Hôm nay không lôi sách vở ra dọa nhau nữa rảnh rảnh tâm sự một tí với các bố các mẹ ạ. Không hiểu có nhiều người thấy mình lắm chuyện trong việc nuôi con không. Kiểu ăn cũng luyện, ngủ cũng luyện, kỉ luật các thứ này nọ rất chi là đau đầu. Ngay cả chồng mình cũng kêu “suốt ngày google” :)) Hồi đầu lúc có bầu mình chẳng chuẩn bị gì về nuôi con cả. Ngồi đọc mấy quyển sách bầu rồi rung đùi chơi chứ có bao giờ nghĩ lại phải luyện này luyện kia cho con đâu. Lúc đầu mới sinh có bà ngoài sang giúp nên cứ hơi khó tí là đưa cho bà, trưa muốn đi ngủ thì để bà ru con, ôm con nằm ngủ luôn, còn mình nằm một mình một giường rộng rãi ngủ trương mắt. Rồi con khóc không biết dỗ cũng đưa cho bà. Xong thắc mắc “Sao mẹ dỗ giỏi thế”. Việc của mình trong 2 tháng chỉ là cho con bú xong đưa lại cho bà :)) Và thế là khi bà về mình như ng sắp chết đuối ngắc ngoải đớp ko thấy hơi : Vì quen được bế ngủ nên đặt xuống con chỉ ngủ 30’ là dậy, mình còn không dám ngồi máy tính, phải bê laptop lên giường làm việc bên cạnh con để canh nó tỉnh thì vỗ cho ngủ. Cả ngày luẩn quẩn ở nhà 1 mình với con, chỉ có việc cho nó ngủ 1 giấc ngon thôi mà khiến mình phát điên. Nhiều khi muốn chạy xuống giặt quần áo mà phải nhìn đồng hồ còn chạy lên với nó, 30’ lại dậy, 2 tiếng lại cho bú. Thực sự lúc đấy cảm thấy bế tắc kinh khủng. Đi lại trong nhà mà lúc nào cũng phải chạy sấp ngửa, ăn nhanh làm nhanh để ở bên cạnh con. Cả ngày thất thểu mãi rồi nhìn đồng hồ thấy mới có 3h chiều là ngồi bứt rứt đếm nốt 3 tiếng còn lại đến giờ chồng về để nhanh nhanh “vứt” con cho chồng. Thế rồi mình vớ được quyển sách “The Baby Whisperer”. Thật là mở ra một chân trời mới, từ việc ăn, ngủ cái gì cũng có thể có nề nếp. Từ việc cảm thấy hoảng loạn mỗi lần con khóc vì không biết là tại sao. Mình bắt đầu nắm bắt được lịch của con, giờ này là con muốn gì, đói hay buồn ngủ. Rồi mình dấm dứt ngồi nghe con khóc để luyện ngủ cho nó. Tội lỗi khủng khiếp và vô cùng nghi ngờ khả năng làm mẹ của bản thân. Lúc đó mình ko hề tin vào các phương pháp chỉ sợ con khóc nhiều ảnh hưởng tâm lý như trên mạng nói thôi. Nhưng bần cùng bất đắc dĩ quá rồi, nên mình cũng liều. May sao kiên trì cũng có kết quả. Từ sợ nuôi con, mình thoải mái cho con ra ngoài, đưa con đi du lịch, tự tin một mình vác nó bay nửa vòng trái đất. Thế là mình trở thành một bà mẹ khoa học. Có người bảo “nuôi con thì đương nhiên phải vất vả, chứ nuôi con mà cứ đòi nhàn hạ với cả rảnh rang đi chơi này nọ thì đẻ con làm gì”. Nói thế nào nhỉ. Mình thấy việc nuôi con giống như việc học bài vậy đó. Bạn có thể học ngày học đêm cần cù chăm chỉ, ai nhìn thấy bạn cũng phải khen nức nở vì bạn chăm quá, dành hết mọi thời gian để học. Học đến mức đầu bù tóc rối, thân hình xơ xác, mắt thâm quầng, ai cũng phải cảm thấy đúng là học hành vất vả thật. Nhưng lại có những đứa bạn khác nó chả học hành gì cả, lúc nào cũng thấy nó nhởn nhơ chơi bời, ấy thế mà nó vẫn học giỏi như mình hoặc hơn mình mới cay! Bởi vì nó học có phương pháp! Mình dành ít thời gian để ru con, hay chẳng thèm đuổi theo để đút cho con ăn, không phải vì mình chẳng quan tâm gì đến con và muốn thây kệ nó, mà vì mình đã học được phương pháp giúp con ngủ tốt ăn tốt mà mình không phải mất công mất sức như trước. Mình chẳng kì cạch xay cháo quấy bột bởi vì mình luyện cho con ăn thô từ nhỏ. Mình không phải cho con ăn trước rồi chờ cả nhà ăn xong mới lủi thủi ăn 1 mình vì con ăn cùng cả nhà, cả nhà ăn xong con