Bà nội giết cháu để trả thù con trai ruột. Mẹ trẻ vì phẫn uất trong lòng mà ôm con 1 tuổi nhảy sông tự vẫn, may mắn con lớn 5 tuổi chạy thoát. Chồng vì hận vợ mà đầu độc cả vợ và con... Ôi biết bao nhiêu những tin tức tràn ngập mạng xã hội khiến mỗi ngày mở mạng là lại chất chồng thêm những nỗi đau. Và tại sao lại là những đứa con? Tại sao người lớn khổ đau, giận hờn, ghen tuông, phẫn nộ thì kẻ chịu đựng lại là những đứa con? Phải hay không khi người lớn đã quá lạm quyền làm cha mẹ, lạm quyền là người nuôi nấng con trẻ, để tự cho phép những khổ đau của bản thân dồn xả lên chúng? Dựa vào đâu mà cướp đi quyền được sống của chúng? Ảnh minh họa Cha mẹ là người quyết định việc sinh, nhưng không có quyền quyết định việc mất đi của một sinh mạng. Từ khi ra đời, sinh mạng ấy nhận được sự thừa nhận của xã hội, nhận được sự bảo hộ của luật pháp và nhà nước, cũng nhận được trách nhiệm chăm nuôi dưỡng dục của cha mẹ cho tới tuổi thành niên. Cho nên, việc làm tổn thương những đứa con / cháu không chỉ là thất trách với bản thân, còn là vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật. Chưa kể đến đó sẽ là những nỗi đau quá nghiệt ngã mà chính người thân gây ra cho con trẻ, rồi sẽ chẳng còn gì có thể bù đắp nổi. Cha mẹ, ông bà, người thân có yêu những đứa trẻ của mình không? Có lẽ không cần nghi hoặc gì nhiều, chúng ta đều yêu chúng. Những bi kịch này xảy ra không phải bởi vì người lớn không yêu thương trẻ, mà vì người lớn không thoát ra được cảm giác khổ đau trong tâm can. Người lớn không thể chấp nhận nổi những đau khổ ấy, rồi những cảm xúc tiêu cực tràn ra, nuốt chửng lấy lý trí và cả trái tim họ. Ai mà chẳng có những đau khổ là của riêng, chỉ khác rằng những người vẫn sống hạnh phúc vui vẻ hàng ngày khi trong mình mang đau khổ là họ đã chấp nhận chúng, đồng thời không để chúng sinh ra những cảm xúc tiêu cực. Vậy “kẻ giết người” trong những trường hợp này là “cảm xúc tiêu cực”, bởi khi cảm xúc dâng lên, chúng ta thường có những hành vi đi kèm để giải tỏa cảm xúc đó tạm thời, trong những trường hợp trên là giết người, giết mình. Người lớn nên làm gì để tự giải tỏa được những mâu thuẫn và phẫn uất dồn nén trong lòng? Đồng thời khống chế những cảm xúc tiêu cực mà không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh hay con trẻ? Đối với những hành vi vi phạm nhân quyền Sự khổ đau hình thành khi nhân quyền và lợi ích của bản thân bị chà đạp hoặc đối xử bất công! Ở đây chúng ta nói về trường hợp mà người lớn gặp phải. Như thế nào là đang vi phạm nhân quyền? Có thể đôi khi chính người lớn cũng không nhận thức được gianh giới của nhân quyền nằm ở đâu, và như thế nào là đang vi phạm nó. Để liệt kê một số những vi phạm nhân quyền cơ bản mà chúng ta hay gặp phải, có thể kể đến như sau: Đánh, tát, bạo hành, chửi bới, lặng mạ, theo dõi, giam hãm tự do, uy hiếp, động chạm thân thể khi không được cho phép, có hành vi dụ dỗ, tấn công tình dục, quan hệ tình dục với trẻ dưới 16 tuổi. Đều là những hành vi thể hiện vi phạm nhân quyền. Khi xuất hiện những hành vi này, tức là bạn có quyền báo công an