“Òa…òa…Mẹ ơi…huhu…Mẹ ơi…”Tiếng bọn trẻ khóc thét lên.“Mẹ ơi cứu con với!”“Mẹ đừng đi mẹ ơi…” Những đứa trẻ với khuôn mặt mếu máo, đôi mắt ước nhòe, dính đầy nước mắt vì khóc. Có bé cố tình cong người về phía sau, giãy nảy lên khi cô giáo đón từ tay mẹ, thế nhưng mẹ bé vẫn rời đi. Điều bạn đang thấy không phải là cảnh một bà mẹ bỏ rơi đứa con của mình, cũng không phải cảnh đứa bé bị một người phụ nữ lạ mặt bắt cóc. Đây là cảnh bạn có thể nhìn thấy ở bất kỳ nhà trẻ, hay trường mẫu giáo nào vào tháng Tư – tháng bắt đầu một năm học mới (ở Việt Nam là vào tháng Tám). Từ khi mới chỉ là một bào thai, em bé đã được mẹ che chở, bao bọc. Đến khi chào đời, các em được nuôi dưỡng bằng dòng sữa thơm và những cái ôm ấm áp từ mẹ. Đối với chúng, người mẹ chính là người nắm giữ sinh mệnh của mình. Cho dù thỉnh thoảng mẹ của chúng có cáu giận, quát mắng hoặc không để ý đến chúng thì đối với trẻ con, mẹ chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy mà khi bị đẩy xa ra khỏi vòng tay của mẹ và bị một người lạ mặt giữ lấy mình điều ấy quả là đáng sợ. Không giống với hình ảnh của những em hay khóc thét, lăn lộn, có em chỉ im lặng không nói câu gì, có em lại ngồi sát vào tường, lại có những em vui đùa chạy nhảy xung quanh. Phải làm thế nào với tất cả bọn trẻ bây giờ? Thế nhưng vì là trẻ con nên chỉ sau 20 phút, các bé lại có thể cho cô giáo bế, hay chỉ sau một tiếng đồng hồ lại có thể vui chơi, cười đùa cùng các bạn. Tâm trạng của trẻ thay đổi nhanh hơn cả những bà mẹ - những người vừa lúc trước đó bị con mình kéo tóc lại không cho về. Tại sao trẻ con lại có thể thay đổi tâm trạng một cách nhanh chóng như vậy? Có lẽ do bản năng, trẻ con biết nếu không ai chăm sóc cho chúng thì chúng sẽ không thể sống được. Bởi thế nên khi đối mặt với sự thật rằng mẹ không còn ở đó nữa thì các bé sẽ cảm thấy giật mình sợ hãi, nhưng sau đó các bé sẽ có xu hướng trông cậy vào người khác không phải mẹ. Ở trường học chính là các cô giáo. Hiếm có đứa trẻ nào lại khóc nguyên cả một ngày.” Từ những buổi đầu tiên đến trường con khóc là vì sao, có cần quá lo lắng vì tiếng khóc ấy hay không? Rồi đến cả những chuyện vì sao ở trường con rất ngoan rất tự lập mà về nhà con lại rất mè nheo, bướng bỉnh cũng được tác giả trả lời một cách rất thuyết phục qua từng câu chuyện trong “Đừng lo để cho con nghĩ”. Trên là một đoạn trích chương đầu tiên trong cuốn sách “Đừng lo để cho con nghĩ” của tác giả Aiko Shibata của Nhà xuất bản Thế giới – Tủ sách Skykids - Sách mẹ và bé. Cuốn sách này không chỉ dành cho những giáo viên mầm non mà chính những bậc cha mẹ cũng rất cần đọc. Bởi vì bạn sẽ được đọc những câu chuyện đằng sau những trò chơi, những hoạt động ở trường, những bức ảnh của con ở trường mà các cô giáo gửi cho bạn mỗi ngày. Sau khi đọc xong cuốn sách này, bố mẹ sẽ hiểu được tâm lí của con mình khi ở trường như thế nào. Từ những buổi đầu tiên con đến trường con khóc là vì sao, có cần quá lo lắng vì tiếng khóc ấy hay không? Rồi đến cả những chuyện vì sao ở trường con rất ngoan rất tự lập mà về nhà con lại rất mè nheo, bướng bỉnh. Không chỉ thế, bố mẹ còn học được cách nắm bắt những bài học sâu sắc về tâm lí của một đứa trẻ thơ, hiểu con và nuôi con đúng cách. Tác giả Aiko Shibata là một chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em đã có hơn 30 năm kinh nghiệm dạy ở trường mầm non, hàng ngày tiếp xúc với trẻ, đã thực hiện nhiều buổi thuyết giảng cho giáo viên mầm non với mục tiêu chạm tới trái tim và tâm trí của trẻ tại Nhật Bản. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng điều quan trọng nhất mà mỗi giáo viên mầm non hay mỗi bậc cha mẹ hãy để tầm mắt mình ngang hàng với trẻ, bạn sẽ biết được đứa trẻ đang nhìn thấy những gì để thấu hiểu, khích lệ và cổ vũ chúng nhìn thế giới theo cách riêng của mình. Thông tin sách: 1. Tựa đề: Đừng lo để cho con nghĩ 2. Tác giả: Aiko Shibata 3. Nhà xuất bản: Skybooks 4. Ngày xuất bản: tháng 08/2018 Sách hiện đã có mặt tại các cửa hàng sách lớn trên toàn quốc, các Mami đọc xong thì cùng chia sẻ với các mẹ khác cảm nhận về cuốn sách này nhé!