Phần trước tôi chia sẻ chuyện ngủ cũi của con trong 4 tháng đầu. Phần này tôi xin chia sẻ thêm các diễn biến sau 4 tháng đầu ấy. Khi con được khoảng 4 tháng rưỡi, một đêm con quyết định không muốn nằm cũi nữa, đặt con xuống thì con khóc, dỗ thế nào cũng không chịu ngủ. Sau một hồi vật lộn vỗ về ti trái ti phải, cuối cùng cũng đặt được con xuống cũi. Nhưng con chỉ ngủ có chừng 1 tiếng lại cựa quậy khóc. Cả đêm con cứ thế ngủ 1 tiếng, dậy 1 tiếng. Đến sáng tôi bơ phờ, ngủ mà như chưa ngủ. Đêm sau lại tiếp tục như thế, rồi đêm sau nữa, rồi đêm sau nữa nữa. Tôi cầm cự được một tháng thì gục. Tôi quyết định chuyển con từ cũi qua giường ngủ cùng. Cho con ti nằm tôi không phải dậy hẳn nên ít nhất cũng cảm thấy được nghỉ ngơi. Con ti rồi ngủ lại cũng nhanh hơn nên tôi cũng ngủ được nhiều hơn. Chỉ có thế này tôi mới cảm thấy là sống sót nổi. Chắc nhiều bạn đọc sẽ hỏi sao không cho ngủ chung ngay từ đầu cho nó đỡ khổ. Vấn đề là ở chỗ ngủ chung ở Việt Nam là chuyện thường ngày ở huyện, còn ngủ chung ở các nước phương Tây này thì hầu như không có. Các bé ngủ cũi đến tầm 4 tháng tuổi là phần lớn ra ngủ phòng riêng rồi. Ngủ chung là bị liệt vào danh sách các 'thói quen không tốt'. Thế nên lúc đầu tôi cũng đau đầu lắm, không biết phải làm thế nào. Ở bên này có một phương pháp luyện ngủ cho các bé mà có nhiều mẹ áp dụng. Đó là đặt bé nằm phòng riêng, nếu bé khóc thì vào vỗ về một chút rồi đặt xuống. Sau đó lại đóng cửa đi ra cho tới khi bé khóc lại đi vào nhấc lên. Cứ nhấc lên đặt xuống tới khi nào bé chịu ngủ thì thôi. Chúng tôi cũng thử. Nhưng bé nhà tôi càng lúc càng khóc lớn hơn, chứ không chịu ngủ sau mỗi lần nhấc lên đặt xuống. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ, nghe con khóc lên khóc xuống, tôi xót con quá nên chấm dứt luôn ý định cho con ngủ riêng. Vậy là luyện ngủ thất bại. Thực ra cũng có nhiều các bài báo, các nghiên cứu khuyến cáo không nên để bé khóc rồi tự ngủ. Khóc là cách các em bé liên lạc với người lớn, để cho người lớn biết được mình muốn gì. Nếu để con khóc rồi tự ngủ, con nhận ra là có khóc bố mẹ cũng không đến, thế nên không còn khóc gọi bố mẹ nữa. Thay vì khóc to ra, con sẽ dần chấp nhận và khóc trong yên lặng. Về lâu về dài điều này sẽ ảnh hưởng tới phát triển tính cách của con, khiến con ít tin tưởng, ít tự tin, ít độc lập hơn. Tôi không biết mấy bài báo này nói có đúng không, nhưng nghe thế thôi là tôi thấy sợ lắm rồi, nên không dám để con khóc lâu. Thế là con gần 6 tháng tuổi, thay vì ra ngủ riêng như nhà người ta, con chuyển vào ngủ chung với bố mẹ. Vẫn lo sợ là mình làm gì không đúng sẽ ảnh hưởng không tốt tới con, tôi tìm hiểu thêm xem cái cơ sự làm sao mà người ta lại khuyên nên ngủ riêng. Đọc sách này sách kia, web này web nọ, hoá ra ngủ riêng chủ yếu là để tiện cho bố mẹ, chứ chẳng phải tốt hay xấu gì cho con. Phần lớn mọi người thích con ra ngủ riêng là