Có một chủ đề được các mẹ quan tâm không kém bên cạnh việc ăn uống của con chính là việc cho con ngủ nghỉ sinh hoạt như thế nào. Mình đã từng lê la qua rất nhiều group cộng đồng Mẹ & Bé, đọc được một vạn tám ngàn bài ca nỉ non về việc em bé khóc quấy, lục sục ti mẹ hay bắt bế đứng cả đêm khiến bố mẹ kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần vì không được ngủ đủ giấc. Bản thân mình cũng từng mất một tháng đầu tiên sau sinh bế con ngủ trên tay đến rã cả người, thức đêm ôm con đến xơ xác như cái giẻ lau nên mình thực sự đồng cảm. Thật may mắn là mình đã được tiếp cận những tài liệu quý giá về nếp sinh hoạt EASY vào thời điểm đủ sớm để có thể khiến hành trình chăm con trở nên thật nhẹ nhàng và đầy trái ngọt. 1. Chuyện vỗ ợ hơi cho con Lúc mới sinh, do không có chút kinh nghiệm và kiến thức nào nên mình khá thụ động và hoang mang trong việc chăm bé, đặc biệt là không biết xử lý ra sao mỗi khi con khóc. Các bà bảo trẻ con khóc chỉ xoay quanh vài lý do thế này thôi: đói, ướt bỉm, gắt ngủ, khó chịu trong người. Vậy nên mỗi lần con khóc quấy mà kiểm tra bỉm thấy khô, hát ru vỗ về mà không thấy ngủ, nhà mình đều quy ra thành một nguyên nhân: con đang đói. Kể cả là khi con chỉ mới vừa ăn cách đó 30 phút hay chưa đầy 1 tiếng, kể cả là khi đã tăng lượng sữa cho con lên nhiều hơn so với bình thường…, con vẫn cứ khóc váng nhà. Cái bình ti tiếp tục dấn vào miệng con, con càng khóc như xé vải. Cái vòng lẩn quẩn bé khóc --> cho ti --> bé khóc -> cho ti -> bé khóc... khiến nhiều khi mình không thể giữ nổi bình tĩnh: Rốt cuộc con muốn mẹ phải thế nào đây? Bỉm đã thay rồi, sữa đã no rồi. Ăn no sao không ngủ đi?! Lúc nào cũng khóc lóc gắt gỏng. Sao con hư thế hả? Đáp lại cơn cáu bẳn của mình là những tiếng khóc đầy bất lực của em bé. Con chỉ dịu đi khi đã mệt lử, còn mình thì vừa ôm con vừa chảy nước mắt vì không nghĩ làm mẹ khổ sở như vậy. Sau khi lao vào nghiên cứu các tài liệu chăm em bé sơ sinh, mình mới nhận ra mình đã vô tình làm khổ con suốt một tháng trời. Con khóc không phải vì ĐÓI, mà vì đã phải ăn quá no và đầy hơi các bạn ạ! Ăn no, khóc nhiều, nuốt phải nhiều khí vào trong bụng, con cần được bố mẹ vỗ ợ hơi cho thoải mái. Không như người lớn đầy bụng thì chỉ hơi hơi khó chịu, các bé đầy bụng sẽ có cảm giác đau đớn vô cùng dẫn đến quấy khóc không ngừng. Mình xin chia sẻ 3 cách cho bé ợ hơi hiệu quả: - Bế bé áp vào ngực: Mẹ ngồi thẳng và để đầu bé tựa vào vai, thân người bé áp vào ngực. Một tay mẹ đỡ mông bé và một tay còn lại xoa hoặc vỗ nhè nhẹ vào lưng bé. Nếu mẹ ngồi trên một chiếc ghế bập bênh và nhún nhẹ thì cũng có thể tạo ra tác dụng tương đương. - Cho bé ngồi trong lòng mẹ: Cách ợ hơi thứ hai là để bé ngồi thẳng trên đùi mẹ, dùng lòng bàn tay đỡ cằm của bé và phần cổ tay đỡ phần ngực bé. Tay còn lại nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé. Mẹ có thể để bé ngồi hơi nghiêng về đằng trước để đẩy hơi ra dễ dàng hơn. - Để bé nằm sấp: Để bé nằm sấp trên đùi mẹ và dùng tay để hỗ trợ phần đầu cho bé. Mẹ hãy đảm bảo rằng phần đầu bé cao hơn phần ngực. Vỗ nhẹ lưng bé. Trong những ngày đầu tiên, mẹ có thể cảm thấy lo lắng vì phần cổ của bé còn yếu nên không muốn bế đứng hoặc để bé ngồi hay nằm sấp. Nhưng khi thực hiện đúng cách, phần đầu và cổ của bé luôn được hỗ trợ và bé sẽ không cảm thấy khó chịu tí nào cả. Hơn nữa, việc tập nằm sấp sẽ khuyến khích bé mau học cách nâng đầu lên, một trong những bước quan trọng để khởi đầu cho khả năng vận động toàn thân của bé sau này. Về tư thế bế vác vai ợ hơi, dựng bé ngồi ợ các mẹ có thể tìm từ khóa "burp newborn" hoặc "gas relief newborn" trên youtube có rất nhiều, bế đúng tư thế cũng giúp bé ợ hơi dễ và hiệu quả hơn nhé. Ví dụ 1 clip bế vác vai vỗ ợ hơi: 2. Chữa ngủ ngày cày đêm và thiết lập nếp sinh hoạt cho bé Trước hết mẹ cần ghi lại thật kỹ giờ ăn ngủ của con để theo dõi và điều chỉnh. Mẹ sẽ nắm được con hay ngủ tầm nào, ngủ được bao lâu, tầm nào con ngủ sâu nhất để thực hiện dựa trên nhu cầu của con. TÓM TẮT: Để bé không ngủ ngày cày đêm ngay từ khi lọt lòng, mẹ cần: - Tập cho bé phân biệt ngày đêm bằng cách tắt đèn tối kể từ 19h. Ban đêm giữ im lặng và tối. - Cho bé một lịch ăn và ngủ hợp lý, khoa học. - Cả nhà cần hợp tác và tự đi ngủ sớm cùng bé. Nếu đem mà các hoạt động của cả nhà vẫn diễn ra sôi nổi, 12-1h đêm bé vẫn chưa ngủ là chuyện dễ hiểu. Người lớn cần làm gương cho bé. - Cho bé đi ngủ đêm sớm. Bé sơ sinh ngủ đêm tốt nhất là 19h. Các bé lớn hơn ko ngủ muộn quá 22h, lý tưởng nhất là trc 21h. Nếu để bé ngủ muộn so với độ tuổi, bé sẽ khó đi vào giấc ngủ và tỉnh dậy nhiều lần vào ban đêm. - Hỗ trợ bé ngủ liền mạch vào ban đêm trong thời gian đầu. Cách làm chi tiết và cụ thể phía dưới. Tại sao các bé sơ sinh thích ngủ ngày cày đêm? Lỗi đầu tiên thuộc về mẹ. Bé sơ sinh vừa ra khỏi bụng mẹ ko thể phân biệt được ngày đêm. Khi mang bầu mẹ có thể để ý thấy buổi tối và ban đêm bé quậy hơn nhiều so với ban ngày, thói quen chơi ban đêm hình thành từ khi bé còn trong bụng. Vì vậy khi ra đời, bé vẫn giữ thói quen "cú đêm" đó. Bé trong bụng và trong những tháng đầu, hầu như ko ra ngoài trời đủ lâu để biết à trời đang chuyển dần sang tối, tối là vạn vật đi ngủ. Hầu như bé chỉ ở trong phòng, ban ngày có ánh sáng, tối có đèn điện, với bé lúc nào cũng giống như ban ngày vậy. Bé cũng chưa thể tham gia vào hoat động xã hội nên ko thể nắm bắt nhịp sinh học của người lớn. Vì vậy mẹ chưa dạy bé phân biệt ngày đêm, thì lỗi đó thuộc về mẹ. Và mình đã làm như thế này: Cuộc chiến 10 ngày lần thứ nhất: Dạy con biết ngày - đêm - Ban ngày sáng đèn, thực hiện tắt đèn tối từ 19h đến hết sáng hôm sau. Như vậy cứ 6-7h tối mình đều để đèn ngủ chỉ đủ mẹ nhìn pha sữa và canh chừng con. Đóng cửa và hạn chế tất cả các hoạt động khác, không chơi cùng con. Tuyệt đối không tạo tiếng ồn, không dỗ "mẹ đây, mẹ đây"... Có thể tạo âm thanh "xuỳ xuỳ" giống xi tè bên tai để trấn an con hoặc mở whitenoise - tiếng ồn trắng (đây cũng là một phương pháp luyện ngủ của nước ngoài) Ban đầu để tạo thói quen ngủ vào 1 giờ nhất định buổi tối, những ngày đầu mẹ nên dùng mọi cách: ru,ti giả, đung đưa... để con ngủ đúng giờ, hình thành thói quen ngủ và nhịp sinh học. Đừng lo vì em bé sơ sinh chưa bị làm hư bởi những thứ đó. 10 ngày tiếp theo: giúp con ngủ liền mạch giấc đêm - Gọi dậy để đêm buồn ngủ: Giấc ngủ cuối trước giờ đi ngủ đêm (giấc chiều muộn) , mẹ nên cho bé ngủ 30 40 phút là đủ, để bé thức dài hơn một chút vào cữ này bé sẽ buồn ngủ và dễ dàng đi vào giấc đêm hơn. - Ví dụ: Bữa chiều của bạn Bull là 16h, ăn xong 45p đến 1 tiếng sẽ đi ngủ (lịch trình bé 3 tháng, bé sơ sinh chỉ 15-20p cần đi ngủ luôn). Như vậy giấc ngủ ngày cuối cùng của bạn Bull vào khoảng 17h. Sau 3 tiếng tức 19h tối bạn sẽ ăn bữa đêm cuối cùng. Như vậy mẹ sẽ cho ngủ 30p đến 17:30 là gọi dậy, tắm táp hoặc chơi cùng bạn để bạn tỉnh táo và thức đến bữa ăn cuối (19h). Sau khi ăn xong bữa cuối thì bạn cũng đã rất rất buồn ngủ vì thức dài, nên bạn sẽ dễ dàng đi ngủ đêm luôn mà không thức để chơi quá lâu nữa. Các bé ngủ thẳng giấc ko phải là ngủ yên 1 mạch đến sáng. Mà chu kỳ ngủ của trẻ vẫn diễn ra, vẫn có giai đoạn ngủ sâu và ngủ REM (chập chờn). Các bạn ngủ được liền mạch là do tự dỗ mình vào giấc ngủ tiếp sau mỗi chu kỳ kết thúc. Ví dụ chu kỳ ngủ 3 tiếng là kết thúc, bé sẽ chuyển sang trạng thái lơ mơ dễ bị tỉnh giấc. Những bạn tự chuyển giấc đc sẽ ngủ tiếp, những bạn ko tự ngủ tiếp đc sẽ dậy và khóc. Và những bạn vẫn ăn đêm thì sẽ dậy khóc vì đói. Việc của mẹ là hiểu con cần gì và đáp ứng nhu cầu, giúp con ngủ liền mạch không thức dậy khóc và chơi. Với các bạn không chuyển đc giấc nên bị tỉnh, không phải dậy vì ăn: Những bạn bị thức dậy nhưng chỉ bú vớ vẩn, không ăn nhiều tức là bạn ấy không phải dậy vì đói; mà bị tỉnh vì không tự chuyển giấc