Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Ung thư bệnh viện Nhi TW, ung thư không phải là một loại bệnh mà là nhiều dạng bệnh trên cơ thể, nó có tính chất phân chia tế bào một cách vô tổ chức, đặc biệt những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến các bộ phận khác(di căn). Chính di căn mới là nguyên nhân chính gây tử vong khi mắc ung thư. Ung thư không đồng nghĩa với tử vong, nhiều loại bệnh ung thư có thể được chữa khỏi, tiến trình chữa khỏi bệnh ung thư phụ thuộc vào một số yếu tố chính như giai đoạn phát hiện bệnh ung thư sớm hay muộn, bên cạnh đó ung thư di căn hay cố căn cũng sẽ quyết định phần lớn kết quả điều trị. Ngoài ra, những kỹ thuật y học và phương pháp điều trị ung thư mỗi ngày đều được cải tiến rõ rệt, hỗ trợ điều trị các loại bệnh ung thư hiệu quả. Đối với trẻ em và cả người lớn, để đảm bảo một tiến trình trị liệu bệnh ung thư tốt, cần phải phát hiện và chẩn đoán đúng, cũng như có những kế hoạch điều trị thích hợp. Một số nguyên nhân gây ung thư ở trẻ em Nguyên nhân gây bệnh của nhiều loại ung thư chưa được xác định rõ, các bác sĩ hiếm khi biết tại sao người này bị ung thư và người kia thì không. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư như sau: 1/ Môi trường: Tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất độc hại bị thải ra môi trường sống, tiếp xúc với tia xạ liều cao... 2/ Thức ăn: Những thức ăn mà chúng ta ăn và cho trẻ nhỏ ăn thường ngày cũng là tác nhân tiềm ẩn các yếu tố gây ung thư, nếu các thứ ăn này: chứa các hóa chất độc hại (rau củ bị nhiễm hóa chất diệt cỏ, thịt chứa nhiều hợp chất hóa học từ thứ ăn gia súc chưa phân hóa...); Ăn quá nhiều các loại đồ nướng cháy; Ăn quá nhiều các loại rau dưa cải muối (rau dưa muối với một lượng thích hợp trong bữa ăn sẽ rất tốt cho tiêu hóa, tuy nhiên ăn nhiều quá sẽ dễ dẫn đến bệnh ung thư dạ dày)... 3/ Di truyền: Thông thường, các bệnh ung thư có một phần yếu tố di truyền tới người trong gia đình,tuy vậy ở mỗi cơ thể người, các yếu tố đó sẽ phát tác với các tình trạng khác nhau, kết hợp với môi trường và thói quen sống hàng ngày, tạo thành tình trạng bệnh lý cũng khác nhau. Một người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa người đó sẽ mắc bệnh ung thư. Đa số chúng ta xung quanh tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ung thư nhưng không phải ai cũng tiến triển thành bệnh. Một số dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc bệnh ung thư: 1/ Xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu mũi thường xuyên, nhức xương toàn thân. 2/ Khối u hoặc hạch to không đau không sốt hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác. 3/ Sụt cân không rõ lý do, ho và sốt dai dẳng, khó thở, ra mồ hôi trộm vào ban đêm. 4/ Mắt có những thay đổi như: Đồng tử có màu trắng, lác mắt, mất thị giác, bầm tím hoặc sưng tấy quanh mắt 5/ Chướng bụng 6/ Đau đầu, đặc biệt nếu đau dai dẳng bất thường hay đau dữ dội, buồn nôn vào sáng sớm 7/ Đau nhức xương hoặc tứ chi, sưng không phải do chấn thương Nếu có một số dấu hiệu trên cho biết, con bạn có thể bị mắc bệnh máu trắng, hay bệnh bạch cầu. Chúng ta không thể kiểm soát yếu tố di truyền, nhưng chúng ta có thể kiểm soát môi trường sống và lối sống của trẻ nhỏ, hãy chung tay vì con, vì một đời không ung thư. Tham khảo chia sẻ của ĐD Nguyễn Thị Thơ và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng – Khoa Ung Thư Bệnh viện nhi TW