Mẹ nào đẻ xong cũng có những nỗi sợ khác nhau, người thì sợ cơn đau chuyển dạ, người thì sợ rặn đẻ, người thì là khâu tầng sinh môn … Còn mẹ cháu, mẹ cháu sợ nhất là anh “apple” – táo! Ôi, thực sự, nhớ lại những ngày mang thai đã táo bón thai kì đến khi đẻ rồi vẫn táo thật sự là vô cùng kinh hoàng! Thời gian mang thai, dù đã uống rất nhiều nước nhưng mẹ Mika vẫn gặp phải tình trạng táo bón vì không hợp thuốc. Thời gian đầu, mẹ cháu uống vitamin tổng hợp Prenatal của Mỹ, bị táo bón, mẹ cháu chuyển sang dùng Elevit thì lại hợp thuốc và được một thời gian ổn định hơn. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như xét nghiệm của mẹ cháu không bị thiếu sắt. Kết quả là ngoài uống Elevit, mẹ cháu lại phải uống thêm sắt, ăn những thực phẩm có chứa nhiều sắt. Thế là tèn tén ten, chuỗi ngày táo bón lại bắt đầu. Mà lúc bầu bé, rặn thì sợ ra thai (mẹ cháu mang bầu bị động thai 2 lần ạ nên sợ lắm), bầu to mà rặn thì con nó lại tung chưởng đạp cho mấy nhát, thế là vừa đau bụng vì táo, lại thêm quằn quại vì con đạp các mẹ ạ. Mà mẹ cháu cũng chăm chỉ uống nước, ăn đủ các loại rau xanh, khoai lang nướng thì ngày ăn chơi cũng được đôi củ, hạt chia ngâm nước uống cả ngày, thậm chí đến sữa chua kefir mọi người bảo giải quyết vấn đề táo mẹ cháu cũng cố ăn dù lần nào cũng phải nhắm mắt nhắm mũi lại không thì “phun” ra sạch. Thế rồi, tự nhiên, một ngày đẹp trời, khi cách ngày dự sinh tầm 2 tháng, mẹ cháu lại đỡ việc táo bón. Mẹ cháu chắc mẩm tại trời thương cho chuỗi ngày đau khổ chấm dứt, hóa ra là do dạo đó mẹ cháu vận động nhiều hơn do tính chất công việc chạy sự kiện đến mùa cao điểm, cơ thể hoạt động, nhu động ruột tăng nên bớt tình trạng táo bón. Thế nên, mẹ nào bị táo nhớ công thức xử lý là uống nhiều nước này, ăn nhiều chất xơ này, bổ sung sữa chua này và đừng quên vận động trong thai kì nhé! Những tưởng câu chuyện táo bón của mẹ cháu kết thúc tại đó rồi nhưng hóa ra không phải. Nỗi đau thêm dài sau khi mẹ cháu sinh xong! Mẹ cháu trộm vía đẻ dễ nhưng do “hăng say” rặn đẻ nên trước khi bác sĩ rạch tầng sinh môn, mẹ cháu đã xong một đường rách và dĩ nhiên, đẻ xong phải khâu lại chỗ rách đó. Đẻ xong, bà nội Mika sợ con dâu mất sức, cứ pha sữa đặc nóng cho mẹ cháu uống. Ôi! Mẹ cháu cũng đọc thấy bảo uống sữa đặc nóng sữa nhanh về. Mika lại cứ khóc mãi vì mẹ chưa về sữa mà mẹ sống chết không cho ăn sữa ngoài để đảm bảo con được ăn sữa non. Thế là bao nhiêu cốc sữa đặc nóng, mẹ cháu “cân” bằng hết. Uống đến độ mà chỉ từ khi đẻ lúc 10 giờ đêm đến 12 giờ trưa hôm sau mẹ cháu đã hết một lon sữa Ông Thọ. Sữa thì chả thấy về nhiều là mấy mà cơn đau bụng thì bắt đầu xuất hiện. Đến khi từ viện về nhà, mẹ cháu đã 3 ngày không đi nặng. Cái thời điểm đó, nỗi đau còn kinh hoàng hơn táo bón khi mang thai. Vừa đau vết khâu tầng sinh môn, lại còn cộng hưởng thêm đau bụng táo bón. Đến lúc đấy, cả nhà bắt đầu “triệu hồi” các thể loại thức ăn chống táo như rau khoai lang, sữa chua, hạt chia nhưng đều không tác dụng. Cuối cùng, không chịu nổi được nữa, mẹ cháu cầu cứu bố đi mua thụt. Mà nào có phải thụt cái là “thoát nợ” đâu, vẫn đi trong nước mắt, tay thì vịn vào tay chồng vì đau quá, vật lên vật xuống mà rặn thì không dám rặn mạnh sợ nứt vết khâu. Thật sự, không biết với các mẹ như thế nào, em thấy đau “táo” còn hơn đau đẻ! Sau khi giải quyết được vấn đề tạm thời, mẹ Mika ngay lập tức phải nói chuyện với bà nội để điều chỉnh lại chế độ ăn. Sữa tươi không đường làm ấm được thay cho sữa đặc nóng. Mẹ cháu được cái nghiện sữa, xong cơ địa không dễ tăng cân thế là các loại sữa tươi nguyên kem mẹ cháu uống nhiệt tình, hôm nào hết không kịp mua nguyên kem thì uống tạm sữa TH không đường. Các loại cháo móng gió rồi móng hầm được thay thế bằng thịt, bằng tôm rang, lượng rau tăng lên gấp đôi so với những bữa trước. Đặc biệt, các loại rau như rau lang, rau mồng tơi ăn cực kì nhuận tràng các mẹ nhé! Nước mẹ cháu uống đến 4 lít một ngày bao gồm chè vằng, nước đỗ đen, nước gạo rang và sữa. Không cần phải chờ đến khi khát mới uống đâu ạ. Mẹ cháu thường cố định giờ uống sữa thôi, ví dụ như bữa phụ sáng là sữa tươi, chiều ngủ dậy là nước gạo rang, tối trước khi ngủ đêm lại sữa tươi tiếp. Chè vằng với nước đỗ đen thì bà nội Mika đun cho mỗi loại một ấm, cứ để sẵn đấy, giơ tay ra là lấy được cốc để uống. Mà cho con bú cũng nhanh khát đúng không các mẹ. Ngoài ra, mẹ Mika cũng cố gắng đứng lên đi lại nhiều. Không cần kiêng kĩ đến mức nằm bất động một chỗ sau sinh đâu các mẹ ạ. Mình có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà mà, vận động nhẹ nhàng giúp tuần hoàn máu trong cơ thể tốt hơn, các cơ quan vận động hài hòa, mọi việc bài tiết cũng hiệu quả hơn. Và cuối cùng, nhớ việc điều chỉnh lại chuyện ăn uống, vận động, mẹ cháu đã thực sự thoát “táo”. Kể chuyện này ra có khi các mẹ lại cười mẹ Mika là kể chuyện nhạy cảm. Nhưng thực sự, trải qua rồi mới thấy những chuyện như thế này, các mẹ gặp không ít. Mẹ cháu cũng viết ra để rút kinh nghiệm cho “tập sau” nên ăn uống, vận động ra sao để tránh xa anh táo không đáng yêu tí nào!