Có rất nhiều trẻ em cắn móng tay, đây là một thói quen giảm căng thẳng (nervous habits) cực kì phổ biến. Con bạn có thể cắn móng tay vì rất nhiều lý do: tò mò, buồn chán, giảm căng thẳng, do thói quen hoặc đơn giản là bắt chước người khác. Có nhiều bé sẽ tự dừng thói quen này nhưng nhiều em bé có thể duy trì thói quen này tới tuổi trưởng thành. Làm gì khi thấy con cắn móng tay? Bố mẹ thử quan sát xem có phải con đang bị lo lắng và căng thẳng thì đầu tiên hãy nói chuyện với bé, ngoài ra có một số cách có thể giúp bé bỏ đi thói quen này: 1. Cắt móng tay cho bé thường xuyên: Việc cắt móng tay sẽ giúp giảm số lượng vi khuẩn bé đưa vào miệng, bố mẹ cũng cần nhắc bé thường xuyên rửa sạch tay. 2. Tìm vật thay thế cho bé cắn: Bố mẹ có thể cho bé thay thế bằng các vật như miếng gặm nướu, đồ chơi an toàn, đồ ăn không đường khi bé thèm cắn một thứ gì đó. 3. Giúp bé tập trung vào các hoạt động thay thế: Bố mẹ có thể hướng dẫn bé hít thở sâu khi căng thẳng, nắm chặt và thả lỏng bàn tay mỗi khi muốn cắn, ngoài ra bố mẹ cũng cần để bé có nhiều cơ hội để chạy và chơi bên ngoài, nếu có thể để giảm căng thẳng và đốt cháy năng lượng. Một số bé có thể thích các môn nghệ thuật và thủ công để làm cho cho đôi tay của chúng bận rộn và thư giãn cùng một lúc. Đối với những đứa trẻ khác, học chơi một nhạc cụ có thể hữu ích. 4. Giúp con nhận thức được thói quen: - Bố mẹ có thể nói với con về vấn đề con đang gặp phải và giải thích cho con hiểu sẽ tốt hơn nếu con từ bỏ thói quen này. Bố mẹ có thể nói chuyện theo cách: "Có vẻ như bạn ngón tay của con thỉnh thoảng bị đau khi con cắn bạn ấy rất nhiều. Chắc chắn là bạn ấy không muốn thế đâu, con có nghĩ thế không?" - Bố mẹ cũng có thể giúp bé bằng cách nhắc nhở bé khi nhìn thấy bé cắn móng tay thông các hành động “bí mật” như chạm nhẹ và cánh tay của bé, hoặc bố mẹ cũng thử cùng bé chơi trò “dán băng dính” vào đầu ngón tay để khi bé nhìn thấy bé sẽ nhớ ra mình cần phải làm gì. Với các em bé lớn có thể dùng sơn móng tay an toàn và sơn cho con và nhắc bé giữ gìn nó, nếu cắn móng tay sẽ phá hỏng bộ móng tuyệt đẹp mà con có. 5. Khen thưởng: Thưởng cho bé một thứ gì đó nếu ngày hôm đó bé có tiến bộ, việc này sẽ khích lệ và giúp bé có nhận thức hơn trước hành vi của mình. 6. Đừng cằn nhằn hay trừng phạt. Trừ khi bé thực sự muốn ngừng lại, việc bố mẹ cằn nhằn hay ép bé phải từ bỏ thói quen là rất khó vì đôi khi hành động này khá là vô thức, bé thậm chí không biết mình đang làm điều đó. Tuy nhiên nếu bố mẹ cảm thấy con đang cắn móng tay quá nhiều thì có thể đặt ra một số quy định như: Không cắn móng tay khi đang ăn cơm” để bé chú ý hơn về điều đó. Nói chung, miễn là bé không tự làm đau mình và không bị quá căng thẳng khi cắn móng tay, cách tốt nhất bố mẹ có thể làm là giữ cho móng tay con được cắt tỉa gọn gàng, nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên và cố gắng giúp bé tập trung chú ý vào nơi khác. Nếu bạn gây áp lực buộc bé dừng lại, bé càng bị căng thẳng và có thể càng cắn móng tay nhiều hơn. Cuối cùng là sự kiên trì, thói quen xấu thì thường khó bỏ.Với mỗi bé khác nhau sẽ cần phải có các phương pháp khác nhau để khắc phục tình trạng này, hãy nhắc con rằng đừng lo lắng bố mẹ luôn đồng hành cùng con để bỏ thói quen này. Trong trường hợp bé cắn móng tay quá đau hoặc chảy máu, đi kèm những hành vi đáng lo ngại khác như bứt tóc, bứt da hoặc bé ngủ không ngon thì cần đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn.