Chơi trò chơi cũng là một cách đơn giản để cha mẹ thêm gần gũi và thấu hiểu con cái hơn, đặc biệt là từ khi trẻ còn nhỏ. Với mục đích giúp các bậc cha mẹ rút ngắn khoảng cách với con trẻ, trang Sohu đã gợi ý 9 trò chơi tương tác đơn giản mà bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể chơi với con mình tại nhà. Những trò chơi dưới đây tuy dễ thực hiện và rất đơn giản nhưng chắc chắn bé sẽ chơi không biết chán, vừa giúp con vui vẻ vừa mang chúng ta đến gần con hơn. 1. Phi tàu bay chắc hẳn là trò chơi đã quen thuộc với chúng ta hồi còn nhỏ Cha mẹ nằm trên giường hoặc sàn nhà, hai chân duỗi thẳng lên trời, bàn chân đặt ngang hơi hướng lên trên rồi từ từ nâng đỡ cơ thể bé. Để bé nằm trên 2 bàn chân bố, mặt hướng xuống dưới, bố mẹ có thể dùng tay mình đỡ 2 bên cánh tay con sao cho giống hình ảnh lúc máy bay khởi hành. Chú ý giữ cân bằng và chỉ nên lắc người bé một cách nhẹ nhàng. Trò chơi này phù hợp với trẻ từ 1-6 tuổi, vì đây là động tác cần phải dùng nhiều sức lực để nâng người trẻ lên nên trò chơi “máy bay” sẽ phù hợp hơn khi trẻ chơi với bố. 2. Trò chơi lái ô tô Xe ô tô đi trên đường có lúc bằng phẳng nhưng cũng có lúc chòng chành khiến bé vô cùng thích thú. Đặt trẻ ngồi trên đùi bố hoặc mẹ, sau đó bố (mẹ) sẽ làm động tác lắc lư, đung đưa để tạo cảm giác như xe ô tô đang di chuyển. Chiếc xe có lúc lên xuống dốc, có lúc chòng chành ngả nghiêng rồi lắc phải lắc phải, có khi còn phanh gấp sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú. Xe cứ đi cứ đi, đột nhiên khựng lại, hóa ra là gặp chút vấn đề, cần con xuống sửa sang lại 1 chút rồi mới đi tiếp được. Trò chơi đơn giản này cũng rất phù hợp với trẻ từ 1-6 tuổi. 3. Trò chơi chèo thuyền trên cạn Đây là một trò chơi rất quen thuộc phù hợp với trẻ từ 0-6 tuổi và có thể cho nhiều bé chơi cùng lúc. Các bé sẽ ngồi thành hàng dọc, bạn đằng sau gác 2 chân lên đùi bạn ngồi trước rồi làm động tác tay mô phỏng chèo thuyền, cơ thể cùng lắc lư về 1 hướng.Chúng ta cũng có thể tổ chức 1 cuộc thi chèo thuyền trên cạn giữa các cặp mẹ-bé. Khi chơi cùng bố mẹ, trò chơi này sẽ có phương thức khác là để trẻ ngồi trên đùi bố/mẹ sau đó bố/mẹ sẽ từ từ di chuyển trên sàn bằng tay hoặc có thể chỉ cần lắc lư người, cách chơi này phù hợp với trẻ nhỏ. Phương thức thứ 3 là bố/mẹ ngồi đối diện với con, 2 người cầm tay nhau giống như trò kéo cưa lừa xẻ rồi sau đó mô phỏng dáng chèo thuyền khi gặp gió to, sóng lớn hay đá ngầm..để tăng thêm phần thú vị. Cách chơi này sẽ phù hợp với trẻ có độ tuổi lớn một chút.Tư thế ngồi cho cách chơi thứ 3 của trò chơi chèo thuyền trên cạn. Trẻ mới vài tháng tuổi chưa thể chịu tác động mạnh nên những trò chơi gần gũi, nhẹ nhàng thế này rất phù hợp với các bé vì chúng không làm bé mất nhiều sức mà ông bà, bố mẹ đều có thể cùng bé chơi đùa. 4. Trò chơi người máy Trò chơi này vô cùng đơn giản, chỉ cần cho bé đứng lên 2 bàn chân của người lớn, miệng vừa hô khẩu lệnh vừa cùng nhau tiến về phía trước. Có thể coi cúc áo hoặc mũi của bé là công tắc người máy, ấn 1 phát là người máy di chuyển, ấn lần nữa người máy sẽ dừng lại.“Bố ấn công tắc thì người máy bắt đầu di chuyển nhé!”