Từ một em bé rất phấn khởi khi đến lớp, con bạn đột nhiên giãy nảy mỗi sáng khi phải thức dậy đi học. Chỉ cần nói đến hai từ “đi học” là nó đã ươn người ra, mặt mày ủ rũ. My gần 2 tuần nay luôn đến lớp trong tâm trạng không vui, lúc nào cũng nói “My không thích đi học, My thích ở nhà”. Ở lớp có hôm cô giáo bảo My ít nói, không chơi với các bạn, có khi còn khóc. Mẹ tá hỏa lên không hiểu tại sao? Sáng nào cũng là một cuộc chiến để lôi được My đến lớp. Sau vài ngày khủng hoảng ko biết phải xử trí ra sao, mẹ My đã bình tĩnh lại, lên mạng tham khảo kinh nghiệm của các mẹ khác, đánh giá tình hình và đưa ra phương án tác chiến, hi vọng sẽ giúp được các bố mẹ khác (sớm hay muộn) cũng gặp phải trường hợp tương tự nha. 1. Tìm hiểu nguyên nhân ở lớp Có rất nhiều thứ có thể xảy ra ở lớp khiến con không muốn đi học. Từ những việc nghiêm trọng như bị cô đánh, bạn đánh, đến những việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng tới tâm lý của con như thay đổi giáo viên, cô giáo có chuyện riêng khiến cô buồn phiền hơn bình thường… Việc đầu tiên khi con nói không muốn đi học là bố mẹ cần nói chuyện với nhà trường, đánh giá tổng thể lại môi trường học của con. Nói chuyện với cô giáo xem sau khi bố mẹ rời đi thì con mất bao lâu để hòa đồng vào các hoạt động tập thể; trong ngày con có ăn, ngủ, đi vệ sinh bình thường không? Trẻ khi stressed thì biểu hiện rõ nhất là biếng ăn, ngủ trằn trọc và nhịn đi vệ sinh. Bố mẹ nên đến thăm bất chợt trong ngày, ngó vào lớp xem con có tham gia các hoạt đông ở lớp không, tương tác giữa giáo viên với con, giữa các bạn với con như thế nào. Nếu nguyên nhân do bạn bè bắt nạt thì cần trao đổi với nhà trường để có cách xử lý. Còn nếu có các hành vi bạo hành trẻ thì nhất thiết phải đổi lớp, đổi trường cho con ngay lập tức và thông báo với các bên có thẩm quyền. 2. Trò chuyện với con Rất may đa số trường hợp con không muốn đi học không phải do các nguyên nhân trầm trọng kể trên. Sau khi đã loại bỏ được nguyên nhân đó thì việc vượt qua khủng hoảng sẽ nằm trong tay trẻ và gia đình. Có 2 nguyên nhân chính khiến trẻ không muốn đi học - Bé đang trải qua 1 giai đoạn “lo lắng xa cách” (Separation Anxiety). Khi trẻ đột nhiên không muốn đi học, điều đó thể hiện có 1 sự thay đổi nào đó khiến trẻ cảm thấy bất an và cần sự an ủi của bố mẹ hơn bao giờ hết. Có thể là một cô giáo mới trong lớp, hay bạn thân nhất của bé mấy hôm nay không đi học, hay một món đồ chơi yêu thích nào đó bị mất ở trường… Hay khi nhà có em bé mới, có ông bà đến chơi 1 2 tháng, hoặc đối với nhà mình là chuyến du lịch dài hơi 3 tuần liền. Sau 3 tuần gắn bó với mẹ 24/7 giờ đến lớp nghe có vẻ như là một ý tưởng thật đáng sợ… - Bé thấy tức giân và thất vọng vì luôn phải nghe theo bố mẹ chứ không được làm theo ý mình. Đây là tâm lý chủ đạo của khủng hoảng tuổi lên 3 :))) Khi bé nhận thức được đâu là của mình, đâu là của người khác cũng là lúc bé muốn mọi thứ phải là của mình, mọi quyết định, mọi thứ bé mặc, mọi thứ bé ăn và tất nhiên cả việc đi học hay không nữa. Hãy trò chuyện với con để xác định được nguyên nhân đó sau đó gọi tên thật rõ ràng để con nhận ra chính cảm xúc của mình. Đôi khi chính trẻ cũng mơ hồ không biết tại sao mình cảm thấy như vậy, bố mẹ gọi tên cảm xúc giúp trẻ tập trung hơn và cảm thấy được đồng cảm. 3. Cách xử lý Con không thích thì có ép con được ko? Tất nhiên ép buộc con là điều không nên, nhưng chiều theo ý con và cho con ở nhà thì lại càng không nên. Có rất nhiều điều người lớn chúng ta không thích như đi dắt chó này, cho con đi ngủ này, nấu cơm rửa bát này… vân vân và mây mây, nhưng chúng ta vẫn làm vì chúng ta biết những việc làm đó là cần