Nhanh quá, vậy là lại bước sang tuần thứ 30 của thai kỳ rồi. Lúc này, quá trình mang thai đã đến điểm mốc 3/4 của quãng đường. Tại thời điểm này, các dấu hiệu trên cơ thể mẹ và thai nhi sẽ biểu hiện và rõ ràng hơn và khác biệt hơn so với những tuần trước. Vậy những điểm khác biệt và nổi bật này là gì? Cùng đi tìm hiểu để chú ý, cũng như để chuẩn bị tốt hơn cho tuần thứ 30 này nhé! Em bé phát triển ra sao? Đến tuần thai thứ 30, bé đã nặng khoảng 1,3 ~ 1,5kg, chiều dài từ đầu đến hông của bé khoảng 27cm và chiều dài xương đùi khoảng 56mm. Nếu bé duỗi thẳng thân người thì sẽ dài khoảng 40cm và sau mỗi tuần bé sẽ nặng lên 225g đến 250g. Không chỉ kích thước cơ thể bé phát triển, một số bộ phận khác như não, mắt, xương và làn da bé cũng phát triển rõ rệt trong tuần thứ 30 này Não của bé càng ngày càng lớn: Bộ não của bé sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, những rãnh và vết lõm đặc trưng. Lúc này, các nếp nhăn của não cho phép tăng lượng mô não, đây là một sự thay đổi cần thiết khi em bé chuẩn bị phát triển sự thông minh và linh hoạt sau này khi được khi được sinh ra. Xương và tủy xương: Thời điểm này bé cần nhiều canxi cho việc phát triển cấu trúc xương. Tủy xương của em bé đã hoàn toàn đảm nhận việc sản xuất các tế bào hồng cầu, đây là một bước quan trọng đối với em bé. Làn da: Lớp mỡ béo dưới da của bé đang làm cho da bé bớt nhăn, bé còn sẽ dự trữ chất béo này để giúp mình ấm áp khi được chào đời. Lúc này, làn da dần chuyển từ trạng thái trong suốt sang giống màu da của em bé sơ sinh. Các thay đổi khác: Trong tuần thai thứ 30 này, móng tay và móng chân phát triển, bé có nhiều hoạt động trong bụng mẹ như duỗi chân, xoay nhiều tư thế. Ngoài ra, tóc trên đầu em bé của bạn bắt đầu mọc và dày hơn. Cơ thể bạn lúc này Chỉ cần nhìn xuống bụng của bạn, bạn sẽ thấy bụng mình to rõ rệt, đồng nghĩa với việc cân nặng của mẹ đang tăng, thậm chí mẹ có thể nặng lên tới nửa cân sau mỗi tuần. Trong tuần này, tử cung của người mẹ mang thai cao hơn rốn khoảng 10 cm, nó mở rộng và chèn ép lên cơ hoành và phổi. Ngoài ra, lượng Prolactin tăng lên trong cơ thể, vì vậy ngực của một số mẹ thậm chí có thể bắt đầu tiết ra sữa non. Triệu chứng của thai kỳ tuần thứ 30 Cảm thấy khó thở: Do tử cung ngày càng lớn hơn đẩy dạ dày và cơ hoành ép lên phổi, khiến việc thở trở nên khó khăn. Tuy nhiên, trong 1 hoặc 2 tháng cuối của thai kỳ em bé sẽ di chuyển xuống xương chậu, lúc này bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn nhiều. Để giảm thiểu việc bị khó thở này, bạn có thể di chuyển chậm và ngồi thẳng lên để phổi của bạn có thêm không gian để mở rộng. Nếu bạn bị đau ngực hoặc thấy bất thường trong việc thở, nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên viên chăm sóc sức khỏe sinh sản ngay lập tức. Co thắt (cơn gò) Braxton Hicks: Đây là những cơn co thắt cho thấy cơ thể bạn chuẩn bị chuyển dạ. Tuy nhiên, những cơn có thắt này có thể xảy ra thường xuyên hơn khi cơ thể bạn bị mất nước, mệt mỏi. Những cơn co thắt này còn trở nên mạnh mẽ hơn vào những ngày đáo hạn, và khó có thể xác định được rằng đây là co thắt chuyển dạ giả hay bạn đang thực sự chuyển dạ. Trường hợp khi bạn gặp phải chuột rút, hoặc không chắc đó là cơn gò Braxton Hicks hoặc là cơn co thắt chuyển dạ thực sự, bạn nên liên lạc với bác sĩ để xác định và đưa ra những chẩn đoán của những triệu chứng này. Tiêu chảy: Bệnh tiêu chảy rất điển hình và thường xảy ra bất cứ lúc nào khi bạn mang thai. Do nội tiết tố thay đổi, khiến hệ tiêu hóa nhạy cảm với một số thực phẩm. Nếu bạn gặp tiêu chảy, hãy giữ nước cho cơ thể thật tốt, liên hệ bác sĩ hoặc chuyên viên chăm sóc sức khỏe để được tư vấn. Có thể đề nghị dùng thuốc chống tiêu chảy an toàn, không kê đơn. Tuy nhiên, khi uống bất kỳ loại thuốc nào khi mang thai, đều nên lưu ý cần được sự chấp thuận của bác sĩ. Ngứa: Ngứa ngáy là vấn đề khó tránh khỏi khi mang thai, do thai nhi phát triển chèn ép vào ống mật, mật không xuống được ruột ứ lại trong gan, triệu chứng của bệnh này còn gây vàng da và có thể gây ra biến chứng cho thai nhi. Khi có những triệu trứng của bệnh ứ mật này, mẹ nên đến