Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Làm phụ huynh thời hiện đại - tưởng không khó mà khó không tưởng!

Thời đại 4.0, xã hội bùng nổ công nghệ mang lại rất nhiều tiện ích, giảm thiểu thời gian và công sức, thế nhưng lại mang đến vô vàn nỗi lo, và những "cái bẫy" mà ai cũng có thể mắc phải. Việc làm cha mẹ thời buổi hiện đại nhìn tưởng nhàn hạ, thế nhưng lại khó khăn và nhiều thử thách. Thế giới kỹ thu

Thời đại 4.0, xã hội bùng nổ công nghệ mang lại rất nhiều tiện ích, giảm thiểu thời gian và công sức, thế nhưng lại mang đến vô vàn nỗi lo, và những "cái bẫy" mà ai cũng có thể mắc phải. Việc làm cha mẹ thời buổi hiện đại nhìn tưởng nhàn hạ, thế nhưng lại khó khăn và nhiều thử thách. Thế giới kỹ thuật số giúp bố mẹ dễ dàng tiếp cận nhiều kiến thức hữu ích trong việc nuôi dạy con, nhưng lại vô tình tạo rào cản khiến trẻ em không thật sự hạnh phúc đủ đầy. Tại sao lại thế?   1. "Hạnh phúc" cũng là một cái bẫy "Chỉ số hạnh phúc" những năm gần đây là cụm từ được lăng xê rất nhiều, đặc biệt trong giáo dục. Đâu đâu cũng thấy các cha mẹ hăm hở tìm kiếm tài liệu nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, những trung tâm, trường lớp nổi tiếng khang trang hiện đại (với mức học phí dĩ nhiên không thấp). Thật ra hạnh phúc không phải là một cái đích, mà là nhận thức, một quá trình. Ví dụ như bạn cho con ăn vặt, đi trung tâm thương mại, chơi game, xem YouTube thật nhiều, bạn có chắc điều đó mang lại hạnh phúc, hay chỉ là những niềm vui nhất thời? Thứ hạnh phúc đích thức mà bạn có thể cho con là môi trường sống yêu thương, đồng hành và tôn trọng, và trang bị cho chúng những kỹ năng, nhận thức cần thiết để lớn lên an toàn, tử tế và hòa đồng với xã hội.   2. Phụ huynh "chạy đua vũ trang" trên mạng xã hội Từ sở thích chia sẻ hình ảnh các con, từ món con ăn, đến trường lớp, các thành tích, những chuyến du lịch... cùng với những dòng status tự hào. Các ông bố bà mẹ đã vô tình bước vào một cuộc cạnh tranh "xem ai nuôi con tốt hơn, xem con ai thông minh hơn." Mong muốn của bố mẹ khi nuôi dạy con là gì? Một đứa trẻ vui vẻ, sức khỏe và tâm lý lành mạnh? Nếu như vậy, hãy để con là chính con, con không cần phải xinh hơn, giỏi giang hơn những đứa trẻ khác trong nhóm bạn Facebook của bố mẹ. Và việc kỳ vọng nhiều vào con, rồi khoe thành tích của con trên mạng xã hội, chỉ là thú vui phù phiếm của bố mẹ chứ không góp phần tạo nên hạnh phúc của con, thậm chí có lúc có thể dẫn đến việc đặt lên con những gánh nặng vô hình.   3. Bố mẹ sẽ đảm bảo con không thể mắc lỗi "Con ăn đi!" "Con đi tắm đi!" "Con rửa tay đi!" "Con làm bài đi!". Một ngày của đứa trẻ sẽ liên tục có những lời dặn dò, hướng dẫn "tận tình" như thế từ bố mẹ. Nhiều bố mẹ không dám rời mắt khỏi con lấy vài phút, chỉ muốn kè kè bên cạnh để nhắc con