Các mami thân mến! Những ngày này chúng ta lại nóng lên với loạt bài báo đưa tin về Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt có các hành vi ngược đãi, bạo lực và không đạt chuyên môn, yêu cầu vệ sinh về giảng dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ. Mamibuy xin phép được chia sẻ từ góc nhìn của mình về vấn đề này. Toàn cảnh sự việc: Sau những lời quảng cáo chia sẻ hấp dẫn về trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ Tâm Việt tràn ngập trên diễn đàn kín dành cho trẻ tự kỷ trong thời gian trước như “ Huấn luyện trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia”, “ nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì”... thu hút đông đảo sự quan tâm của những phụ huynh, người thân có trẻ tự kỷ khắp cả nước. Thực tế khi phóng viên của Vietnamnet điều tra ra, những gì trung tâm cho người nhà, phụ huynh thấy chỉ là mặt nổi để gây dựng lòng tin, ở “phần chìm của tảng băng trôi”, những trẻ tự kỷ đang theo học ở đây được dạy và đối đãi không khác gì những “chú khỉ” đang được huấn luyện xiếc. Những trẻ nhanh nhẹn hơn được đưa ra hành lang biểu diễn cho phụ huynh coi và quay phim. Ảnh: Vietnamnet Trẻ được học các kỹ năng như đội chai nước trên đầu, tung 3-5 quả bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh... điều đáng nói là trẻ hoàn toàn không nhận được sự bảo hộ an toàn khi tập diễn xiếc, chưa kể thiết bị học thô sơ, giáo viên hoàn toàn không có chuyên môn giảng dạy được tuyển chọn chỉ bằng một câu nói “Không cần bằng cấp gì cả, đến đây chúng tối sẽ đào tạo lại” việc đào tạo lại ở đây chính là làm được những kỹ năng ở trên để dạy lại cho trẻ. Các giáo viên dùng thái độ gay gắt, quát mắng, đe dọa trẻ để bắt trẻ làm theo, khi trẻ không nghe lời thì ném bóng, có các hành vi bạo lực đối với trẻ. Chưa kể, sau giờ học trẻ ăn ngủ sinh hoạt trực tiếp tại các phòng học chỉ với một tấm phản gỗ, nhà vệ sinh và phòng học hôi hám ẩm ướt, không đảm bảo vệ sinh. Giáo viên đe dọa, quát mắng và có hành vi bạo lực với trẻ tự kỷ. Ảnh: Vietnamnet Trong giờ ăn, một em học sinh không nghe lời thì bị người nấu bếp dùng đũa đánh liên tiếp khiến em khóc trong hoảng loạn. Giáo viên ở đây thừa nhận, đào tạo các trẻ nhanh nhẹn hơn để những trẻ này dạy lại các trẻ khác kém hơn, sẵn sàng để trẻ đánh tát vào mặt các trẻ khác khi không nghe lời. Những trẻ đang theo học hoàn toàn không được chăm lo về mặt tinh thần và hướng dẫn phù hợp với từng trường hợp tự kỷ. Nhiều trẻ tự kỷ và trẻ có vấn đề về tinh thần trở nên nặng hơn, thường xuyên cởi trần, cởi chuồng, nghịch các bộ phận nhạy cảm ngay trong lớp trước mặt các trẻ khác và giáo viên mặc dù trẻ đang trong độ tuổi dạy thì. Trên người trẻ luôn chi chít các vết muỗi cắn, gầy guộc và u ám. Những phương pháp dạy như trên được đưa ra ánh sáng khiến cho chúng ta khó mà tin được khi học phí ở đây mỗi tháng phải nộp cho trung tâm từ 10-20 triệu đồng cho một trẻ. Trẻ nào nộp phí cao 15, 20 triệu đồng thì được đối xử tốt hơn. Trẻ nghỉ ngơi, sinh hoạt trên những tấm phản, mặc dù học phí mỗi tháng phải đóng lên đến 20 triệu đồng. Ảnh: Vietnamnet Sau khi được đưa tin rầm rộ trên các báo, CEO Tâm Việt Group là ông Phan Quốc Việt phản hồi: "Mọi người cũng phải hiểu đây là đào tạo các em không được bình thường nên nhiều khi giáo viên sẽ không kìm chế được, ném nhau quả bóng cũng không phải chuyện quá to lớn. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đào tạo được các em, nếu mình xử lý quá nặng các giáo viên thì cũng không còn ai dạy các em nữa... Tuy nhiên, khi giáo viên không kìm chế được và có hành động không đúng mực thì phải kỷ luật ngay.", ông Việt bày tỏ. Ông Phan Quốc Việt - CEO của Tâm Việt Group. Ảnh: Vietnamnet Một số phản ánh từ gia đình trẻ: Cũng theo điều tra được, gia đình ông D, bà N ngụ Hoàng Mai, Hà Nội cho cháu nội 11 tuổi bị mắc chứng tự kỷ theo học tại trung tâm, được hơn 1 tháng thì gia đình nhận được thông báo từ trung tâm rằng sức khỏe cháu không tốt nên đưa cháu về. Vì trung tâm cấm phụ huynh không được thăm, tiếp xúc. Họ phân tích là gặp nhiều khiến cháu nhớ nhung, sao nhãng việc dạy và học, nên mỗi lần mẹ cháu lên thăm con, chỉ dám đứng ở gốc cây, thấy con đạp xe ở ngoài sân mà không dám gọi. Không ngờ khi lên đón cháu về, cháu đã “thân tàn ma dại”, sức khỏe suy kiệt, mặt mũi sưng húp, trên người chi chít vết muỗi đốt, mỗi bước đi cháu đều ôm bụng, gào khóc, cháu sụt 4kg – theo chia sẻ của ông D. Qua thăm khám ở bệnh viện, cháu bị nhiễm vi khuẩn HP (lây lan qua đường miệng, đường phân. Đây cũng là guyên nhân chính gây loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày). Trong khi đó, câu trả lời của trung tâm sau thắc mắc của gia đình là “ Chúng tôi không biết”, “Giám đốc đi vắng”. Cùng với đó, được biết trung tâm Tâm Việt có di chuyển chỗ nhiều lần trước đây, trong đó có 4 tháng ở nhờ chùa ở Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Tất cả những chi phí khi ở tại đây đều được chùa hỗ trợ 100%, nhưng Trụ trì chùa cũng chia sẻ rằng những người chăm sóc không chu đáo trong việc vệ sinh các trẻ, không sử dụng xà phòng tắm gội, chỉ được dội nước qua quýt, trụ trì nhắc nhưng họ chỉ vâng dạ rồi để đó. Các giấy tờ của trung tâm: Cũng theo chia sẻ của một gia đình, quá trình con theo học tại Trung tâm Tâm Việt hoàn toàn không có thủ tục gì chứng minh việc giao nhận trẻ. Phụ huynh chỉ đưa con đến đó rồi về, không có sổ sách, không có giấy khai sinh, không hộ khẩu photo, không ghi chép biên nhận. Hiện tại trung tâm Tâm Việt chuyển về huyện Đông Anh, Hà Nội do đã bị Trường TDTT Từ Sơn Bắc Ninh chấm dứt hợp đồng cho thuê vì không đảm bảo vệ sinh cho học viên. Trên báo Vietnamnet, bà Dương Thị Sáu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh khẳng định phía phòng chưa cấp phép hoạt động cho Trung tâm Tâm Việt. Diễn biến sự việc kể trên khiến những người làm cha mẹ như chúng ta, đặc biệt những người có con, cháu mắc chứng tự kỷ sẽ đau xót vô cùng. Những khó khăn, thiệt thòi ở một đứa trẻ tự kỷ lại thêm một tầng nữa bị đè nặng lợi dụng để trục lợi kinh tế mà không hề quan tâm đến những tổn thất tinh thần, sức khỏe gây ra cho trẻ. Trẻ tự kỷ vẫn là những đứa trẻ, chúng khác biệt nhưng không có nghĩa chúng nên được đối xử như những “công cụ” để kiếm lợi cá nhân, chúng thiếu hụt về nhiều kỹ năng xã hội nhưng không có nghĩa