gặp bác sĩ để nhận hướng dẫn trị liệu thích hợp. Ngoài việc ngứa do ứ mật, thai phụ còn gặp phải vấn đề ngứa da do da bụng căng thêm, đồng nghĩa với việc da của bạn đang bị rạn và nứt ra. Hạn chế vấn đề ngứa và rạn da này, thai phụ có thể sử dụng một số loại kem dưỡng giữ ẩm lành tính để mát xa, hoặc sử dụng dầu dừa, dầu oliu để mát xa thường xuyên cũng rất có hiệu quả làm tăng sự đàn hồi cho da. Thiếu ngủ và căng thẳng: Hầu hết những căng thẳng mỏi mệt là do thiếu ngủ. Hơn nữa, khi ngày đáo đến gần, bạn có thể cảm thấyáp lực và lo lắng, việc chăm sóc tinh thần, cơ thể và tâm hồn của bạn lúc này là vô cùng quan trọng. Nên thực hành những bài tập thư giãn để giúp bạn giảm bớt căng thẳng, các bài tập thường được áp dụng như thiền, yoga hoặc mát-xa. Mẹ bầu nên chú ý gì? Chú ý chuyển động của thai nhi: Các cử động bình thường của thai nhi trong bụng mẹ ở tuần thứ 30 này sẽ vào khoảng 3 lần/1 giờ, trong 12 giờ sẽ cử động khoảng 20 lần. Mẹ nên chú ý thói quen cử động của thai để nhanh chóng nhận biết những trường hợp bất thường. Tần số chuyển động của thai nhi có thể thay đổi do sự thay đổi của cơ thể mẹ, vì vậy mẹ cần chú ý: - Nếu như số lần chuyển động của con ít hơn 20 lần trong 12 giờ, hoặc ít hơn 3 lần trong 1 giờ, điều này có thể do thai nhi đang bị thiếu oxy, dễ dẫn đến bị suy thai trong tử cung. Mẹ cần nhận biết sớm để nhanh chóng đến bệnh viện kịp thời. - Nếu chuyển động của thai nhi giảm một nửa số lần so với ngày hôm trước, hoặc chuyển động ít hơn 10 lần trong một ngày, hoặc không có chuyển động trong 12 giờ, thì lúc này mẹ cần cẩn thận đến bệnh viện để tìm bác sĩ hỗ trợ. Chế độ ăn uống: Bất cứ trong khoảng thời gian nào của thai kỳ, điều quan trọng trong chế độ ăn uống là phải đầy đủ và cân bằng chất dinh dưỡng, để hỗ trợ sự tăng trưởng của em bé và đảm bảo rằng cả bé và bạn đều khỏe mạnh. Một trong những chất dinh dưỡng quan trọng cần tìm là canxi, một khoáng chất giúp xây dựng xương và răng của bé. Các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc và nước trái cây tăng cường, hạnh nhân và các loại rau có lá xanh đậm là nguồn canxi tuyệt vời. Liều lượng khuyên dùng nhất là nên uống hai cốc (500 ml) sữa mỗi ngày. Các bà mẹ mang thai không thích uống sữa cũng có thể uống sữa đậu nành, ăn các sản phẩm từ đậu nành, tảo bẹ và rong biển. Đi bộ: Hãy tích cực đi bộ trong 30 phút, vài lần một tuần. Phụ nữ hoạt động thể chất nhiều hơn trong thai kỳ có thời gian chuyển dạ ngắn hơn. Chính vì vậy sự đau đớn khi sinh cũng giảm thiểu nhiều. Kiểm tra định kỳ: Bạn nên đi khám thai ít nhất 2 lần trong một tháng, để bảo đảm cơ thể và con không có những chuyển biến khác thường. Những gợi ý dành cho bạn Ngoài những vẫn đề cần chú ý, thì những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu những khó chịu, bước vào thai kỳ tuần thứ 30 này sẵn sàng và tự tin hơn. Lập một kế hoạch sinh nở: Bây giờ là thời điểm hoàn hảo để suy nghĩ về các chi tiết của kế hoạch sinh nở. Thảo luận về những người sẽ ở bên cạnh bạn lúc sinh, thảo luận về những điều này với chồng hoặc người thân của bạn. Thu thập thêm thông tin về các loại gây mê, tìm hiểu về sinh mổ hoặc sinh thường, tham khảo những vấn đề liên quan từ ý kiến bác sĩ. Áp dụng các phương pháp giảm đau đớn khi sau sinh: Khi thai càng lớn, phần xương chậu và tầng sinh môn sẽ chịu áp lực nặng nề hơn trước. Mẹ cần chú ý nhiều hơn tới việc tập thể dục và mát xa thường xuyên để giãn cơ tầng sinh môn. Việc này giúp mẹ giảm đau đớn khi sinh. Quần áo: Ngực trở nên nặng và căng hơn, lúc này các mẹ có thể cần mặc áo ngực mỏng để cảm thấy dễ chịu hơn trước sức nặng của bầu ngực. Các đồ quần áo mẹ mặc cần có độ đàn hồi và thấm mồ hôi tốt, vì cơ thể thay đổi cả về kích thước lẫn nhiệt độ, cũng như độ mẫn cảm trên da, nên các chất liệu vải mẹ tiếp xúc cần phải lành tính, thông thoáng và co giãn. Thiết lập phòng cho bé: Việc sinh nở có thể diễn ra sớm hơn dự định, do vậy việc chuẩn bị phòng và giường cho bé là điều nên làm ngay từ bây giờ. Điều quan trọng là phải chắc chắn có sẵn một nơi an toàn, để em bé ngủ ngon sau khi chào đời. Thai Nhi Tuần 31: Bé Lớn Nhanh Như Thổi