Bé chậm mọc răng là lo lắng chung của rất nhiều bậc làm cha mẹ. Khi những bé cùng lứa khác đã có những chiếc răng sữa đầu tiên trong khi em bé của mẹ vẫn cười “móm mém”, nhiều mẹ thường lo lắng con bị thiếu canxi hoặc gặp vấn đề gì đó về sức khỏe. Vậy nguyên nhân nào khiến bé chậm mọc răng và điều này có gây nguy hiểm? 1. Khi nào thì bé chậm mọc răng? Thông thường, trẻ sẽ mọc chiếc răng sữa đầu tiên trong khoảng 6-8 tháng tuổi và hoàn thiện đủ 20 chiếc răng khi được 30-36 tháng tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trẻ mọc răng sớm hoặc muộn hơn khoảng vài tháng nhưng vẫn hoàn toàn bình thường. Điều này còn tùy thuộc vào từng trẻ. Do vậy, ngoài việc quan sát thời gian và tốc độ mọc răng của trẻ, mẹ nên chú ý thêm cả các dấu hiệu khác như: chiều cao, cân nặng, các dấu hiệu của chứng còi xương, thiếu canxi, các phản xạ về thần kinh, vận động… Nếu bé mọc răng muộn kèm theo một số vấn đề bất thường liên quan tới sức khỏe, cách tốt nhất là mẹ nên sớm đưa bé đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và can thiệp kịp thời. 2. Một số nguyên nhân gây chậm mọc răng Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng hơn bình thường, trong đó có các nguyên nhân phổ biến như: - Di truyền: Nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ cũng mọc răng chậm thì việc bé chậm mọc răng hơn các bạn cùng lứa cũng là điều dễ hiểu và việc này không có gì đáng lo ngại. - Bé sinh non: Bé sinh non hoặc thiếu tháng cũng là một trong những nguyên nhân rất thường gặp khiến con mọc răng chậm hơn so với bình thường. - Thiếu canxi: Canxi là một dưỡng chất quan trọng giúp hình thành nên những chiếc răng của trẻ. Do vậy, nếu con bị thiếu canxi, đây cũng là lý do vì sao bé mọc răng chậm. Mẹ nên lưu ý về việc bổ sung canxi ngay trong thai kỳ cũng như trong giai đoạn cho con bú. - Do tuyến giáp: Việc suy giảm hoạt động của tuyến giáp cũng có thể dẫn tới một số vấn đề về sức khỏe ở trẻ như: chậm mọc răng, chậm biết đi, béo phì, chậm biết nói. - Một số bệnh khác như hội chứng Down hay vấn đề ở tuyến yên cũng là một số bệnh có biểu hiện dễ nhận ra là mọc răng chậm. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, mẹ nên đưa bé đi kiểm tra thật kỹ trước khi lo lắng quá mức nhé! 3. Những điều mẹ nên làm khi bé chậm mọc răng - Bổ sung đầy đủ canxi cũng như các nhóm chất quan trọng cho mẹ trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Khi bé tập ăn dặm, mẹ cũng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp với bé. Theo tiêu chuẩn của WHO, tỷ lệ Canxi/Phốt pho thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên nằm trong khoảng 1-1.5. Nhu cầu canxi của trẻ sơ sinh và nhũ nhi cầu 0.4-0.6mg/ngày, trẻ từ 1-3 tuổi cần 0.7-1.4mg/ngày. Các thực phẩm giàu canxi và khoáng chất mẹ nên bổ sung cho bé là: thịt, tôm, cua cá, bơ, sữa chua, phô mai, các loại rau xanh, hoa quả… - Cho bé tắm nắng khoảng 15-30 phút mỗi ngày vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều. Đây là cách đơn giản để tăng khả năng hấp thụ vitamin D và canxi ở trẻ, đảm bảo cho sự phát triển xương và răng miệng. - Tham khảo ý kiến bác sĩ khi bổ sung canxi hoặc vitamin dưới dạng thuốc uống.