Mẹ bầu thường ngủ nhiều hơn bình thường trong ba tháng đầu thai kì. Lúc này, cảm giác mệt mỏi là điều bình thường vì cơ thể mẹ hoạt động để bảo vệ và nuôi dưỡng em bé đang phát triển. Nhau thai (cơ quan nuôi dưỡng thai nhi cho đến khi sinh) lúc này mới hình thành, cơ thể mẹ đang tạo ra nhiều máu hơn và trái tim đang bơm máu nhanh hơn. Thông thường sau này trong thai kỳ, hầu hết mẹ bầu lại khó có được những giấc ngủ sâu hay liên tục như giai đoạn đầu. Ngủ cho cả mẹ cả con Tương tự như người ta vẫn khuyên mẹ ăn cho con, các chuyên gia cũng khuyến khích mẹ bầu ngủ cho cả bé, mẹ bầu nên ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng không ngủ đủ giấc trong khi mang thai có thể khiến mẹ có cảm giác kiệt sức vào ban ngày, quạu quọ và có kém tập trung. Mệt mỏi khi mang thai Nhưng ở một mức độ nào đó, sự mệt mỏi liên quan đến thai kỳ là do nội tiết tố trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nồng độ progesterone bắt đầu tăng lên. Bên cạnh ảnh hưởng của hormone, mẹ bầu sẽ cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn , đây là phản ứng sinh lý khi tử cung lớn hơn và thai nhi phát triển, kết hợp với tăng cân liên quan đến thai kỳ và tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Lúc này cơ thể đang làm việc chăm chỉ hơn khi nhau thai hình thành để nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển, lượng máu cung cấp tăng lên và tim đập nhanh hơn. Ngoài ra sự thay đổi về cảm xúc cũng làm cho mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi hơn. Sự phấn khích cũng như nỗi lo lắng sắp làm mẹ và lo lắng về chuyển dạ và sinh nở đều có thể gây căng thẳng và khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Giấc ngủ trong tam cá nguyệt thứ nhất Trong những tháng đầu của thai kỳ, nồng độ progesterone tăng không chỉ khiến mẹ bầu cảm thấy buồn ngủ mà còn là nguyên nhân khiến mẹ cảm thấy buồn tiểu thường xuyên, điều này cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ và khiến mẹ càng buồn ngủ hơn. Trong ba tháng đầu tiên, thận của mẹ đang làm việc nhiều hơn để lọc lượng máu di chuyển qua cơ thể tăng lên và quá trình lọc này tạo ra nhiều nước tiểu, cũng tương tự khi em bé của lớn lên và tử cung sẽ lớn hơn, áp lực lên bàng quang sẽ càng tăng lên. Điều này khiến mẹ bầu phải thức dậy nhiều lần và đi tiểu thường xuyên vào ban đêm. Tuy nhiên mẹ bầu không nên vì ngại đi tiểu nhiều và cắt giảm lượng nước nạp vào cơ thể hằng ngày, vì uống đủ nước rất quan trọng trong quá trình mang thai. Mẹ bầu cũng có thể cảm thấy nóng hơn khi ngủ do tốc độ trao đổi chất trong người tăng lên. Mẹ có thể bật quạt nhè nhẹ để cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ bầu có biết ngáy là tình trạng phổ biến khi mang thai và có thể xuất hiện trong ba tháng đầu ở những phụ nữ bị thừa cân hoặc bị dị ứng. Giấc ngủ trong tam cá nguyệt thứ 2 Giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai là giai đoạn mẹ sẽ cảm thấy tốt hơn vì sự thay đổi nội tiết tố bắt đầu chững lại, tuy nhiên hiện tượng chuột rút có thể xảy ra vào ban đêm trong giai đoạn này. Và một số phụ nữ mang thai, đặc biệt là nếu họ bị thiếu máu và có lượng sắt thấp, có thể có cảm giác như chân bị kiến bò vô cùng khó chịu khi ngồi hoặc nằm vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và nghiêm trong hơn trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Thường thì cách giảm đau duy nhất là đi bộ xung quanh một chút, nhưng sau đó thì mẹ bầu khó mà ngủ lại được. Chứng ợ nóng là một vấn đề khác có thể khiến phụ nữ tỉnh táo vào ban đêm. Khi quá trình mang thai diễn ra và tử cung của mẹ trở nên to hơn, nó có thể đè lên bụng khiến cảm giác nóng rát trở nên phổ biến hơn. Lúc này mẹ có thể nằm nghiêng sang trái và cong đầu gối hoặc thử ngủ với đầu giường nâng cao hoặc tựa đầu vào nhiều gối hơn để giảm bớt sự trào ngược axit dạ dày. Giấc ngủ trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 Một nghiên cứu cho thấy rằng vào cuối thai kỳ, mẹ bầu thường khó ngủ hơn và số lần thức dậy vào ban đêm và sáng sớm tăng so với giữa thai kỳ. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia khuyến cáo rằng mẹ bầu nên ngủ bên trái, điều này có thể cải thiện lưu lượng máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển và đến tim, tử cung và thận của mẹ. Nghiên cứu cho thấy mẹ mang thai trên 28 tuần thường xuyên nằm ngửa khi ngủ có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ thai chết lưu. Tuy nhiên nếu mẹ tỉnh dậy thấy mình đang ở tư thế này thì không không cần quá lo lắng mà từ từ đổi vị trí nằm nghiêng sang trái. Mẹ có thể sử dụng một chiếc gối ở hai đầu gối, dưới bụng và một phần ba sau lưng để hỗ trợ và giúp ngủ ngon hơn. Mẹ có thể mua một chiếc gối chữ C dành cho bà bầu. Ngáy cũng là một trường hợp phổ biến hơn trong ba tháng thứ ba của thai kỳ do tăng cân hoặc mẹ bị nghẹt mũi. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bắt đầu ngáy khi mang thai có thể có nguy cơ cao huyết áp và tiền sản giật liên quan đến thai kỳ, một tình trạng huyết áp cao khi mang thai, so với những bà mẹ không ngáy. Những giấc mơ kỳ lạ khi mang thai Một số mẹ bầu có những giấc mơ kỳ lạ hoặc ác mộng về em bé, và về chuyển dạ và sinh nở. Điều này là bình thường. Một trong những lý do mẹ nằm mơ là do sự gia tăng sản xuất hormone làm tác động đến cảm xúc và sự lo lắng của mẹ. Chúng cũng sẽ tác động đến cách não xử lý thông tin và cảm xúc, có thể dẫn đến những giấc mơ sống động và thường xuyên hơn trong thời gian này! Mẹ nên cố gắng vận động nhẹ trong ngày, ăn sớm và ăn chậm vào buổi tối, giảm uống nước sau 7 giờ tối và tránh đồ uống có caffeine. Mẹ cũng có thể cố gắng ngủ và buổi trưa và nhớ là không được tự ý uống thuốc ngủ hay sử dụng chất bổ sung gây buồn ngủ nào mà không hỏi ý kiến của bác sĩ nhé!