không giữ lời.” Thực ra thì Anna ăn chơi phè phỡn, cũng quên mất tiêu về cái bánh rồi. Rốt cuộc thì chỉ có bà là nhớ về lời hứa của mình. 3. Một tối khác, mình đi làm về. Bà ngoại của Anna vẫn tất bật nấu nướng ở trong bếp. Mùi đồ ăn thơm lừng cả căn nhà. Mình cất đồ vào bếp giúp bà xới cơm. Vừa thấy mình, bà bảo: “Con hỏi Anna hộ mẹ xem hôm nay tại sao lúc thấy mẹ tới đón ở nhà trẻ tự dưng đang vui vẻ nó lại bật khóc?” Mình ngạc nhiên: “Bật khóc lúc nên đón là sao?” Chuyện này rất lạ vì hôm này chẳng nghe bà kể Anna vui tươi hí hửng chạy ù ra với bà ngay. Bà kể tiếp: “Hôm nay mẹ tới sớm. Có một phụ huynh khác cũng tới đón cháu mang theo cả thẳng cu em một tuổi. Mẹ giúp dắt tay thằng cu vào. Anna đang vui vẻ lắm nhưng thấy mẹ dắt thằng cu thì nó liền bật khóc. Mà mẹ bỏ tay thằng cu, chạy đến với nó thì nó nín liền…” Nghe cách bà kể là biết là đoán ra lý do rồi. Vừa lúc Anna chạy chơi tới. Bà liền ngồi xuống cầm tay Anna hỏi: “Có phải hôm nay con khóc vì bà cầm tay thằng cu không?” Chẳng biết cháu có hiểu câu hỏi của bà không mà gật gật đầu. Bà nói tiếp: “Vậy bà biết rồi! Lần sau bà không cầm tay thằng cu nữa mà chỉ cầm mỗi mình tay Anna thôi nhé.” Cháu nghe bà nói chẳng biết hiểu bao nhiêu mà lại tiếp tục gật đầu lia lịa. Lúc Anna chạy đi chơi rồi, bà ngoại của Anna kết luận với mẹ Anna: “Cháu nhà mình nó nhạy cảm. Để người ngoài trông thật không an tâm. Chỉ có để bà trông mới là tốt nhất thôi.” 4. Nghe bà kể, dạo này mỗi sáng mà Anna dậy sớm, bà chưa sang tới nơi. Anna không còn khóc nhè như trước kia, mà tự mở cửa đi thẳng sang phòng bà ở đối diện tìm bà. Buổi sáng thi thoảng Anna ngủ dậy trước lúc ba mẹ đi làm. Bà bế Anna ra tiễn ba mẹ. Mẹ dặn dò Anna ở nhà với bà, Anna cũng chẳng mè nheo đòi theo mà vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt ba mẹ. Buổi tối, trong lời cầu nguyện trước khi đi ngủ của Anna thường có câu: “Thank you for Grandma!” (“Cám ơn Chúa đã ban cho con bà ngoại!”) Một lần, Anna nằm ngẫu hứng kể: “I love Mummy, I love Daddy, I love Grandma…” (“Con yêu mẹ, con yêu ba, con yêu bà ngoại…”) Nghe bà bảo, Anna cũng đã nói: “Yêu bà!” bằng tiếng Việt cho bà nghe, còn thơm chụt lên má bà. Còn phải nói bà vui đến thế nào. 5. Giờ mỗi sáng là bà đánh thức Anna dậy, mặc quần áo cho Anna, cho Anna ăn sáng rồi đưa Anna đến trường. Mỗi chiều thì bà lại đến trường đón Anna về. Bao giờ đến đón trong túi bà cũng có đồ ăn. Khi thì miếng bánh mì, khi thì quả chuối, khi thì bánh kẹo xúc xích. Bà không biết tiếng, lại lạ nước lạ cái. Đi xe buýt đưa đón Anna phải thay bến, đi hai xe khác nhau, không hề dễ dàng. Xe buýt tầm tan học lại đông chen nhau đến mức lỡ mấy cái mới về tới nhà. Ba Anna đi đón một hai lần mà còn than trời than đất, thậm chí về tới nhà liền lên trang mạng mua bán nhà đất tìm nhà gần trường. Vậy mà khi mẹ hỏi bà: “Mẹ thấy đưa đón cháu thế nào?” Bà chỉ bảo một câu: “Vui!” 6. Anna thật may mắn vì có bà ngoại ở bên. Mẹ hi vọng Anna sẽ lớn lên có thật nhiều ký ức và kỷ niệm đẹp với bà ngoại, và sẽ nhớ mãi những ngày thơ bé khi bà làm đồ chơi cho Anna, khi bà cho Anna ăn, và khi bà ôm Anna đứng chen chúc trên chuyến xe buýt những chiều tan tầm chật kín người. *** Bài viết được trích dẫn từ Fanpage vô cùng ngọt ngào: https://www.facebook.com/chuyencuangan/ Link tới wordpress blog https://ngansite.wordpress.com/