để nhận được sự bảo hộ của pháp luật và nhà nước. Trong câu chuyện của người mẹ ôm con 1 tuổi nhảy cầu tự vẫn, bức thư tuyệt mệnh để lại ghi rằng năm 4 tuổi chị bị hãm hại (lạm dụng tình dục), chị không quên được nỗi đau đó, chị không vượt qua được, nhưng chị đã không tìm đến pháp luật và xã hội để đòi lại nhân quyền đã bị tước đi của mình, chị chịu đựng và để sự đau đớn đó ăn mòn lý trí, dẫn đến những hành vi vi phạm nhân quyền của người khác, mà trực tiếp gánh chịu là chính đứa con chị thương yêu. Nếu như chị nhờ người thân và pháp luật giúp đỡ, nếu như chị lên tiếng cho nhân quyền của chính mình, phải chăng nỗi đau mà chị gánh chịu đã vơi đi một nửa, bi kịch có thể đã không xảy ra. Về những mâu thuẫn trong gia đình Chúng ta cứ hay truyền nhau câu “Càng yêu càng hận”, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chẳng có tình yêu đích thực nào mà lại dẫn đến hận thù cả. Chỉ có xung đột về lợi ích và quyền hạn mới dẫn đến hận thù. Chúng ta, rất nhiều người lớn, đang hiểu lầm tình yêu là cho đi, hy sinh nhưng luôn mưu cầu được đền đáp, chính mưu cầu được đền đáp đó là sự mong chờ người khác đem lại lợi ích / quyền hạn cho bản thân, và đây là một sai lầm, vì khi không được đáp ứng mưu cầu ấy, sẽ dễ dàng dẫn đến cảm xúc tiêu cực và hận thù. Ví dụ đơn giản: Khi bạn bỏ tiền 10 nghìn để mua một gói kẹo, nhưng phát hiện gói kẹo đó chất lượng không tốt hay bị thiếu số lượng như bạn biết, thì sẽ dẫn đến thất vọng, tức giận khi quyền lợi và sự mong đợi của bạn không như ý. Các mối quan hệ xã hội và gia đình cũng vậy, chỉ khó một điều rằng chúng ta khó đong đo định lượng của những gì đã cho đi và nhận lại bằng con số. Nên khi bản thân mơ hồ cảm thấy quyền lợi của mình đang bị xâm phạm hay không được đáp ứng đủ, cảm xúc tiêu cực bắt đầu có “hạt giống” để nảy mầm. Khổ nỗi, chúng ta thường không giải quyết mâu thuẫn và xung đột bằng lý trí, mà hay nhẫn nhịn để mâu thuẫn ngày một lớn hơn và tự bùng nổ bằng hành vi tiêu cực. Khi đó, chúng ta nhắm vào những gì yếu thế hơn để ra tay. Trong vụ người Bà giết cháu nội vì những mâu thuẫn với con trai, bà đã cho rằng những gì bà hy sinh đã không nhận lại được sự tôn trọng và trả ơn của con trai nên sinh ra hận thù chồng chất qua ngày qua tháng, dẫn đến ý định trả thù, và những gì bà có thể ra tay là đứa cháu nhỏ bé non dại. Nếu bà nói ra những quyền lợi của mình đang bị vi phạm, nếu bà tranh đấu cho bản thân với người gây ra vi phạm đó, thì có thể, thảm kịch bên bờ sông kia đã không có ngày diễn ra. Thông thường những “giọt nước làm tràn ly” trực tiếp gây nên thảm kịch là lời nói trong lúc cảm xúc tiêu cực đang dâng trào. Vậy, làm gì để điều tiết cảm xúc tiêu cực này? 1. Nhận thức những cảm xúc tiêu cực - Tim đập nhanh, căng cơ, thở gấp, hoặc thở nông, người nóng rực, môi khô. - Tinh thần mất tập trung, tức tối, muốn khóc, muốn đập phá, hoặc thấy sợ hãi. Sau khi nhận thấy những phản ứng trên của cơ thể, tức là cảm xúc tiêu cực đang tồn tại. Ngay lập tức chúng ta cần dừng lại suy nghĩ về cảm xúc của mình lúc này, dừng việc phán xét những gì người