thiết. Với trẻ nhỏ cũng vậy, đây là lúc thích hợp để cho con biết điều đó, giúp con nhận ra và chú ý tới những điều thú vị trong “đi học”, tìm cách vượt qua những nỗi lo lắng và những cảm xúc tiêu cực. *** Nếu con thấy bất an vì phải xa bố mẹ, hãy trấn an con rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên con - Hồi đầu mới chuyển trường, My đến lớp vẫn còn khóc nhé, lúc nào cô giáo cũng nói là “Mommy will always come back”. Mẹ sẽ luôn luôn quay trở lại. Những lúc My thấy bất an, mình cũng học cô và nhắc lại câu này với My - Dành nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Sáng dậy đi học, đi làm ai cũng vội cho kịp giờ nhưng chính sự hối thúc này làm cho trẻ thấy ngợp và càng bám mẹ hơn. Nếu được thì trong giai đoạn này, cả nhà dậy sớm hơn chút, hoặc bố/mẹ đi làm muộn hơn chút để cho con thời gian. Mấy hôm nay My toàn 10h 10 rưỡi mới vào lớp. Mẹ chờ My đủng đỉnh vệ sinh các thứ rồi ăn uống no nê, thay quần áo đi giày dép. Mọi thứ rất thư thái từng bước. Mỗi bước lại là một lời động viên - Nhắc My về những điều thú vị sắp được làm ở lớp: Chơi món đồ chơi yêu thích, gặp bạn thân và cùng chơi trốn tìm, được ra ngoài sân vì trời rất ấm… - Cho con mang theo một đồ vật yêu thích hoặc món đồ của bố/mẹ để con cảm thấy yên tâm hơn. Có thể là một bức ảnh, một chú gấu bông… hay như trg hợp của mình khuyên tai của mẹ :))) con có thể cất vào ngăn bàn hoặc ba lô để lúc nào con thấy bất an là có vật làm tin đây rồi - Hứa hẹn khi mẹ đón sẽ mang món snack mà con yêu thích. Nên cho món nhỏ nhỏ xinh xinh thôi để k ảnh hưởng đến bữa tối nha các bố mẹ! - Khi đón con hãy hỏi con thật nhiều về những điều con được làm trong ngày và luôn tỏ ra hào hứng và thích thú với những hoạt động ở lớp ***Nếu con muốn tự quyết định hãy tạo điều kiện cho con được quyết định - Để con đưa ra những quyết định khác và cho con cơ hội được tự lập như “Hôm nay con muốn bố đưa đi hay mẹ đưa đi?” “Con có muốn chọn bộ quần nào nào để mặc đi học không” “Con muốn mẹ bế vào lớp hay con tự đi” “Con có muốn mở cửa giúp mẹ ko?" - Khiến cho việc Ở nhà thật nhàm chán. Trong lúc chuẩn bị đi học không nên đọc sách hay nghe nhạc xem hoạt hình gì cả, để con thấy rằng lựa chọn ở nhà thật nhạt nhẽo, vì bố mẹ đều phải đi làm nữa và chẳng ai có thời gian chơi với con hết - Ngó lơ con và giả vờ làm các công việc chuẩn bị như bình thường để đưa bạn gấu bông đi học - Tương tự như trường hợp trên, hãy luôn hào hứng nhắc nhở con về những điều thú vị được làm ở lớp, hứa hẹn lúc đón về và hỏi han các câu chuyện thú vị trên lớp - Tất nhiên sẽ có những ngày con làm mình phát điên lên, không còn tỉnh táo để mà giải thích nọ kia nữa, con sẽ hét, sẽ nổi cơn tam bành. Nhưng bố mẹ à, DON’T LOSE YOUR COOL! Khi các kế sách trên kia đã thất bại và hôm nay bạn bó tay rồi, không còn thời gian để chờ đợi thêm nữa, thì có thể bạn sẽ phải mặc quần áo cho con, và thậm chí vác con lên xe, nhưng tuyệt đổi phải cun ngầu không tỏ ra mất bình tĩnh. Hãy nhắc con hôm nay bố/mẹ sẽ làm giúp con nhưng ngày mai con sẽ tự làm nhé. Ngày mai hãy bắt đầu lại từ đầu và đừng bỏ cuộc nha! Túm lại mọi việc đều có nguyên nhân của nó, đừng vội đổ tại con và trách con hư hay vội đi so sánh con với các bạn khác nhé. Trẻ không muốn đi học là thể hiện sự phát triển tâm lý bình thường và chỉ mang tính giai đoạn thôi. Nhà mình sau vài hôm kiên nhẫn thì tình hình đã khá hơn chút chút, buổi sáng thủ tục chuẩn bị đi học nhanh hơn so với trong video, lúc tới đón My phấn khởi hơn và ở lớp cũng vui như cũ rồi. Mình cố gắng đi theo 1 routine lịch trình nhất định từng bước để con cảm thấy sự ổn định trở lại. Chúc bố mẹ sớm vượt qua cùng bé nhé!