Những năm gần đây, tỷ lệ mắc sởi ở trẻ tăng cao đặc biệt là những trẻ nhỏ dưới 9 tháng là lứa tuổi chưa kịp tiêm phòng. Nhiều bố mẹ không nhớ ngày bé mình đã tiêm phòng sởi hay chưa, trước khi có bầu cũng chưa hoặc không biết là nên tiêm phòng rồi nhiều gia đình anti vắc xin … dẫn đến việc ngăn chặn sởi bùng phát là vô cùng khó khăn. Với tình hình như hiện nay, nếu chúng ta không làm tốt việc tiêm phòng thì chắc chắn thế hệ sau, sau nữa sẽ có rất rất nhiều trẻ mắc sởi. Hậu quả kinh hoàng thế nào thì chúng ta có thể nhìn lại dịch sởi 2014 sẽ thấy rõ. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh sởi, mọi người cùng trao đổi và tham khảo. Không cần like, hãy share vì Sởi là câu chuyện của cả cộng đồng – không phải việc của riêng ai. 1. Sởi là gì? Sởi là một bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi virus sởi, có thể lây dễ dàng từ người sang người. Sởi nguy hiểm thế nào? - Sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi thậm chí tử vong. - Sau mắc sởi trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, đường hô hấp hơn. 2. Những trẻ nào có nguy cơ mắc sởi? - Trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng sởi, đặc biệt những trẻ có mẹ chưa từng tiêm phòng hoặc chưa mắc sởi. - Trẻ đã đủ tuổi nhưng chưa tiêm phòng sởi hoặc mới chỉ tiêm được 1 mũi - Trẻ đã tiêm 2 mũi nhưng đang mắc các bệnh mạn tính, những bệnh gây suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng … - Trẻ sống hoặc đi du lịch tới vùng có bệnh sởi đang lưu hành. 3. Sởi có biểu hiện thế nào? - Sốt, thường sốt cao - Mệt mỏi, chán ăn - Mắt đỏ, chảy nước mắt. - Hắt hơi, chảy mũi và ho - Ban đỏ dạng chấm nốt xuất hiện ở vùng tai, mặt sau đó lan ra thân mình. Khi xuất hiện ban thì trẻ vẫn còn sốt. Khi ban bay trẻ giảm sốt dần. - Đau họng, có các nốt trắng nhỏ 2 bên má - Một số các triệu chứng khác như đau đầu, nôn nhiều, co giật, li bì, đau ngực, khó thở… khi có biến chứng nặng xảy ra. 4. Bệnh sởi lây thế nào? - Bệnh lây trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. - Trẻ mắc sởi có thể lây từ trước khi phát ban 5 ngày tới sau khi xuất hiện ban 4 ngày. 5. Khi nào cần đi khám? - Khi có các dấu hiệu nghi ngờ sởi nên cho bé đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời cũng như hạn chế sởi lây lan sang người khác. Bs Đào Trường Giang * Bài viết được Mamibuy chia sẻ trên sự cho phép của tác giả. Bài viết cùng tác giả: 【Hỏi đáp Nhi khoa】- Ho, đau họng có được ăn kem hay đồ lạnh? Tại sao Tantrum của trẻ đi quá đà? Giáo sư Mỹ hướng dẫn bố mẹ cách xử lý để sự quá đà này chấm dứt và trẻ trở nên ngoan hơn! -------------------------------------------------------------------- Đôi điều về tác giả Bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang là một bác sĩ trẻ tuổi với cách nói chuyện vui vẻ hóm hỉnh cùng chuyên môn y khoa của mình, bác sĩ Giang đã đang trở thành một chỗ dựa tinh thần và chỗ dựa sức khỏe cho nhiều bố mẹ có con nhỏ ở Hà Nội, đồng thời đang không ngừng lan tỏa đầy năng lượng tích cực tới nhiều gia đình. Nguyên tắc làm việc của bác sĩ: 1. Việc chẩn đoán bệnh nên dựa nhiều vào hỏi bệnh, khám lâm sàng. Nên dành thời gian hỏi kỹ, giải thích và tư vấn kỹ để người bệnh tin tưởng. Có tin tưởng thì người bệnh mới lạc quan uống thuốc và khỏi bệnh. 2. Thuốc nói chung chẳng phải bổ béo gì mà kể cả có bổ béo thì vẫn có thể có tác dụng ngoài ý muốn. Đối với trẻ em nên hạn chế tối đa có thể vì còn để bụng ăn đồ ăn mà kê nhiều thuốc bố mẹ cho uống cũng rất khó khăn. 3. Kháng sinh nên cân nhắc kỹ trước khi kê, đáng dùng thì dùng, không cần dùng thì đừng dùng. Dù cho kê 1 đơn không kháng sinh sẽ căng đầu và mất thời gian giải thích nhiều hơn so với không kê. Hơn nữa sắp đến thời không có kháng sinh để dùng nữa rồi nên nếu chúng ta không chung tay đẩy lùi lạm dụng kháng sinh thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ lãnh hậu quả rất nặng nề. Câu nói "hết thuốc chữa" khi đó không còn là câu nói đùa. 4. Mình rất thích những bố mẹ thông thái, có thời gian quan tâm đến con, sẵn sàng lắng nghe mình giải thích, luôn tìm hiểu kỹ về thuốc và sẵn sàng trao đổi với mình. Điều này giúp mình theo dõi các bé tốt hơn, học hỏi được nhiều điều hơn và mắc ít sai lầm hơn. Mời các bạn theo dõi bác sĩ Giang qua liên kết sau: Facebook cá nhân