Phần 1: QUÁT MẮNG CON (Phần 1) - MẮNG CON CŨNG CÓ HẠI NHƯ ĐÁNH CON VẬY! Ở phần trước mình đã nói đến tác hại của việc mắng mỏ con rồi hứa sẽ có P2 sớm vì lúc đó đã edit được 1 nửa rồi cơ. Nhưng mình viết đi viết lại, đặt lên đặt xuống mãi vẫn chưa xong. Mình cảm thấy chính bản thân mình còn chưa thực hiện được hết những điều mình học và chia sẻ. Vẫn tiếp tục có những lần mắng con, tuy ít hơn nhưng không phải là không có. Ngay hôm qua My kêu đói mà mẹ bảo My chờ mẹ tí, mẹ nấu cơm thì mới có đồ ăn, nhưng My vẫn léo nha léo nhéo nhắc đi nhắc lại, mẹ thì đang cáu vì vừa phát hiện tài khoản bị charge tiền vô lý. Thế là My bị ăn quát (Và 1 cái tét vào mông… huhu) Nhưng dù sao thì có tiến bộ vẫn là có tiến bộ. Việc kiểm soát cơn tức giận với con giống như phải thay đổi tính tình vậy. Những người hiền hòa sẽ ít cáu giận, những người cục cằn thì sẽ hay nổi nóng hơn. Thế nên không phải chuyện ngày 1 ngày 2 được. Bước đầu tiên để thay đổi bao giờ cũng là ở nhận thức. Từ nhận thức tác hại của việc quát mắng lên tinh thần và sự phát triển của trẻ, tới nhận thức về tần suất và mức độ mất kiểm soát, to tiếng của chính bản thân (Có thế lấy note ghi lại từng ngày). Tuy là bước nhỏ nhưng cũng rất quan trọng, là tiền đề cho sự thay đổi. Nếu cứ mắng con hôm nay xong quên luôn, mai lại mắng mà chẳng mảy may suy nghĩ, thì sẽ chẳng bao giờ có thể khác được. Thế nên bố mẹ nào đã đọc được tới đây là mình đã đi đc 2 bước đúng hướng rồi đó! Mình chia sẻ tiếp phần này để cả nhà cùng phấn đấu nhé! 1. Con có thực sự đáng bị mắng? Mắng con thì có 1001 lý do nhưng mình quan sát và tổng hợp lại nguồn gốc gây ra sự tức tối như sau: a. Cảm xúc – chắc phải chiếm tới 80% số lần My bị mắng Ở độ tuổi 2-3 và cả ở tuổi teen thì việc kiểm soát cảm xúc dường như là không tưởng. Tất cả những vui sướng tột độ hay giận hờn vu vơ đều có thể ập đến trong phút chốc. Có lúc con vui quá đà mà hét toáng lên, chạy nhảy như điên, nhún ầm ầm trên giường và làm đau bố mẹ. Có lúc lại thấy tủi thân quá nên nổi cơn tam bành để bố mẹ chú ý hơn. Có lúc lại sốt ruột không thể chờ đợi mà muốn gì là phải đòi có ngay và luôn. Tất cả những cảm xúc này đều dẫn tới những hành động gây ngứa mắt bố mẹ. Khi hành động bộc phát từ cảm xúc, sẽ rất khó để dùng lời nói để giải thích hay to tiếng để trấn áp. Quát con giúp giải tỏa sự tức giận của bố mẹ, nhưng lại là cái tát vào cảm xúc của con. Khả năng điều tiết cảm xúc vừa phụ thuộc vào tâm tính của từng trẻ (temperament) vừa phụ thuộc vào môi trường nuôi dưỡng và giáo dục. Việc xử lý cảm xúc không phải tự nhiên mà thành thục, rất nhiều người lớn rồi vẫn cục cằn, máu chiến, hay gây gổ, chính là bởi họ để cho cảm xúc nhất thời quyết định mọi thứ. b. Mong ước được tự chủ Độ tuổi 2-3 là khi trẻ bắt đầu nhận thức về bản thân và mong muốn được tự làm mọi việc. Tương tự như các bạn tuổi teen muốn khẳng định cái tôi và sự khác biệt của mình. Nhiều khi bị nhắc 1 câu là thấy khó chịu rồi và muốn phản kháng ngay để khẳng định lại quyền tự chủ. Đôi khi chúng nghĩ là, mình đã chuẩn bị tự giác dọn phòng rồi mà tự dưng lại bị nhắc nên thôi ko làm nữa. Logic buồn cười vậy đó nhưng cứ nhớ lại hồi 14 15 tuổi là bố mẹ sẽ hiểu cho nỗi lòng của con ngay. c. Kỹ năng vận động chưa phát triển hoàn thiện Làm đổ vỡ đồ đạc hay chạy nhảy bị ngã sứt sẹo đều là do khả năng vận đông của con chưa phối hợp được nhịp nhàng. 