Từ 4 đến 6 tuổi, bé không chỉ phát triển về thể chất mà đây còn là cột mốc sáng tạo của trẻ. Chính vì vậy, ở giai đoạn này, chúng ta cần cung cấp cho con một nguồn dinh dưỡng thiết yếu, đầy đủ và đa dạng. Bên cạnh đó, tập cho con một thói quen dinh dưỡng tốt cũng là điều các cha mẹ cần đặc biệt quan tâm. Làm sao để bé 4-6 tuổi có thói quen ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng lành mạnh? 1.Tôn trọng nhu cầu ăn uống của trẻ Hãy đưa ra quy định nội quy rõ ràng đúng – sai, như khi ăn phải ngồi vào bàn, không ăn vặt trước khi ăn cơm. Và nếu con có sáng tạo trong bữa ăn, như muốn ăn cơm không trước, rồi mới ăn vã thịt/tôm, canh uống sau cùng, thì bạn hãy tôn trọng, vì điều đó cũng không gây hại gì. Nhiệm vụ của cha mẹ là cung cấp cho con đầy đủ các bữa ăn, đa dạng các nhóm thực phẩm bổ dưỡng. Và con có quyền chọn lựa ăn như thế nào, thậm chí cha mẹ cũng nên tôn trọng nhu cầu ăn uống của con, không nên ép bé ăn 2. Cung cấp đủ chất cho trẻ Hãy cho con ăn ngày từ 3 – 5 bữa, đảm bảo đủ năng lượng (con ăn đủ no). Ăn đa dạng thực phẩm để đủ vi chất. Lượng ăn không cần tăng quá nhiều. Hãy luôn nhớ cân bằng mọi nhóm thực phẩm vì trẻ cần đủ chất. Bên cạnh đó, ở tuổi này, trẻ bắt buộc đã phải ăn được chất xơ, ăn thô và ăn cả bã. Không vì ưu tiên lượng mà cho trẻ ăn uống nước cốt, dù là nước cốt thịt, xương, hay nước ép trái cây (trừ khi trẻ bệnh nặng và được bác sỹ tư vấn trong giai đoạn ngắn). Đường và muối vẫn cần được tiết chế, vì chế độ ăn hiện đại với thức ăn chế biến sẵn có quá nhiều các chất này. Với chất béo, chúng ta cũng nên chọn chất béo tốt cho sức khỏe như dầu thực vật nhiều hơn mỡ (trừ mỡ cá), chọn món luộc, hấp, canh, thay vì chiên, xào, rán. Hãy cung cấp cho bé một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh từ nhỏ để phát huy toàn diện tiềm năng của con trẻ. 3. Hãy để trẻ chuẩn bị bữa ăn của chính mình. Trẻ em thường có khuynh hướng ăn uống tốt hơn nếu như bé biết một chút về nấu ăn. Hơn thế, việc tham gia chuẩn bị các bữa ăn có lợi cho sức khỏe còn có thể giúp bé phát triển sự cảm nhận tinh tế về hương vị của các món ăn tươi mới, ngon lành. Chính vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ dần dần làm quen với việc chuẩn bị, nấu nướng cho các bữa ăn mỗi ngày. 4. Dạy trẻ về nguồn gốc của các loại thực phẩm. Hướng dẫn trẻ trồng các loại rau củ, rau gia vị… tại nhà là một trong những cách thú vị để có thể phần nào giúp bé biết được thức ăn đến từ đâu và khuyến khích trẻ ăn uống đa dạng hơn. Khi trẻ am hiểu tên và nguồn gốc nguyên liệu, sở thích nấu ăn cùng thói quen ăn uống lành mạnh sẽ tự nhiên hình thành. 5. Hãy tạo cơ hội cho trẻ tự do lựa chọn. Hãy cho trẻ được toàn quyền lựa chọn trong số các món ăn lành mạnh để chuẩn bị cho bữa ăn kế tiếp. Hãy thường xuyên để trẻ lựa chọn công thức nấu ăn, lên thực đơn và giúp bạn mua sắm thực phẩm. Tại cửa hàng thực phẩm, hãy dạy trẻ cách lựa chọn thực phẩm tươi ngon và cách xem các thông tin cần thiết trên bao bì thực phẩm trước khi mua một món thực phẩm nào đó. Ngoài những món ăn hàng ngày, bạn cũng có thể cho trẻ lựa chọn những thức uống dinh dưỡng, bổ sung dưỡng chất cho trẻ theo cách đa dạng hơn.