. Khi chơi với trẻ nhỏ, bố/mẹ có thể đỡ 2 tay dưới nách trẻ còn nếu trẻ đã lớn 1 chút, chúng ta chỉ cần kéo nhẹ tay bé là được. Để trò chơi thêm phần thú vị, chúng ta có thể cố ý đặt vài chiếc gối trên đường đi coi như chướng ngại vật thử thách “người máy”. Trò chơi này phù hợp với trẻ từ 1 tuổi trở lên, sau khi chơi qua vài lần, trẻ sẽ có thói quen chủ động đứng lên chân bạn ngay khi muốn bắt đầu trò chơi. 5. Trò chơi thang máy Cha mẹ cần hết sức chú ý cách dùng lực của mình khi cùng con chơi trò này để tránh làm trẻ bị chấn thương. Trẻ đứng đối diện với bố/ mẹ, cả 2 chân cùng đứng trên 1 chân của bố/mẹ, sau đó chúng ta kéo nhẹ 2 tay bé và cử động chân lên xuống để tạo cảm giác như đang di chuyển bằng thang máy. Đối với trẻ hơi lớn 1 chút, chúng ta có thể yêu cầu con hợp lực với mình trong trò chơi này. Ví dụ như khi bố/mẹ nâng chân lên, con hãy nhảy theo lên để bố/mẹ tiết kiệm sức. Trò chơi này cũng phù hợp với trẻ từ 1-6 tuổi nhưng cần chú ý là, khi nhấc bé lên cần phải thuận theo lực của bé, nhất định không được rời chân ra khỏi chân con, tránh làm mạnh đột ngột nếu không sẽ dễ khiến bé bị sái tay. Đây là trò chơi phải dùng sức nên để bố chơi với con sẽ thích hợp hơn. 6. Trò chơi cuốn nem “Thái thái, nặn nặn, chà nhân nem sắp hoàn thành rồi đây!”. Bố/mẹ đóng vai đầu bếp, để con làm miến, thịt, rau, bánh đa… Đầu bếp sẽ làm động tác băm, chặt, thái, cuộn, nặn… với “thực phẩm” của mình, chắc chắn trò này sẽ khiến trẻ phải cười khanh khách vì thích thú. Sau một lượt như vậy, có thể đổi lại để bố/mẹ là thực phẩm, con làm đầu bếp. Trò chơi này dành cho trẻ từ 1-6 tuổi, bạn có thể vừa cùng con chơi vừa dạy con hát, đọc thơ, đọc vè… 7. Trò chơi bánh áp chảo Cho trẻ nằm trên sàn hoặc trên giường, bố mẹ vừa lật qua lật lại người con như đang nướng bánh, vừa đọc to bài thơ: “Lật bánh rồi nướng bánh Một chiếc bánh có nhân Nướng xong gắp ra ngoài Bánh tỏa hương thật thơm”. ‘Chúng ta nhanh tay lật bánh nướng không cháy mất rồi!”. Cũng có thể đổi lại cho người lớn làm bánh, tuy nhiên khi trẻ lật, “bánh” nên phối hợp sức lực 1 chút, hoặc có thể sáng tạo thêm các thao tác trong nướng bánh như: phết tương, thêm gia vị… Trò chơi này phù hợp cho trẻ từ 2-6 tuổi. 8. Trò chơi ngôi nhà cũ Bố/mẹ ngồi khoanh chân trên sàn đóng vai ngôi nhà, bé sẽ bước vào và ngồi trong vòng tròn giữa chân bố/mẹ. Chúng ta ôm chặt con, sau đó làm động tác lắc lư mô phỏng căn nhà bị gió thổi, mưa dột… cho đến khi “căn nhà” không trụ nổi nữa, đổ sụp xuống Trải qua mưa to gió lớn, căn nhà cũ của bé lật mất rồi Trò chơi này phù hợp với trẻ từ 2-6 tuổi và có trình tự diễn ra như sau: Bước vào nhà – đóng cửa lại – gió to thổi vù vù – mưa rơi lộp bộp – sấm sét đì đùng, căn nhà cũ không trụ nổi nữa sập xuống người con rồi. Nếu như bạn lo lắng trò chơi này sẽ khiến trẻ sợ hãi mưa gió, sấm chớp thì nên thay đổi bằng trò chơi “ngôi nhà thần kỳ” (ở bên dưới). 9. Trò chơi ngôi nhà thần kỳ Vào nhà, đóng cửa, gió thổi to thế nào nhà vẫn vững chãi. Bố/mẹ khoanh chân đóng vai ngôi nhà như trên và mời gọi bé: “Tôi là nhà thần kỳ, hân hạnh chào đón bạn nhỏ tới chơi!”. Khi trẻ đã ngôi yên vị trong “nhà”, bạn ôm chặt lấy con như thể nhà đã khóa cửa sau đó cũng lắc lư, rung rinh qua gió bão nhưng có thế nào ngôi nhà này cũng không đổ.