uống từng cốc nước hay làm từng bài tập. "Nếu bố mẹ giám sát bảo ban, con sẽ không mắc lỗi, không sai lầm, không thất bại!". Có thể bố mẹ sẽ thấy yên tâm hơn khi nghĩ thế, thật là tốt khi đứa trẻ này luôn nghe lời mình, nhưng bố mẹ quên mất rằng, sai lầm và thất bại chính là cơ hội quý để con rút ra kinh nghiệm. Con ăn ít thì bữa sau bị đói sẽ biết để ăn nhiều hơn. Con quên vở bị cô giáo trách phạt thì lần sau mới nhớ sửa soạn đầy đủ hơn. Nếu không "thả" một chút cho con tự xoay sở, con sẽ chỉ là những cô cậu búp bê ngoan ngoãn, ăn sẵn, không có suy nghĩ độc lập, và sẽ chỉ không thất bại chừng nào bố mẹ còn ở cạnh bên thôi.   4. "Búa rìu" dư luận: Làm phụ huynh hiện đại, bạn có thể phải hứng những lời chỉ trích từ khắp nơi. "Sao lại để con bú bình? Sao lại cho con cầm máy tính bảng? Để con nghịch bẩn thế à? Khổ thân thằng bé/ con bé còi cọc thế kia..." Khi đứa trẻ khóc quấy giữa đêm, bố mẹ phải tìm cách cho con nín thật nhanh kẻo ông bà thắc mắc. Tại nhà hàng sợ con nghịch khiến người khác nhìn mình khó chịu, bố mẹ vội quẳng cho con cái điện thoại. Sợ con bị điểm kém, bố mẹ làm hộ luôn bài tập về nhà... Cách "chữa cháy" này lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc rèn luyện trẻ, và chịu hậu quả lâu dài lại chính là phụ huynh và những đứa trẻ.   5. "Ma trận" hàng hóa "Nếu muốn là bố mẹ tốt, nếu muốn con khỏe con ngoan, bố mẹ phải mua sản phẩm này..." là cách quảng cáo cực kỳ hữu hiệu đánh vào tâm lý phụ huynh. Thế là bố mẹ cứ chi tiền, con thì được xài hết cái này đến cái kia, được ít lâu thì chẳng thấy món gì ngon, chẳng đồ chơi nào hấp dẫn, cái gì cũng chỉ hay ho trong chốc lát thôi. Hóa ra những sản phẩm được tung hô là "không thể thiếu" cho bé, dùng được vài lần thì cũng thấy chẳng cần thiết, rồi lại cất xó hoặc thanh lý giá rẻ, để lấy tiền... mua món khác.   6. "Chẳng biết con mình đang nghĩ gì!" Một trong những khó khăn lớn nhất của việc làm phụ huynh thời hiện đại, là bố mẹ không thẻ kết nối với con. Lịch đi làm đi học kín mít, sinh hoạt phòng riêng, bữa cơm "có rau có thịt, có cả TV và điện thoại di động", và list công việc cá nhân dài bất tận... đã đẩy bố mẹ và con cái xa nhau hơn. Khi những cảm xúc tiêu cực hay mâu thuẫn giữa hai thế hệ, thay vì giải quyết tận gốc, chúng ta lẩn tránh và khỏa lấp bằng tiền tiêu vặt, game hay quà cáp... Dần dần sự đồng hành mất đi, mỗi người lại trở nên cô đơn hơn trong chính gia đình của mình. Trẻ tự kỷ, thanh thiếu niên phạm tội... cũng vì thế mà xuất hiện nhiều hơn.   Hy vọng bài viết đã giúp làm rõ một số vấn đề mà các bố mẹ đang gặp phải, để có thể hạn chế hoặc tìm cách khắc phục, để các gia đình hiện đại có cuộc sống vui vẻ gắn kết với nhau nhiều hơn, và những bạn nhỏ sẽ cảm nhận được sự ấm áp hạnh phúc bền vững mà bố mẹ đã tâm huyết xây dựng.