Có rất nhiều biện pháp tránh thai được các mẹ sữa tin tưởng áp dụng để tránh “vỡ kế hoạch” như dùng bao cao su, màng tránh thai, đặt vòng tránh thai, cấy que, uống thuốc tránh thai … Tuy nhiên, biện pháp nào cũng sẽ có những điểm lợi hại và bất cập khác nhau. 1. Bao cao su Bao cao su là biện pháp tránh thai có hiệu quả cao đến hơn 90% và là biện pháp duy nhất trong các biện pháp tránh thai ngăn chặn được các bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, điểm trừ không hề nhỏ của biện pháp này chính là cảm nhận của bố và mẹ khi sử dụng. Khi đang “cao trào”, việc phải dừng lại “mặc áo mưa” đôi khi có thể làm bố mẹ tụt hứng, giảm hưng phấn hay cảm thấy vướng víu. Do đó, để không ảnh hưởng đến chuyện yêu của mình, bố mẹ hãy tìm những sản phẩm bao cao su phù hợp với sở thích của mình nhé! Ngoài ra, nếu bố hay mẹ có cơ địa dị ứng với thành phần của bao cao su thì sẽ chắc chắn nên tìm một phương án khác để kế hoạch rồi! 2. Thuốc tránh thai Hiện nay, trên thị trường có 2 loại thuốc tránh thai: thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp. Thuốc tránh thai hàng ngày cũng có hai loại. Một là sự kết hợp của hormone progestin và estrogen nhân tạo và một loại chỉ chứa progestin. Với biện pháp này, để đạt được hiệu quả tối đa, các mẹ cần uống thuốc hàng ngày và vào một thời điểm nhất định. Chính vì thế không ít mẹ vẫn bị “vỡ kế hoạch” khi sở hữu “não cá vàng” quên giờ uống thuốc. Thuốc tránh thai khẩn cấp cũng có thành phần là progestin nhưng ở liều cao hơn rất nhiều, có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng, ngăn chặn việc làm tổ của trứng, biến đổi lớp nội mạc tử cung, ngăn ngừa việc thụ thai. Thuốc có được uống càng sớm trong vòng 72 giờ kể từ khi quan hệ thì hiệu quả tránh thai càng cao. Tuy nhiên, sử dụng thuốc tránh thai, mẹ có thể gặp các vấn đề như căng tức ngực, buồn nôn, tăng cân, chảy máu âm đạo bất thường, rong kinh … 3. Vòng tránh thai Vòng tránh thai là một trong những dụng cụ đã được sử dụng phổ biến cách đây nhiều năm nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Phương pháp này không ảnh hưởng đến chuyện chăn gối của chị em, cũng như không đau đớn khi sử dụng. Nhược điểm của biện pháp này là có thể gây viêm đường sinh dục, khó tháo ra khi muốn có “tập 2” nếu vòng không vừa vặn với cơ thể và dĩ nhiên biện pháp này cũng chẳng thể nào bảo vệ mẹ trước những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục được. 4. Que tránh thai Que cấy tránh thai là que nhựa nhỏ, chứa progestin được đặt vào vùng da dưới cánh tay của mẹ. Nếu như đặt vòng, mẹ phải đối mặt với nguy cơ viêm nhiễm cao thì cấy que khắc phục được nhược điểm này. Hiện tại, có 3 loại que cấy trên thị trường bao gồm: - Norplant : 6 que, có tác dụng trong 5-7 năm - Jadelle, Sinoplant : 2 que, có tác dụng trong 5 năm - Implanon : 1 que, có tác dụng trong 3 năm Nhược điểm của biện pháp này là nhiều chị em có hiện tượng rong kinh dài hoặc có hiện tượng vô kinh cho đến khi tháo que cấy ra khỏi cơ thể. 5. Màng ngăn tránh thai Màng ngăn tránh thai có thể được hình dung như một chiêc cốc nhỏ, đàn hồi, được đặt vào âm đạo để chặn các anh chàng tinh binh tiến vào tử cung. Màng tránh thai thường được dùng với chất diệt tinh trùng. Màng tránh thai được đặt vào trong âm đạo trước khi quan hệ khoảng 15 phút, màng sẽ tan ra và duy trì việc tránh thai trong khoảng 3 giờ. Điều này đồng nghĩa với việc chuyện « yêu » của bố mẹ hoàn toàn không bị ảnh hưởng, vướng víu như sử dụng bao cao su. Tuy nhiên, đây là biện pháp tránh thai có hiệu quả không cao bởi bản chất của phương pháp này là chất diệt tinh trùng, nếu quan hệ vào ngày trụng trứng, xác suất tránh thai sẽ rất thấp. Ngoài ra, biện pháp này cũng không phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục. Mỗi biện pháp kế hoạch đều có những điểm lợi hại và bất cập khác nhau. Các mẹ có thể tham khảo các thông tin bên trên và ý kiến bác sĩ chuyên gia để chọn biện pháp tránh thai phù hợp với mình nhất nhé !