được. Thì đêm hôm sau mẹ sẽ xử lý như sau: Mẹ để ý kết thúc 1 chu kỳ ngủ, giữa đêm bạn ấy tỉnh, chân tay cử động. Việc của mẹ là im lặng theo dõi. Nếu chỉ cử động, miệng không kêu è è, tức đó chỉ là một hoạt động trong giấc ngủ thôi, mẹ khôn can thiệp để tự bạn xử lý và ngủ tiếp. Nhiều bạn thậm chí mở mắt, xoay người liên tục hoặc đứng hẳn lên thành cũi, nhưng thực ra cơ thể vẫn đang trong trạng thái ngủ, chỉ là bạn ấy chuẩn bị chuyển giấc thôi. Nếu ko ọ oẹ và khóc mẹ đừng vội can thiệp, có thể các bạn ấy sẽ tự ngủ tiếp. (Mình sẽ share bảng chu kỳ ngủ đêm của bé để các mẹ hiểu trẻ con không ngủ một mạch như người lớn mà giấc ngủ dài của bé là chuỗi những chu kỳ nhỏ. ) Nếu chân tay đạp mạnh hơn, miệng bắt đầu e e chuẩn bị khóc và tỉnh hẳn, mẹ hãy cho bạn ấy một chiếc ti giả, hỗ trợ bạn ấy bằng cách vỗ mông hoặc bế lên đung đưa một chút. Thời gian đầu có thể sẽ dậy nhiều nhưg ko phải dậy đòi ăn, nếu mẹ có thể dỗ ngủ tiếp thì kiên trì dỗ. Lâu dần bé sẽ quen ngủ đc giấc dài hơn. Đối với các bạn tỉnh dậy giữa đêm vì đói Các bạn dưới 3 tháng tuổi vẫn cần ăn đêm. Trên 4 tháng tuổi mẹ nên tập bỏ ăn đêm. Bé dậy giữa đêm vì đói thì mẹ hãy xử lý: + Nếu mẹ cho con ti đêm thì quá tuyệt vời để con ngủ liền giấc, ngay khi con cựa quậy tỉnh giấc, mẹ bế lên và cho ti luôn. Khi ti bé sẽ tiếp tục đi ngay vào giấc ngủ tiếp theo mà không cần dỗ. Có thể bé sẽ ăn rất ít mà ngủ ngay, nếu đạt giấc ngủ dài thì cứ kệ bé ngủ. Điều đó càng tốt để cai ti đêm. Nếu dậy mà ăn ít rồi lăn ra ngủ luôn, có thể bạn ấy ko phải dậy vì đói, mẹ cần theo dõi để hiểu bé yêu của mình. Nếu ăn ít và ngủ ngắn vì đói thì mẹ khẽ lay con để ăn tiếp cho no bụng, ngủ sâu. + Nếu mẹ cho bú bình, đặt đồng hồ pha sữa trước giờ con dậy, khi con vừa dậy là có sữa ăn đêm ngay. Mẹ để con tỉnh táo và chờ đợi càng lâu thì con sẽ càng khó ngủ trở lại. Nếu bé cáu gắt vì đợi lâu, mẹ cho bé ti giả để trấn an. Dần dần bé sẽ ngủ được những giấc liên tục, chỉ thức dậy ăn đêm và ngủ ngay sau đó. Đối với những bạn thức dậy giữa đêm vì khó chịu bỉm: Khi bé cần thay tã, mẹ nên thực hiện thật nhanh TRƯỚC bữa ăn đêm của con; vì ăn xong con sẽ ngủ ngay, mẹ thay tã sẽ khiến con mất giấc ngủ. Tốt nhất mẹ nên dùng lọai bỉm êm ái thấm hút tốt vào ban đêm để không ảnh hưởng giấc ngủ của con. Nếu đêm bé không ăn hoặc ăn ít mà ngủ liền mạch, thì sẽ không đi tiểu nhiều, không lo tràn bỉm. Với những bé đã biết ban đêm là để đi ngủ, cũng sẽ ko đi ị về đêm. Tổng kết lại, tất cả những hành động này sẽ giúp bé sẽ hiểu: Đêm là trời tối, tối thì phải đi ngủ. Những hoạt động ban đêm sẽ diễn ra thật nhanh