Có rất nhiều ý kiến trái chiều trong việc cho con dùng ti giả. Quan điểm cá nhân của mình đó là nên dùng. Ti giả là cứu cánh thần kỳ trong những ngày đầu mình còn luống cuống ko biết dỗ con, là cách trấn an con cực nhanh và hiệu quả khi còn gắt ngủ, luyện ngủ… Các lợi ích của ti giả 1- Giảm nguy cơ SIDS (hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh) tới hơn 90%. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 1 tháng đến 1 tuổi tại Mỹ, 90% các ca xảy ra với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ đột ngột tử vong mà không xác định được nguyên nhân, không có dấu hiệu báo trước nào nên SIDS càng trở nên đáng sợ. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện đều đưa ra kết luận hiệu quả phòng tránh SIDS của ti giả nên mình thấy việc sử dụng là rất cần thiết. Bài viết liên quan Nếu mẹ muốn hiểu thêm về SIDS - Hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh 2- Nhiều bố mẹ cũng đã biết về lợi ích của phản xạ mút ở trẻ. Phản xạ này hình thành từ khi con còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh trẻ mút ti mẹ/ tay/ti giả sẽ cảm thấy được trấn an dễ dàng hơn. Mẹ thì lúc nào cũng bận rộn nên ti mẹ thì không phải lúc nào cũng được mút và việc cai ti giả sẽ dễ dàng hơn việc cai mút tay, nên mình nghĩ ti giả là một lựa chọn tốt 3- Bé sẽ học cách tự trấn an khi luyện ngủ, biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình nhanh hơn nhờ sự trợ giúp của ti giả. Vì vậy việc con tự ngủ, tự chuyển giấc sẽ sớm hoàn thành hơn, cải thiện giấc ngủ cho cả con cả bố mẹ. Các điểm bất lợi và cách khắc phục 1- Dùng ti giả quá sớm sẽ khiến trẻ bị lẫn lộn giữa ti mẹ và ti giả, thậm chí từ chối ti mẹ và không chịu bú. Vì vậy hãy chờ cho tới khi trẻ đã thuần thục việc bú ti, có khớp ngậm đúng (khoảng 2-3 tuần) thì hãy bắt đầu giới thiệu ti giả. Như vậy bé sẽ biết ti mẹ là để măm măm, còn ti giả là để mút mát cho thoải mái, không bị bám lấy mẹ chỉ để thỏa mãn nhu cầu mút mát còn mẹ thì cứ tưởng là con đói nên cho mút hoài mút mãi, hình thành thói quen ăn vặt rất không tốt. 2- Trong 1 nghiên cứu năm 2000 trên 500 trẻ em ở Phần Lan đã chỉ ra rằng trẻ ngậm ti giả thường xuyên có nguy cơ viêm tai giữa lặp đi lặp lại cao hơn 33%, đặc biệt là sau 6 tháng tuổi. Nghiên cứu này còn cho thấy trẻ dùng ti giả liên tục có nguy cơ cao hơn trẻ dùng không thường xuyên, nghĩa là tần suất sử dụng tỉ lể thuận với số lần tái viêm. Nguyên nhân được cho rằng việc thường xuyên mút ti giả làm cho ống tai mở hơn bình thường, tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong dịch tiết họng xâm nhập vào tai giữa. Vì thế khuyến khích các bố mẹ cai trước 6 tháng, hoặc hạn chế chỉ dùng lúc đi ngủ, không cho con ngậm cả ngày. 3- Ảnh hưởng đến sự phát triển của răng nếu dùng quá lâu. Sau 2 tuổi, việc ngậm ti giả có thể khiến răng cửa hàm dưới vẩu, chìa ra ngoài, lệch khớp cắn. Sau 4 tuổi thì sẽ ảnh hưởng tới khuôn hàm của răng vĩnh viễn. Vì thế nếu 6 tháng đã cai ti giả không thành công thì đến 2 tuổi bố mẹ hãy hạ quyết tâm đi nhé, không trì hoãn được nữa đâu! 4- Theo hiệp hội nghe-nói-ngôn ngữ Hoa Kỳ, việc dùng ti giả quá lâu sẽ làm chậm sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Việc mút ti giả khiến miệng trẻ lúc nào cũng ở một tư thế không tự nhiên, lưỡi đẩy về phía trước giữa các răng khiến vòm miệng quá lớn hoặc thụt vào khiến việc phát âm khó khăn hơn nhất là chữ S và Z. Đồng thời giảm cơ hội nói chuyện của bé vì miệng còn bận mút ti giả nữa Túm lại: Ti giả CỰC KÌ CÓ LỢI khi dùng dưới 6 tháng tuổi còn CỰC KÌ CÓ HẠI khi dùng trên 2 tuổi. Vì thế bố mẹ nào có con mới sinh cứ mạnh dạn dùng, vừa an toàn cho con, vừa bảo toàn thần kinh của bố mẹ :P. Và khuyến khích cai ti giả trong giai đoạn từ 1-2 tuổi. Chỉ có 2 cách duy nhất để cai ti giả (hay là cai bất cứ thứ gì). 