100% không phải tại con cố ý, nên đừng mắng mỏ tội nghiệp. Túm lại là để giải quyết thực trạng quát mắng con mà bắt đầu từ việc thay đổi con thì chắc chắn sẽ không thành công. Hành động của trẻ thường có xuất phát rất bản năng, điều khiển bới cảm xúc và bị giới hạn bởi khả năng và kinh nghiệm chứ không phải vì trẻ nghĩ rằng ồ mình phải làm ngược lại lời của bố mẹ để bố mẹ phát cáu, hay phải léo nhéo thật nhiều để chọc tức ông bà bô mới được. Vậy thì từ phía bố mẹ có thể làm gì? Có 3 giai đoạn có thể xử lý: trước bão – trong bão – sau bão. TRƯỚC BÃO 1. Thu gọn khoảng cách Khi đưa ra yêu cầu cho con thay vì gào từ tầng 1 lên tầng 2, hãy đến bên cạnh con, ngồi xuống ngang tầm mắt và yêu cầu con một cách rõ ràng bình tĩnh. Việc này vừa gián đoạn sự tập trung của trẻ ra khỏi mê hồn trận trên TV, vừa không tạo cớ để hét, đồng thời giảm bớt uy thế từ trên cao của bố mẹ. Khi thấy con nhỏ bé ta càng dễ cậy mạnh mà lấn lướt hơn 2. Chia nhỏ yêu cầu ra thành những phần việc cụ thể hơn. Thay vì bảo “My chuẩn bị để đi chơi”, hãy bảo con “bây giờ mình xem nốt tập phim này rồi con giúp mẹ chọn bộ quần áo thật đẹp, đi giày vào để mình đi chơi nhé”. Nhiều khi bố mẹ quên mất là trẻ ko hề biết lên kế hoạch, chuẩn bị đi chơi là làm gì? nhất là lúc đầu óc còn đang mải việc khác thì chắc chắn con sẽ cảm thấy khó quá bỏ qua! 3. Cho con thời gian và cơ hội để “tự” Trước khi đến giờ tắt tivi để vào bàn ăn thì nên báo trước với con. “10 phút nữa con tự tắt tivi và giúp mẹ dọn bàn ăn cơm nhé”. Có thể đặt chuông hẹn giờ để đến giờ đó con có cơ hội được tự mà ko phải nhắc. Hạn chế các việc phải làm “NGAY”, đi ngủ ngay, đi tắm ngay… dễ khiến các con cảm thấy bùng cháy lắm =)) 4. “Em bị điên xin đừng chọc em” Khi bản thân bố mẹ đã có những bực bội khác thì việc mất bình tĩnh với con chỉ trong tích tắc. Những lúc này hãy tự biết thân biết phận và treo biển cảnh báo nha =)))) Mình có thể nói trc với con là hôm nay mẹ mệt, mẹ khó chịu nên rất dễ cáu kỉnh... mong con biết đường lựa lựa ko chọc vào sư tử nữa=))) 5. Hít thở Khi thấy cơn lôi đình sắp tới thì hãy dừng lại 1 tích tắc để hít một hơi thật sâu. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chỉ cần nhớ lấy đúng 1 điều đó thôi là có thể tránh được giông bão rất nhiều rồi đó. Với những người hay stressed, hay bực dọc thì nên tìm hiểu thêm về thiền nhé. Nghiên cứu gần đây của ĐH Harvard cho thấy sau 8 tuần học thiền, phần amygdala trong não người được điều tiết tốt hơn, khiến họ ít bị kích động bởi cảm xúc hơn (1). TRONG BÃO 6. Chờ bão qua Công tác tránh bão đã triệt để nhưng đôi khi gió giật cấp 9 cấp 10 vẫn ko kịp trở tay. Khi có giông bão thì đừng dại nhảy vào, mình thực sự ko có lời khuyên nào chân thành và thực tế hơn. Khi con cáu, bố mẹ cáu, đừng mong giải quyết gì, dạy bảo gì, khuyên nhủ gì. Cố mềm mỏng lúc con đang cáu gắt, lúc cục tức nghẹn trong cổ rồi mà vẫn cố nói năng nhẹ nhàng thì chắc chắn ko khác gì quả bom nổ chậm, mà đã nổ thì chỉ có tanh bành. Không nên đáp trả lại việc con hét bằng cách thi xem ai hét to hơn. Đôi khi bố mẹ cần phải tự time-out, chui vào phòng trú ẩn, cách ly khỏi con để tự lấy lại bình tĩnh. Khi thấy mình sắp bị cuốn vào cơn lốc tam bành của con thì hãy “chạy ngay đi” để bảo toàn cảm xúc của mình, đừng đổ thêm dầu vào lửa. Bố mẹ nào cũng muốn làm tấm gương sáng cho con, nên đừng đặt mình vào tình thế tồi tệ nhất để thành phiên bản xấu nhất của chính mình và giương lên cho con học tập nhé. Đẹp đẽ khoe ra xấu xa đậy lại nha! Trẻ con chưa biết điều tiết cảm xúc vì chúng mới chỉ có 2 3 năm kinh nghiệm mà thôi, còn các bố các mẹ với 20 30 năm trong nghề chả lẽ lại chịu thua hay sao? SAU BÃO 7. Khi đã bớt tức giận, quay lại xử lý vấn đề. Khi con từ chối làm theo yêu cầu của bố mẹ mặc dù bạn đã cho thời gian, đã chỉ dẫn, đã nói chuyện nghiêm túc với giọng điệu bình tĩnh nhưng cứng (nói chung là hết cách). Lúc này hãy cảnh báo cắt các quyền lợi của con: - Nếu con không đi tắm ngay thì tí nữa mẹ sẽ không đọc truyện cho con nữa. - Nếu con không ra rửa tay ăn cơm thì bố mẹ sẽ ăn trước và con phải ăn một mình (đừng dọa ko cho ăn nhé, ko đến lúc phải cho con nhịn thì cũng xót lắm) - Nếu con không dọn dẹp thì chúng mình sẽ không nói chuyện hay chơi trò chơi nào khác nữa - Nếu con không thay đồ nhanh thì công viên sẽ đóng cửa và mình sẽ không được đi chơi nữa… Và người Việt Nam đã nói là làm! =)) Cho con một khoảng thời gian nhất đinh, có thể đặt chuông đồng hồ, nếu con vi phạm là sẽ bị tước đặc quyền như đã hứa. 8. Chấp nhận cảm xúc của cả con cả bố mẹ Sau khi con bình tĩnh lại, chấp nhận hình thức xử phạt… nên dành 1 khoảng tgian để ôm ấp trò chuyện nhé. Luôn luôn gọi tên cảm xúc của con: tức giận, quá phấn khích, buồn tủi… để bày tỏ sự cảm thông. Nhưng cũng đừng quên chỉ ra rằng hành động của con khiến người khác cảm thấy như thế nào để dạy con cảm thông với người khác. Đây là cơ hội để bạn cho con hiểu tại sao mẹ lại bỏ đi chỗ khác vì lúc đó mẹ tức giận quá nhưng không muốn mắng con làm con buồn, tại sao mẹ lại hét lên vì con làm vỡ bát khiến mẹ hốt hoảng chứ ko phải là to tiếng với con. Hoặc nếu đã trót mắng con thì hãy xin lỗi và hứa lần sau nếu mẹ tức giận mẹ sẽ cố gắng kiềm chế tốt hơn. Nói xong rồi thì nên chốt lại bằng 1 cái bắt tay, một cái ôm, cái hôn để hàn gắn lại chút rạn nứt nhỏ nhỏ nhé. 9. Giảm thời gian dán mắt vào màn hình điện thoại. Lời thú tội của mình đó là mình hay cáu với con nhất lúc mình dùng điện thoại. Đang chat chít với đồng bọn hay đang xem video ba lăng nhăng mà con cứ nhèo nhẽo bên tai dễ gây cáu thực sự! Cái này 1000% là bố mẹ sai vì rõ ràng trên đt ko có việc gì khẩn cấp quan trọng cả. Bố mẹ nào đã từng thấy con giật điện thoại đem cất đi thì hãy tỉnh lại ngay! Con giật đt là hư 1 thì bố mẹ vô tâm 10 đó. Bảo sao khi bố mẹ tắt ti vi thì con nổi đóa lên, con lấy đt của bố mẹ thì bố mẹ cũng nhảy dựng lên đấy thôi. Đừng tự đăt mình vào bẫy này bố mẹ nha! Mình đã từng thấy các bà mẹ mắng con ở giữa siêu thị và từng tự nhủ là sau này có con mình sẽ không thế. Nhưng đúng là chả hiểu gì về điện =))) Cứ tưởng mình hay lắm cho đến khi mình có con thật. Chắc chắn có nhiều những ông bố bà mẹ tốt hơn mình, cả năm số lần to tiếng đếm trên đầu ngón tay. Nhưng với tính tình của mình, cộng với ngày nhỏ bị mắng đánh xơi xơi như tuổi thơ bao bạn đồng trăng lứa khác nên bây giờ mình phải phấn đấu hơn nhiều. Resolution của năm nay sẽ là trong 1 năm sẽ rút xuống không còn bốc hỏa lên với My nữa!!! Xin hứa xin hứa xin hứa!!! (1) https://news.harvard.edu/gazette/story/2018/04/harvard-researchers-study-how-mindfulness-may-change-the-brain-in-depressed-patients/ (2). Bài viết tham khảo sách “Peaceful Parent, Happy Kids: How to Stop Yelling and Start Connecting” của Laura Markham