không ồn ào, và mẹ sẽ không chơi cùng mình. Còn ban ngày thì sao? Ban ngày mình đánh thức con lúc 7h sáng (kể cả con thức cả đêm và vừa mới ngủ), vệ sinh cá nhân cho con, bật nhạc Tiếng Anh vui vẻ, cho con tập vận động, cho con ăn và chơi cùng con. Điều đó báo hiệu đêm đã kết thúc. Việc đánh thức vào 1 giờ nhất định rất quan trọng, giúp con biết một ngày mới đã bắt đầu. Mẹ đừng để con thoải mái ngủ, như vậy chỉ khiến bé quen với việc ngủ ngày. Ngủ ngày quá dài thì đêm sẽ thức. Ban ngày sau mỗi cữ ăn mình đều vỗ ợ, cho con vận động, chơi cùng con một lúc tuỳ vào thời gian thức theo độ tuổi của con (ví dụ con 3 tháng chơi 20-30p, con 5 tháng chơi 60 phút mới vào giấc ngủ; còn bé sơ sinh chỉ thức đc 15 phút là mệt nên ăn xong sẽ cần ngủ ngay không chơi). Điều này giúp bé biết ban ngày ăn xong mình sẽ được chơi, khác với ban đêm. Ban ngày khi con ngủ mình không giữ im lặng tuyệt đối như ban đêm, vẫn làm mọi việc bình thường nhưng âm thanh nhỏ vừa phải, chỉ tránh tiếng động lớn và đột ngột. Điều này giúp bé quen với những âm thanh của ban ngày, còn ban đêm sẽ hoàn toàn tĩnh mịch. Để bé hợp tác hơn với việc ngủ, đồng thời ăn uống tốt hơn. Mẹ nên tìm hiểu và thực hiện cho bé một nếp sinh hoạt đều đặn. Mình theo Easy 3 (các mẹ tìm hiểu thêm về nếp easy) tuy nhiên có điều chỉnh. Ví dụ easy cho bé ngủ từ 7h - mình 9h, giờ tắm 17h - mình linh động rỗi lúc nào tắm lúc ấy, bé ngủ thẳng giấc đêm - bé nhà mình vẫn ăn đêm 1-2 lần khi dưới 3 tháng. Tóm tắt là cho bé ăn - vận động - ngủ theo quy trình lặp đi lặp lại, lâu dần bé sẽ thành thói quen cứ tầm nào là đói, tầm nào là buồn ngủ. Nhờ sự ghi chép lại giờ giấc mẹ sẽ nắm được lịch trình của bé để đáp ứng phù hợp. Bao nhiêu lâu thì con vào nếp? Mình bắt đầu tạo thói quen cho con khi con 15 ngày tuổi, đến khi 1 tháng 5 ngày con mới bắt đầu không thức đêm và ngủ được những giấc 2,5 tiếng. Đến 3 tháng tuổi con bắt đầu ngủ đêm được những giấc 4-5 tiếng, dậy ăn đêm 1 lần vào 2h hoăc 3h. 4 tháng tuổi con ngủ xuyên đêm 11 tiếng không ăn. Mình xin nhấn mạnh lại rằng, mỗi bé mỗi nết nhưng dạy con phân biệt ngày đêm và giúp con ăn ngủ có trình tự, con sẽ ngoan hơn rất nhiều. Có thể không tự ăn tự ngủ như các bạn khác,nhưng chắc chắn mẹ sẽ đỡ mệt hơn, cả mẹ và con đều hiểu nhau hơn. Các mẹ hãy kiên nhẫn nhé. Bài viết là những chia sẻ đầy tâm huyết của mẹ Bull tại group Cẩm nang làm mẹ, hi vọng với bài viết này các mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm để tập nếp sinh hoạt EASY cho bé trong những năm tháng đầu đời. Mong là mẹ sẽ kiên nhẫn để hiểu và đồng hành cùng con mẹ nhé!