Thông thường, sữa non sẽ xuất hiện khi mẹ mang thai khoảng tháng thứ 7. Tuy nhiên, có những mẹ lại thấy sự xuất hiện khá sớm của sữa non. Vậy có sữa non là gì, tác dụng của sữa non ra sao và sữa non sớm có nguy hiểm hay không? 1. Sữa non là gì? Sữa non là chất dịch lỏng có màu vàng, khi chạm vào sẽ thấy có cảm giác dính dính ở tay. Sữa non được tiết ra trong khoảng từ 3 đến 5 ngày sau khi sinh. Sữa non giàu kháng thế chính là những “giọt vàng” hoàn hảo, quan trọng và tốt nhất cho trẻ trong những ngày tháng đầu đời. Sữa non ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ còn có các thành phần kháng thể tự nhiên giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch cũng như bảo vệ đường tiêu hóa. Với thành phần có ít lactose, chất béo nhưng lại có rất nhiều protein các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, E, và K, khoáng chất như kẽm sắt và dưỡng chất vi lượng trong sữa non cao hơn so với sữa “già”, sữa non mang lại cho trẻ sự phát triển và bảo vệ toàn diện. 2. Tác dụng của sữa non Sữa non giúp bé tăng sức đề kháng. Với trẻ được bú mẹ ngay từ khi mới sinh và bú liên tục, đều đặn cho đến khi được 6 đến 9 tháng tuổi, trẻ không bị mắc các bệnh như ho gà, sởi, tỉ lệ bị bênh viêm đường hô hấp và tiêu chảy cũng thấp hơn. Sữa non còn đáp ứng nhu cầu đặc biệt của trẻ khi mới chào đời. Khi mới sinh, thận của trẻ chưa hoàn thiện nên việc rỗi loạn về trao đổi chất có thể diễn ra. Chính vì thế, khi được bú sữa non, ruột của trẻ được bảo vệ khỏi sự thâm nhập của virus, vi khuẩn, các vi khuẩn gây bệnh đồng thời các cơ quan trong cơ thể cũng được phát triển hoàn thiện dần. Nhìn chung, ta có thể hiểu sữa non như một loại vaccine đa năng, kích thích tố sinh học và là dinh dưỡng dễ hấp thụ, cần thiết nhất cho trẻ trong giai đoạn đầu đời. 3. Có sữa non sớm khi mang thai có nguy hiểm? Mặc dù sữa non lưu thông qua tuyến vú sau khi sinh trong vòng 72 giờ nhưng thực chất ở tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu đã bắt gặp việc tiết sữa non. Đó là những gợn trắng na ná như mụn xuất hiện ở đầu ti. Sau đó vài ngày, mẹ có thể thấy xuất hiện dấu hiệu tiết sữa thực sự. Ở một số mẹ, đó có thể chỉ là vài giọt sữa mà đôi khi mẹ còn không nhận ra, nhưng có một số mẹ có thể có sữa non chảy thấm ướt áo. Nếu mẹ thấy sữa non xuất hiện từ trước hoặc trong tháng thứ 5, mẹ nên đi khám bởi đó có thể là dấu hiệu nội tiết cơ thể mẹ thay đổi. Ngoài ra, có trường hợp, sữa non sẽ xuất hiện với máu. Hiện tượng này xảy ra do sự phát triển nhanh về số lượng các mạch máu tập trung ở khu vực ngực. Nếu mẹ thấy đầu ti bị căng đau, máu lẫn nhiều trong sữa non, mẹ cũng nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm. Việc sữa non xuất hiện sớm nếu đi cùng với hiện tượng đau bụng, chảy máu âm đạo, nhất là với những mẹ có tiền sử sảy thai, mẹ cần gặp bác sĩ ngay lập tức vì có thể nội tiết cơ thể mẹ thay đổi hoặc đây chính là dấu hiệu thai lưu. Việc sữa non xuất hiện trong thời gian mang thai thực tế không gây cảm giác mệt mỏi đau đớn gì cho mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ có thể có đôi chút bối rối khi chuyện này xảy ra ở nơi đông người. Khi mang thai, mẹ hãy luôn lắng nghe cơ thể mình khi thấy những bất thường trong thai kì để thăm khám sớm, kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.