Nói dối là gì? Theo định nghĩa từ wikipedia, một lời nói dối hay nói xạo là một phát ngôn sai có mục đích, dùng cho việc lừa gạt. Nói dối có thể phục vụ cho nhiều mục đích và chức năng tâm lý khác cho những cá nhân sử dụng. Thông thường, thuật ngữ "nói dối" mang hàm ý tiêu cực và tùy vào hoàn cảnh, chính vì thế người nói dối sẽ là đối tượng chỉ trích của xã hội, pháp luật hay tôn giáo. Đối với trẻ nhỏ, hiện tượng nói dối bắt đầu xuất hiện từ khoảng trẻ 2 tuổi, đây cũng là thời điểm mà trẻ đang tập nói, chính vì thế có thể thấy rằng, con người chúng ta đã nói dối từ khi xã hội hình thành ngôn ngữ, vậy trẻ con nói dối cũng là chuyện “chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả” phải không nào? Trẻ thường nói dối như thế nào, tại sao? Khi người lớn nói dối, chúng ta có mục đích rõ ràng, trẻ con cũng vậy, có chăng sự khác biệt nằm ở chỗ, trẻ đôi khi không nhận thức được rằng bản thân đang nói dối. Cụ thể, trẻ nhỏ thường có sức tưởng tượng rất mới và phong phú về cuộc sống, đôi khi chúng gắn cuộc sống thật với các câu truyện cổ tích hay hư cấu, điều này khiến cho trẻ nói ra những câu khiến chúng ta nhận thấy hình như trẻ đang nói dối. Ví dụ các câu chuyện về ông già Noen, ông Ba bị hay ông Bụt, bà Tiên vân vân. Những lý do khác khiến trẻ nói dối còn nằm ở việc trẻ sợ, rõ ràng trẻ nhỏ đang chịu sự chăm sóc và quản lý của bố mẹ, thông thường bố mẹ sẽ nhắc con không được làm cái này, không được làm cái kia... Nhưng khi trẻ quên béng lời dặn đó, hay khi không cưỡng lại nổi sự tò mò, trẻ làm các điều bị cấm, đồng thời mang theo cảm giác sợ hãi bị phát giác. Sự sợ hãi đó dễ dàng dẫn đến hành vi nói dối ở trẻ khi bị tra hỏi. Nó cũng có thể được xem là một dạng tự vệ mang tính xã hội. Một lý do nữa đặc biệt phổ biến khiến trẻ nhỏ nói dối, đó là bắt chước. Đối tượng bắt chước ở đây là những người xuất hiện thường xuyên trong chu vi cuộc sống hàng ngày như bố mẹ, ông bà, anh chị, các bạn học cùng lớp hoặc những người ít gặp nhưng gây ấn tượng mạnh với trẻ cũng rất dễ khiến trẻ học theo nói dối. Ảnh: iuhers.com Việc nói dối ở trẻ thể hiện điều gì? - Như đã đề cập ở trên, con nói dối đôi khi chẳng có ý nghĩa nào cả, nhưng thường là để đạt được mục đích nào đó, điều này cũng là sự thực. Cụ thể hơn, con nói dối để có được món đồ mình mong muốn, con nói dối để tránh bị phạt hay trách mắng, thậm chí con nói dối để gây ra bất lợi cho một ai khác mà con cảm thấy không thích họ. - Việc nói dối ở trẻ nếu như không nhận được sự hướng dẫn của bố mẹ, về lâu dài rất có thể sẽ tạo thành một thói quen, ảnh hưởng trực tiếp tới kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ, thậm chí đem lại những hậu quả khủng khiếp cho bản thân và cho người khác. - Chúng ta không có cách nào để khiến trẻ chỉ nói sự thật trong cả cuộc đời, những gì có thể làm, là giúp trẻ nhận thức được cần thành thật ở thời điểm nào, và lời nói dối được chấp nhận là lời nói không gây hiểu lầm, không gây hại cho những người hay vật khác. - Ngoài ra, nếu bố mẹ nhận thấy con có biểu hiện lo lắng kèm nói dối thường xuyên, hay những câu trả lời bộc phát từ trẻ thì xin bố mẹ hãy chú ý nhiều hơn nhé, vì rất có thể con đang mắc phải hội chứng ADHD - một dạng rối loạn tăng động giảm chú ý, hoặc vấn đề nào đó về tâm lý nghiêm trọng có thể xảy ra. Chúng ta nên làm gì khi trẻ nói dối? Ở một mức độ nhẹ, trẻ chỉ nói dối cho vui những điều vô thưởng vô phạt, chúng ta không cần thiết phải làm nghiêm trọng vấn đề, nhưng điểm chính là phải cho trẻ biết sự thật vẫn là sự thật, đồng thời không nên thể hiện sự đồng tình hay khích lệ trẻ nói những điều đó. Khi lời nói dối là một dạng để đạt mục đích nào đó của trẻ, có thể nhiều ba mẹ sẽ cảm thấy tức giận, nhưng hãy thấu hiểu con, sự giận dữ của người lớn chỉ khiến tình trạng trở nên tệ hơn trong suy nghĩ của trẻ, thậm chí làm xa cách tình cảm giữa ba mẹ và con cái. Chiêu hiệu quả lúc này là khơi dậy sự yêu thương và quan tâm của trẻ bằng việc nói thể hiện thái độ buồn, nói với con việc con không thành thật sẽ khiến ba mẹ bị tổn thương và buồn tủi. Từ đó, trẻ sẽ học được cách sống vì người khác nhiều hơn và chủ động kiểm soát lời nói của mình tốt hơn. Ảnh : Vietnanet Làm gì để hạn chế trẻ không mắc thói quen nói dối? Chắc chắn điều tiên quyết đó là không để trẻ bắt chước nói dối từ người lớn, điều này thì phải nhắc nhỏ bố mẹ và mọi người xung quanh nhiều hơn rồi. Bên cạnh đó, ba mẹ hoặc người thân nên tâm sự với con nhiều hơn, để con có thể nói ra những điều thật lòng một cách tự nhiên mà không có cảm giác e ngại. Từ đó con cũng sẽ dần hình thành thói quen thành thật tốt hơn. Thế thì không còn lo gì con sẽ nói dối nữa phải không nào! Hành vi nói dối một phần nào đó còn thể hiện trí thông minh ở trẻ, khi trẻ biết cách sử dụng ngôn ngữ để đạt được mục đích. Điều ba mẹ cần làm là giúp trẻ hiểu rõ việc nói dối để đạt mục đích là không bền vững, thậm chí nó sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng khó lường hơn sau này. Rõ ràng việc nói dối không tệ đến thế, bởi chúng ta còn thừa nhận ngày quốc tế nói dối ngày 1/4, hay còn với cái tên rất cool là ngày Cá tháng 4 cơ mà. Chính vì vậy, ba mẹ cũng đừng trầm trọng hóa việc con nhỏ nói dối điều gì đó nhé, trong quá trình trưởng thành của con, con cũng cần học những thường thức về nói dối. Khi con học được và có nhận thức đúng đắn hơn, thì đó chính là bước trưởng thành của con mà ba mẹ có thể an tâm rồi. Bài viết liên quan Nên sử dụng ngôn từ hàng ngày thế nào để giáo dục con ngoan hơn?