cũng ăn xong. Mình không bế con ngủ đến rã cả tay vì mình cho con học cách tự trấn an bản thân, tự chuyển giấc. Thời gian đó mình dùng để chăm sóc bản thân, làm đẹp, làm việc, đi chơi. Con mình chẳng ăn kém đi, cũng không thiếu ngủ, thể chất trí tuệ phát triển bình thường. Vẫn cười đùa âu yếm bố mẹ như những bé khác. Vậy thì tại sao mình lại phải dồn công sức vào để cần mẫn nuôi con một cách thừa thãi nữa? Nhiều bà mẹ sẵn sàng dành hết thời gian cho con, cho rằng những năm đầu đời là quan trọng nhất, phải chú tâm hết sức. Vậy những năm sau thì sao ạ? Mẹ nghĩ rằng 3 năm đầu có mẹ kè kè ở bên lo cho con từng li từng tí một, thì 10 năm nữa con có thể sẵn sàng độc lập được không? Nuôi con tốt không phải là lo cho con hết mọi thứ, chiều theo mọi yêu cầu của con. Vì có phải cả đời này mẹ sẽ theo con mãi được đâu. Rồi con lớn lên, con tiếp xúc mọi thứ ngoài xã hội, đâu có mẹ ở bên nắm tay con đi mãi được. Thế nên muốn tốt cho con, nên dạy con có thể xoay sở trong mọi tình huống, để có phong ba bão táp như thế nào con cũng tự mình vượt qua được. Hãy dạy con tư duy thay vì lựa chọn hộ con. Để khi cuộc đời gặp những lối rẽ khó khăn, con sẽ chọn đúng. Hãy dạy con những cảm xúc tích cực, điều chế cảm xúc tiêu cực để trong gian nan con vẫn thấy hi vọng, trong buồn rầu con vẫn thấy lạc quan. Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận. Bố mẹ hãy gieo mầm cho con từ những kĩ năng tư duy, thói quen sống tốt. Có sớm quá không để rèn rũa cho con? Bạn muốn vẽ một bức tranh, thì tô lên một tờ giấy trắng dễ hơn hay tô lên một tờ giấy đã nghuệch ngoạc các mảng màu? Gây dựng thói quen từ nhỏ dễ hơn rất nhiều sửa một thói quen khi bé đã 5, 6 tuổi và chắc chắn không căng thẳng bằng đối phó với 1 cô/cậu bé tuổi teen đang nổi loạn. Sớm hay muộn cũng phải rèn rũa cho con, sớm hay muộn con cũng phải tự lập, mình sợ khó khăn, thế nên mình chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ ai muốn xin cứ tranh phần. Làm mẹ nhưng chúng ta vẫn là vợ, là người phụ nữ, là phái đẹp. Vậy nên đừng để con cái trở thành cả thế giới của mình, để rồi khi con bước ra khỏi vòng tay thì nhìn lại thế giới của mình chẳng còn gì nữa. Đừng bắt chồng ra ngủ riêng để 3 mẹ con có chỗ nằm ngủ với nhau. Đừng để mình đầu bù tóc rối áo quần xộc xệch. Đừng phụ thuộc vào người khác để rồi bị nói “có phải làm gì đâu”. Hãy dành thời gian chăm sóc bản thân, yêu thương chính mình để dạy con cũng yêu thương bản thân con như thế. Hãy dành thời gian chăm sóc chồng, yêu thương chồng, để dạy con cũng yêu thương người bạn đời như thế. Hãy dành thời gian làm việc để dạy con biết chăm chỉ, biết nghị lực. Bài viết liên quan nên đọc của Mymyeveryday: Mẹ bỉm sữa có thực sự bận bịu đến thế? Dạy mẹ cách nuôi con nhàn tênh Các mẹ có thể làm mẹ theo bản năng rồi dần dần rút kinh nghiệm. Các mẹ có thể lên mạng hỏi kinh nghiệm các mẹ bỉm sữa khác rồi về thử nghiệm trên con mình. Hay các mẹ có thể đọc sách, đọc nghiên cứu so sánh khoa học trên hàng ngàn các em bé khác để tự đúc kết cho bản thân. 1 người 10 người hay 1000 người thì sẽ đưa ra kết quả chính xác nhất các mẹ nghĩ xem? Học có phương pháp để không phải cả ngày vùi đầu vào sách vở, để có thời gian luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, để đàn ca sáo nhị nâng cao tinh thần, để dành thời gian cho bạn bè gia đình người thân. Nuôi con có phương pháp để con khỏe, con ngoan, mẹ nhàn, mẹ đẹp, mẹ khỏe, mẹ nhiều tiền nha các mẹ!