chúng nên bị đem ra tôi luyện để trở thành những “con khỉ diễn xiếc”. Tự kỷ ở trẻ em Tỷ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây đang tăng lên, với tần xuất 1/100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8%. Trẻ trai tỷ lệ mắc nhiều hơn trẻ gái từ 4-6 lần. Tức có 5 trẻ tự kỷ thì có 4 trẻ là trai. Theo tư vấn thông tin của Thạc sĩ, bác sĩ Quách Thúy Minh – Bác sĩ tâm lý Nhi thuộc bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times city. Tự kỷ được cho là bệnh lý của não rối loạn phát triển thần kinh (như thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, thiếu hụt hoạt hóa cấu trúc tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) do có những gen bất thường (giả thuyết). Trẻ tự kỷ. Ảnh: Internet Các dấu hiệu mà trẻ tự kỷ thường hay thể hiện như sau: Thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội, cụ thể như: trẻ không biết chỉ tay, ít giao tiếp bằng mắt, kéo tay người khác khi cần, không làm theo hướng dẫn, chơi một mình không chia sẻ, chỉ làm theo ý thích của mình, không khoe, không để ý đến thái độ và tình cảm của người khác. Một số trẻ không có cảm giác lạ lẫm với môi trường mới hay người lạ, nhưng lại có những trẻ rất sợ chỗ lạ, người lạ. Trẻ thường gắn bó tới đồ vật nhiều hơn là tới người. Bất thường về ngôn ngữ: Chậm nói hoặc nói được nhưng lại không nói, phát âm vô nghĩa. Dạy không nói theo, hoặc trẻ nói nhại lời, nhại quảng cáo, chỉ nói khi đòi ăn, đòi đi... ngôn ngữ thụ động, không biết đặt câu hỏi, hoặc hỏi lại nhiều lần một câu hỏi. Không biết đối đáp hội thoại, không biết tường thuật lại những gì đã chứng kiến. Giọng nói khác thường, lớ lớ, thiếu diễn cảm, nói nhanh, ríu lời, nói to... trẻ không biết chơi giả vờ tưởng tượng mang tính xã hội, không biết trò chơi có luật. Những bất thường về ngôn ngữ này cũng là biểu hiện dễ nhận thấy nhất để bố mẹ người nhà đưa trẻ đi khám. Những bất thường về hành vi, thói quen và ý thích thu hẹp: Hành vị định hình như đi kiễng gót, quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, nhảy chân sáo, chạy vòng quanh, nhảy lên... Những thói quen rập khuôn thường gặp là: đi về theo đúng một đường, ngồi đúng một chỗ, nằm đúng một vị trí, thích mặc đúng một bộ quần áo, luôn làm một việc theo một trình tự. Những ý thích thu hẹp như: Cách chơi đơn điệu kéo dài, bịt cuốn hút bởi ti vi, quảng cáo, điện thoại, quay bánh xe, hay ngắm nhìn hoặc tay luôn cầm một thứ gì đó như bút que...có màu sắc ưa thích hoặc có độ cứng mềm khác nhau. Có khoảng 70% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động, không phản ứng với nguy hiểm. Phân loại các loại bệnh tự kỷ Thông thường tự kỷ được phân theo 5 loại lâm sàng là: Tự kỷ điển hình ( Kanner): bao gồm các dấu hiệu bất thường ở3 lĩnh vực : Thiếu hụt các kỹ năng tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ; Bất thường về hành vi, thói quen, ý thích thu hẹp. Và bất thường về trí tuệ. Tự kỷ điển hình thường khởi phát trước 3 tuổi. Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao): Kém tương tác xã hội, nói được nhưng giao tiếp bất thường, không chậm nhận thức, xuất hiện sau 3 tuổi. Hội chứng Rett: Trẻ gái bị mắc, thoái triển xảy ra khi trẻ 6 – 18 tháng tuổi, động tác định hình ở tay, vẹo cột sống, đầu nhỏ, chậm trí tuệ mức nặng. Rối loạn phân rã tuổi ấu thơ: sự thoái lùi phát triển nặng xảy ra trước 10 tuổi. Tự kỷ không điển hình: Chỉ có bất thường 1 trong ba lĩnh vực, là tự kỷ mức độ nhẹ. Theo khả năng trí tuệ và phát triển ngôn ngữ, tự kỷ lại được chia ra thành 4 loại sau: Tự kỷ có trí thông minh cao và nói được Tự kỷ có trí thông minh cao nhưng không nói được Tự kỷ có trí tuệ thấp và nói được Tự kỷ có trí tuệ thấp và không nói được. Cần phân biệt tự kỷ với những vấn đề/bệnh lý khác như chậm nói đơn thuần, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn sự gắn bó, rối loạn tăng động giảm chú ý... Sách cho trẻ tự kỷ: Bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số các phụ huynh rất lúng túng vì thiếu kiến thức. Tài liệu hướng dẫn can thiệp giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam, đặc biệt là những tài liệu hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” không nhiều. Trước thực trạng đó, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (cùng các cộng sự nhóm từ thiện Nhịp Cầu Yêu Thương) và NXB Phụ nữ đã chung tay xuất bản một bộ sách nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ, ông bà và người chăm sóc trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà. Series sách cho trẻ tự kỷ xuất bản lần đầu gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài - những chuyên gia, huấn luyện viên có chứng chỉ quốc tế về can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ - được dịch sang tiếng Việt (Thúc đẩy giao tiếp – 300 trò chơi và hoạt động cho trẻ tự kỷ; Can thiệp phổ tự kỷ hằng ngày - Kết hợp giáo dục trong những hoạt động hằng ngày cho trẻ và gia đình; Hướng dẫn cha mẹ thực hành kỹ năng trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ - Thực hành kỹ năng vận động, phối hợp cảm giác, tự đi vệ sinh...) và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt (Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình; Những đứa trẻ mộng mơ) của các tác giả Việt - những bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia can thiệp trị liệu đặc biệt... có nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm điều trị và can thiệp cho trẻ tự kỷ. Series sách cho trẻ tự kỷ Mỗi trẻ đều có những triệu chứng và tình trạng không giống nhau, có những trẻ có trí thông minh cao, có những trẻ thì không, có trẻ không sợ hãi nơi lạ người mới, có trẻ thì rất mẫn cảm, và có những trẻ có thể học được các kỹ năng biểu diễn "xiếc" để trở thành chuyên gia, có nhiều trẻ khác thì hoàn toàn không thể. Vì vậy, Mamibuy hy vọng qua toàn cảnh sự việc và những thông tin bổ sung trên đây về chứng tự kỷ ở trẻ, các bố mẹ, gia đình có trẻ nhỏ mắc tự kỷ sẽ có những thông tin tương quan cần thiết để chăm sóc con trẻ, đồng thời cũng hiểu được phương pháp nào để giáo dục và hăm sóc trẻ tự kỷ là phù hợp, cho con sự phát triển tốt nhất bằng cả tình yêu và phương pháp đúng đắn. Cảm ơn bố mẹ/ ông bà đã tin đọc, mong hạnh phúc và lạc quan sẽ mãi bên cạnh chúng ta! * Một số thông tin về chứng tự kỷ được tham khảo từ Vinmec.com Mamibuy / RacyBui