Khi có kế hoạch cho việc chuẩn bị mang thai, mẹ cần chú ý đến việc tiêm phòng đầy đủ. Các bệnh như sởi, thủy đâu, cúm, rubella, viêm gan B – những bệnh có thể gây dị tật cho thai nhi, hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm phòng. Việc đầu tiên để đảm bảo các mẹ tiêm đúng mũi tiêm phòng cần thiết, tiết kiệm về chi phí cho mẹ, mẹ hãy làm các xét nghiệm máu cần thiết. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ thông báo với mẹ, mẹ cần tiêm phòng thêm những mũi gì. Ví dụ, mẹ đã từng bị sởi, lượng kháng thể trong cơ thể mẹ cao, mẹ không nhất thiết phải tiêm thêm vaccine phòng sởi. Bên cạnh đó, khi bắt đầu tiêm phòng trước khi mang thai, mẹ nên lưu ý đến khoảng thời gian cần thiết để vaccine có tác dụng và không ảnh hưởng đến thai nhi. Dưới đây là khoảng thời gian nên tiêm của từng loại vaccine mẹ nhé! 1. Bệnh sởi Vaccine sởi cần được tiêm phòng trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng. Mẹ bầu bị mắc bệnh sởi trong thời gian mang thai là vô cùng nguy hiểm vì mẹ bầu có thể bị bội nhiễm do hệ miễn dịch suy giảm, dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm đường tiết niệu … Viêm phổi cản trở việc hô hấp của mẹ, dẫn đến mẹ và thai nhi bị thiếu oxy. Ngoài ra, sốt cao khi bị sởi cũng làm cho thai nhi bị ảnh hưởng trực tiếp khi thông thường buồng tử cung đã luôn có mức nhiệt cao hơn cơ thể mẹ từ 1-1,5 độ C. - 3 tháng đầu mẹ bị sởi, tỉ lệ sảy thai cao, thai nhi dị dạng, con sinh ra nhẹ cân, nguy cơ dị tật cao - 3 tháng giữa bị sởi, nguy cơ dị dạng thai tuy ít nhưng có thể gây sảy thai hoặc thai chết lưu - 3 tháng cuối bị sởi, nguy cơ dị dạng thai thấp nhưng khả năng thai chết lưu hoặc đẻ non cao 2. Bệnh Rubella Vaccine phòng Rubella nên tiêm trước khi mang thai 3 đến 6 tháng. Tuy không nguy hiểm như Sởi nhưng mắc Rubella trong 3 tháng đầu của thai kì có thể gây dị tật cho thai nhi hoặc nguy cơ sảy thai cao. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm trùng khi nhiễm bệnh của mẹ có thể lây sang bé thông qua đường máu. 3. Bệnh thủy đậu Vaccine thủy đậu cần được tiêm phòng trước khi mang thai tối thiểu 1 tháng. Mẹ bầu bị thủy đậu trong giai đoạn từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 20, thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao. Nếu mẹ bị bệnh trước hoặc sau sinh, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc thủy đậu sơ sinh. Bên cạnh đó, mẹ mắc thủy đậu trong thời kì mang thai cũng có liên quan đến bệnh herpes zoster bào thai. 4. Viêm gan B Vaccine viêm gan B tiêm 3 mũi đầu, mỗi mũi cách nhau 1 tháng, mũi thứ 4 tiêm nhắc lại sau 1 năm. Tuy nhiên, để an toàn, mẹ nên tránh mang thai 1 tháng sau khi tiêm xong 3 mũi đầu tiên. Nếu như sau khi tiêm mũi đầu tiên, mẹ đã mang thai, mẹ có thể tiêm các mũi kế tiếp trong thai kì. Tuy vậy, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, mẹ cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe trong thời gian mang thai. Khi mang thai, mẹ bị viêm gan B có nguy cơ tử vong cao khi sinh do mất các yếu tố đông máu và rơi vào tình trạng hôn mê do gan mất chức năng thải độc. Nếu mẹ mắc viêm gan B trong tam cá nguyệt thứ 3, xác suất virus viêm gan B lây từ mẹ sang con cao đến 80-90%. Khi đó, bé sẽ mắc viêm gan B mãn tính. Với những trẻ này, triệu chứng bệnh không thể hiện ngay sau khi sinh nhưng bé có nguy cơ cao bị ung thư sau này. Tuy nhiên, trong quá trình khám thai, mẹ biết được mình mang bệnh, cần lưu ý khi làm hồ sơ sinh để bé được điều trị bằng cách tiêm huyết thanh ngay từ khi mới chào đời. 5. Bệnh cúm Vaccine cúm chỉ có tác dụng trong 1 năm nên mẹ có thể tiêm vaccine này trước hoặc trong thai kì. Virus cúm không chỉ khiến thai nhi phải đối mặt với nguy cơ bị dị hình mà sốt cao cộng với độc tính của virus làm tăng kích thích co bóp tử cung, khiến mẹ dễ bị sảy thai hoặc sinh non. Cúm trong 3 tháng đầu của thai kì nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi hơn hai tam cá nguyệt sau khi mang thai. Trên đây là những bệnh nguy hiểm cho thai nhi có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm phòng. Chúc các mẹ có những chuẩn bị tốt nhất, kĩ càng nhất trước khi mang thai nhé!