bởi vì bố mẹ sẽ có thời gian thân mật. Tôi thấy về khía cạnh này nhà tôi không quá bị ảnh hưởng. Vợ chồng tối tối vẫn có thời gian tâm sự tỉ tê. Thế nên với chúng tôi có con ngủ chung cũng không ảnh hưởng gì tới tình cảm vợ chồng. Có một lý do khác mà rất nhiều nhân viên y tế khuyến cáo không cho trẻ ngủ chung giường, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đó là trẻ nhỏ thường chưa thể quay đầu và di chuyển dễ dàng. Chăn ga gối đệm có khả năng làm trẻ nghẹt thở và dẫn đến đột tử ở trẻ sơ sinh. Về vấn đề này, chúng tôi đặt biệt chú ý cẩn thận, không để chăn gối không cần thiết trên giường, và dùng giường to hơn để có chỗ rộng rãi cho con. Nhiều người vẫn nghĩ rằng cho trẻ ngủ riêng là luyện tính độc lập cho con. Bác sỹ William Sears, tác giả của cuốn sách phổ biến "The Baby Book: everything you need to know about your baby from birth to age two", lại có suy nghĩ ngược lại. Bác sỹ Sears chỉ ra rằng mối quan hệ khăng khít với người mẹ trong hai năm đầu là đặc biệt quan trọng, vì nó là bệ phóng giúp trẻ hình thành sự tự tin, sự độc lập, sự lạc quan, sự tin tưởng vào người khác, và vì thế sẽ thành công hơn trong cuộc sống. Ngủ chung là một trong những cách giúp trẻ gần gũi với người mẹ hơn, và vì vậy giúp hình thành những tính cách tốt này bao gồm sự độc lập trong tương lai. Bác sỹ Sears rất khuyến khích việc ngủ chung. Chú ý nói thế không có nghĩa là ngủ riêng sẽ khiến trẻ không gần gũi với mẹ. Có các yếu tố khác để giúp bé gắn kết với mẹ, không chỉ có ngủ chung. Nói thêm về việc độc lập của con, theo quan điểm riêng của tôi thì chỗ ngủ vốn không liên quan tới tính độc lập. Việc có trách nhiệm với bản thân, có trách nhiệm với người khác, đối với tôi mới là tính độc lập. Con tôi ngủ với tôi, không có nghĩa là tôi không thể dạy bé tự chăm sóc bản thân mình, hay là làm việc nhà khi bé đến tuổi. Tôi không biết mọi người thế nào, chứ tôi rất 'nghiện' ngủ chung với con. Tôi có thể ngắm nhìn con mãi mà không biết chán. Đôi má phúng phính hồng hồng, đôi môi chúm chím, hàng lông mi dài cong vút. Tôi thích cảm nhận cơ thể nhỏ nhắn của con nép vào tôi tìm sự gần gũi chở che. Tôi yêu những lần con cựa mình, bàn tay bé nhỏ với làn da mịn màng em bé của con lại quờ quạng chạm nhẹ vào tôi. Tôi yêu nụ cười toe toét như nắng ban mai mỗi sáng khi con mở mắt nhìn tôi. Tôi yêu cả những lần con dậy sớm nghịch ngợm chọc vào mũi vào mồm tôi. Con chẳng bé bỏng thế này được lâu. Nhoáy một cái giờ con đã gần một tuổi. Chẳng bao lâu nữa có muốn ngủ chung con cũng chẳng cho ngủ chung đâu. Chính vì thế tôi muốn dùng cơ hội này để được gần gũi ôm ấp con nhiều như tôi có thể. Thôi, nói dông nói dài, nói tóm lại một câu được ngủ chung với con tôi thích!!! *** Bài viết được trích dẫn từ Fanpage vô cùng ngọt ngào: https://www.facebook.com/chuyencuangan/ Link tới wordpress blog https://ngansite.wordpress.com/ ❤️❤️❤️