1 là Cai đột ngột Một phát xong luôn 2 là từ từ dùng mẹo để con dần dần giãn ra và cuối cùng là bỏ hoàn toàn: Cách 1: đây là cách đơn giản nhất. Tất nhiên sẽ trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Nhưng bố mẹ thực hiện càng sớm trẻ càng dễ nhanh quên và chỉ vài hôm là sẽ chẳng còn biết ti giả là gì nữa. Chờ đến hơn 2 tuổi, trẻ nhớ được lâu hơn thì sẽ càng khó khăn. Con chắc chắn sẽ khóc, sẽ đòi. Khóc nhiều hay ít tùy vào mức độ nghiện nặng hay nhẹ =)) tính tình khóc dai hay nhanh nín của từng trẻ. Nếu con đã khá hiểu chuyện, bố mẹ hãy nói chuyện với con từ trước đó 3-5 ngày để con chuẩn bị tinh thần, để con thuộc lý thuyết rằng bây giờ con lớn rồi con sẽ không dùng ti giả nữa. Tất nhiên từ lý thuyết đến thực hành không bao giờ là như mơ cả nhưng bước chuẩn bị tâm lý lúc nào cũng không thể bỏ qua. Bố mẹ có thể giấu luôn hoặc có thể để con tự nguyện cất/chôn/đem cho/tặng cho bà tiên… (tùy độ sáng tạo của bố mẹ) chiếc ti giả yêu quý của mình, sau đó xa mặt thì cách long, trẻ sẽ phải tập quen với sự ra đi của ti giả. Cách 1 này hiệu quả nhanh nhưng sẽ rất căng vì con khóc, gào thét. Bố mẹ phải cương quyết, không nhân nhượng khi con khóc thì chỉ 1-2 tuần là con hoàn toàn quên. Cách 2: Từ từ hạn chế sử dụng. Từ dùng mọi lúc mọi nơi -> chỉ được dùng ở nhà -> chỉ được dùng trong cũi-> chỉ dùng khi con mất bình tĩnh và không dỗ dành được. Bố mẹ tự định ra các giới hạn cụ thể phạm vi con được sử dụng ti giả. Có thể thay thế ti giả bằng một chú gấu bông/ chiếc chăn yêu thích của con để con cảm thấy được trấn an mà ko cần tới ti giả nữa Bố mẹ có thể dùng mẹo để làm giảm sự hấp dẫn của ti giả, như chấm một ít dấm hay chanh, hoặc cắt thủng ti giả giảm độ mút. Cách làm thủng ti giả bố mẹ nên thử khi có sự giám sát chứ không nên để con đem chiếc ti rách đi ngủ, con dễ nhai nát và hóc mẩu nhựa. Khi trẻ không thấy ti giả thú vị nữa, trẻ sẽ tự bỏ. Khi còn đòi ti giả, bố mẹ hãy tìm mọi cách trì hoãn, đánh lạc hướng sang chơi trò chơi khác để bé tạm thời quên đi, trì hoãn càng nhiều lần càng lâu càng tốt. My nhà mình cai hẳn ti giả lúc gần 2 tuổi tức là cũng khá là muộn… căn bản vì mẹ sợ bỏ ti thì không biết dỗ con bằng gì haha… Hồi bé thì ngậm ti khá nhiều nhưng đến 1 tuổi trở đi là hầu như chỉ cho ti giả lúc đi ngủ thôi. Thế nên lúc 2 tuổi cai hẳn mình chỉ phải trải qua 3 4 hôm trằn trọc khó ngủ và khóc lóc 1 tí thôi. Tức là mình kết hợp cả 2 phương pháp, từ từ dần dần giảm trong suốt gần 1 năm và đến cuối là dứt điểm luôn, ti giả 1 đi không trở lại =)) 2 tuần sau My nghịch ngăn kéo thấy ti giả mẹ giấu trong đấy còn tủm tỉm cười ngượng xong cho vào mồm nhai nhai mấy cai rồi lại cất =)) (1) Pacifier use and SIDS: evidence for a consistently reduced risk. (2) Pacifier as a Risk Factor for Acute Otitis Media: A Randomized, Controlled Trial of Parental Counseling (3) Effects of current and former pacifier use on the dentition of 24- to 59-month-old children. (4) https://www.asha.org/uploadedfiles/asha/publications/cicsd/2008stheimpactofprolongedpacifieruse.pdf Nguồn bài viết gốc