Hôm nay rảnh rỗi, mình có thời gian ngồi tính nhẩm xem 1 ngày trung bình khám được bao nhiêu ca, tỷ lệ các ca bệnh thế nào, vấn đề nào mình còn lăn tăn, vấn đề nào mình cần cải thiện để khám bệnh tốt hơn …vân vân … mây mây. Đang tính đến bệnh nhân sốt thì thoáng giật mình không phải vì bệnh nặng hay phức tạp mà bởi một cụm từ huyền thoại “sốt mọc răng”. Chắc hẳn nếu cứ 10 mẹ đưa con đến khám vì sốt thì sẽ có đến 8 mẹ hỏi mình rằng “liệu con em sốt có phải do mọc răng không”. Đã nhiều lần mình nói rằng “em nên quên cụm từ sốt mọc răng đi như thể quên người yêu cũ” và cũng đã có lần viết về vấn đề này nhưng có lẽ có nhiều người không có người yêu cũ nên cụm từ ấy vẫn lan tỏa sâu rộng. Thôi thì chúng ta một lần nữa cùng nhìn lại vấn đề này xem sao. Trẻ "sốt mọc răng". Ảnh: Internet Trước hết, cần phải nói SỐT là một phản ứng của cơ thể trước nhiều trạng thái khác nhau mà phổ biến nhất là nhiễm trùng (bao gồm virus và vi khuẩn). Bình thường, nhiệt độ cơ thể có thể dao động, thân nhiệt cao nhất của trẻ khỏe mạnh có thể lên tới 38oC. Bởi vậy, cần đo nhiệt độ cẩn thận trước khi kết luận là trẻ bị sốt. Trẻ được coi là sốt khi đo nhiệt độ ở miệng hoặc trực tràng ≥ 38oC (một số tài liệu còn lấy mốc 38.3). Bàn về mọc răng thì người hiểu rằng đó là thời điểm răng nhú ra khỏi lợi nhưng thực tế đây là một quá trình răng đi từ dưới lên, nhú ra khỏi lợi rồi tiếp tục đi lên cao. Từ 6 tháng đến 3 tuổi, răng sữa của trẻ sẽ lần lượt mọc theo thứ tự để được một hàm răng sữa hoàn chỉnh gồm 24 chiếc. Vậy nếu mọc răng gây sốt, ắt hẳn các bé sẽ sốt dài lắm. Vấn đề hiểu nhầm “SỐT MỌC RĂNG” này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có. Ở VN thì không có ai nghiên cứu nhưng trên thế giới thì có nhiều. Điển hỉnh là một phân tích tổng hợp (1) 1173 bài báo đến từ 8 quốc gia khác nhau bao gồm: Úc, Brazil, Colombia, Phần Lan, Ấn Độ, Israel, Senegal, và Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng tại thời điểm răng trẻ nhú ra khỏi lợi, thân nhiệt của trẻ có thể tăng nhẹ nhưng chỉ dưới 38oC. Nếu trẻ có thân nhiệt lớn hơn hoặc bằng 38oC thì chắc chắn rằng không phải do mọc răng mà do nguyên nhân khác (chủ yếu là nhiễm trùng mà đa phần là do virus). Như vậy với 1 trẻ có nhiệt độ cơ thể >38oC thì điều đầu tiên cần làm là phải tìm nguyên nhân gây sốt và quên từ “SỐT MỌC RĂNG” đi. Đưa trẻ đi khám kịp thời có thể tìm được nguyên nhân sốt sớm hơn, điều trị sớm hơn và sẽ tránh được những điều đáng tiếc. Mọi người thấy hay, hữu ích thì like, share không cần hỏi. Bs Đào Trường Giang Hà Nội 30.03.2019 Nguồn: (1) American Academy of Pediatrics * Bài viết được Mamibuy chia sẻ trên sự cho phép của tác giả. Bài viết cùng tác giả: 【Hỏi đáp Nhi khoa】- Ho, đau họng có được ăn kem hay đồ lạnh? Bệnh Sởi - Câu chuyện không của riêng ai! -------------------------------------------------------------------- Đôi điều về tác giả Bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang là một bác sĩ trẻ tuổi với cách nói chuyện vui vẻ hóm hỉnh cùng chuyên môn y khoa của mình, bác sĩ Giang đã đang trở thành một chỗ dựa tinh thần và chỗ dựa sức khỏe cho nhiều bố mẹ có con nhỏ ở Hà Nội, đồng thời đang không ngừng lan tỏa đầy năng lượng tích cực tới nhiều gia đình. Nguyên tắc làm việc của bác sĩ: 1. Việc chẩn đoán bệnh nên dựa nhiều vào hỏi bệnh, khám lâm sàng. Nên dành thời gian hỏi kỹ, giải thích và tư vấn kỹ để người bệnh tin tưởng. Có tin tưởng thì người bệnh mới lạc quan uống thuốc và khỏi bệnh. 2. Thuốc nói chung chẳng phải bổ béo gì mà kể cả có bổ béo thì vẫn có thể có tác dụng ngoài ý muốn. Đối với trẻ em nên hạn chế tối đa có thể vì còn để bụng ăn đồ ăn mà kê nhiều thuốc bố mẹ cho uống cũng rất khó khăn. 3. Kháng sinh nên cân nhắc kỹ trước khi kê, đáng dùng thì dùng, không cần dùng thì đừng dùng. Dù cho kê 1 đơn không kháng sinh sẽ căng đầu và mất thời gian giải thích nhiều hơn so với không kê. Hơn nữa sắp đến thời không có kháng sinh để dùng nữa rồi nên nếu chúng ta không chung tay đẩy lùi lạm dụng kháng sinh thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ lãnh hậu quả rất nặng nề. Câu nói "hết thuốc chữa" khi đó không còn là câu nói đùa. 4. Mình rất thích những bố mẹ thông thái, có thời gian quan tâm đến con, sẵn sàng lắng nghe mình giải thích, luôn tìm hiểu kỹ về thuốc và sẵn sàng trao đổi với mình. Điều này giúp mình theo dõi các bé tốt hơn, học hỏi được nhiều điều hơn và mắc ít sai lầm hơn. Mời các bạn theo dõi bác sĩ Giang qua liên kết sau: Facebook cá nhân