khác đang làm. 2. Hít thở sâu, đặt tay lên ngực và 1 tay lên bụng, hít vào và thở ra chậm lại. - Ghi ra giấy những cảm xúc đang diễn ra hay những phản ứng đang diễn ra để dễ dàng nhận biết hơn. hành động này cũng sẽ giúp tinh thần ổn định lại và bình tĩnh hơn. - Để cảm xúc tiêu cực diễn ra và qua đi một cách chính thức: Người lớn có thể khóc, có thể buồn hay tức giận, nhưng trong lúc này để tránh những hành vi tiêu cực bị sản sinh, chúng ta tìm ngay một nơi không có người khác, một nơi yên tĩnh và dễ chịu, dành thời gian lặng lẽ đẻ suy nghĩ về chúng. Khi những phản ứng của cơ thể và tinh thần lúc nãy đã biến mất, bạn có thể tập trung hơn để suy xét vấn đề và đưa ra hướng giải pháp để giải quyết xung đột. Theo GVCC Phạm Trí Dũng, các bước để giải quyết xung đột như sau: 1- Nhận thức xung đột: Thừa nhận những cãi vã, chửi bới, hằn học của bản thân với đối phương là xung đột về những quyền lợi nào đó. 2- Ra quyết định “đình chiến”: Dừng cãi vã, dừng tranh luận gay gắt, dừng lại hằn học. 3- Tìm gặp các bên liên quan: Trực tiếp đối thoại với các bên liên quan bằng giọng điệu vừa phải, lý trí và thể hiện sự thấu hiểu những vấn đề của cả đối phương và của bản thân. 4- Tìm nguyên nhân gốc rễ: Tìm ra mấu chốt nguyên nhân gây nên mất cân bằng quyền lợi hay vi phạm quyền lợi. 5- Lựa chọn giải pháp: Lên tiếng, đề xuất ra giải pháp không vi phạm tới quyền lợi của cả hai. 6- Thực hiện giải pháp. Kết luận Trong gia đình và xã hội thì việc nảy sinh những mâu thuẫn do xung đột lợi ích gây ra là chuyện thường gặp, nhưng giải quyết như thế nào những xung đột lợi ích đó không tạo ra các hành vi trả thù tiêu cực lại là chuyện hiếm được đề cập. Những mối quan hệ càng gần gũi như vợ chồng, cha mẹ và con cái, người thân luôn tồn tại các quan hệ lợi ích bên cạnh quan hệ tình cảm, đôi khi chũng ta cũng cần nhận diện được những mối quan hệ này và biết đâu là giới hạn về lợi ích của bản thân cũng như người bên cạnh. Những vi phạm về nhân quyền có thể được giải quyết bằng pháp luật như đề cập phía trên, thì hãy mạnh dạn lên tiếng để nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền, không nên nhẫn nhịn đề dồn nén cảm xúc tiêu cực hay chờ đợi trả thù, điều này là hại đối phương, cũng là hại chính mình. Đối với những xung đột về quan hệ và tình cảm, chúng ta hay đặt lợi ích của mình vào tình cảm để yêu cầu đối phương đáp ứng, nhưng nó dễ dẫn đến những thất vọng và bất mãn. Vì thế, cần xác định rõ đâu là lợi ích, quyền lợi của bản thân và đối phương, giữ quyền lợi đó ở điểm cân bằng mà hai bên đều có thể tiếp nhận. Nhận ra cảm xúc tiêu cực đang hiện diện, từ đó điều tiết và tiến hành giải quyết những xung đột bằng những đề xuất cụ thể, không gây hại cho đối phương, cho người khác hay cho bản thân. Mamibuy hy vọng những chia sẻ trên đây có thể phần nào giúp những người lớn chúng ta giải quyết được những mâu thuẫn đang tồn tại, cuộc sống đã quá nhiều đau khổ rồi, hãy bình tĩnh cũng nhau đối thoại để thù hận và khổ đau không sinh trưởng nhiều thêm. Mamibuy mãi thương yêu gia đình nhỏ của chúng ta! Mamibuy/RacyBui