Hôm nay tôi dẫn con đến một khu vui chơi ở trong trung tâm mua sắm. Chắc vì trời mưa gió ai cũng có ý tưởng như tôi nên chỗ này đông kín người. Con tôi chỉ chơi quanh quẩn ở khu dành cho trẻ em dưới 4 tuổi. Khi chúng tôi định trượt cầu tụt, tôi chú ý có một cậu bé chừng 1 tuổi rưỡi đang hì hục trèo ngược lên cầu tụt. Vì cầu tụt dốc nên cậu bé cứ trèo là lại bị tụt xuống. Tôi thấy rất lạ là không thấy bố mẹ của cậu bé ở quanh. Tôi bế con lên tới đỉnh của cầu tụt thì thấy một người phụ nữ ngồi ở gần đấy mắt dán vào màn hình điện thoại. Cậu bé cố trèo chán không lên được thì bỏ đi sang khu khác. Lúc này người phụ nữ mới ngửng lên từ điện thoại và tụt xuống đuổi theo. Một lúc sau, chúng tôi vào nhà bóng, lại gặp hai mẹ con nhà kia. Cậu bé loay hoay nghịch bóng còn mẹ cậu bé vẫn cứ lúi húi vào màn hình điện thoại. Mặc dù khu vực dành cho trẻ em dưới 4 tuổi nhưng các anh chị 6, 7 tuổi vẫn chạy huỳnh huỵch vào. Thế nên lúc chơi tôi phải để ý con không bị các bé lớn hơn va vào. Khi chúng tôi đang chơi gần cậu bé kia, thì đột nhiên có một bé lớn hơn nhảy từ trên cao xuống. Tôi vội vàng lấy tay ra đỡ để chân của bé lớn không đạp vào mặt cậu bé này, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi cậu bé bị xô vào. Cậu bé vừa đau vừa giật mình bật khóc tức tưởi. Mẹ cậu bé vẫn còn bấm bấm điện thoại chưa ra ngay. Phải một, hai phút sau mới chạy ra. Nhưng chỉ được một lúc lại thấy bấm bấm điện thoại để mặc cậu bé chơi một mình. Tự dưng tôi thấy thật thương cậu bé. Cũng may mà hôm nay chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra. Nhưng mà với con nít, để cái gì nghiêm trọng xảy ra không phải là khó nếu bố mẹ trông không để ý. Đọc báo thấy nhan nhản chuyện về việc bố mẹ mải chơi điện thoại gây đến tử vong cho con cái. Nào là bé gái 2 tuổi bị xe cán chết vì mẹ mải chơi điện thoại, ông bố trẻ mải dùng điện thoại khiến con gái 3 tháng tuổi sặc sữa chết, con ngã từ tầng ba xuống đất trong lúc bố dùng điện thoại… Những tin tức thế này không còn là hiếm nữa. Đến bản thân tôi cũng từng có trải nghiệm đau thương. Ngay từ đầu tôi vốn cố tránh dùng điện thoại khi chơi với con. Nhưng cũng có hôm cả ngày chăm con mệt, cũng có lúc tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi một chút, lướt Facebook, kiểm tra tin nhắn, email. Một lần khi con khoảng 9 tháng tuổi, chừng nửa tiếng trước khi chồng về tôi để con ngồi chơi trên ghế thấp của con và đặt một cuốn sách trước mặt cho con đọc. Tôi cũng ngồi chơi với con chán rồi. Tôi quyết định với cái điện thoại trên bàn để kiểm tra tin nhắn email. Vừa quay người đứng lên cầm được cái điện thoại, tôi nghe thấy tiếng “bịch” rồi tiếng con khóc thét từ phía sau. Tôi hoảng hồn quay lại. Tim tôi như ngừng đập khi thấy con nằm úp trên sàn, trán đập vào kệ tủ sách ở bên cạnh. Lúc đấy tôi không thể tin nổi cái chuyện tôi đọc trên đài trên báo lại đang xảy ra với tôi. Trán con sưng vù lên, tím tái, chảy máu. Tôi hoảng loạn, toàn thân run rẩy, vội vàng gọi chồng, vừa bế con khóc ngất trong tay, vừa gào thét trong điện thoại. Chúng tôi vội vàng đưa con vào bệnh viện. May mà con không bị ảnh hưởng não hay bị gì nghiêm trọng, nhưng mà giờ vẫn còn để lại vết sẹo rất mờ, mà mỗi lần nhìn thấy lại như là một lời nhắc nhớ cho tôi. Nhưng kể cả có đảm bảo là con được an toàn nhất rồi, các ông bố bà mẹ cũng cần phải chú ý hạn chế sử dụng điện thoại khi ở bên con, vì nó có thể sẽ gây nên ảnh hưởng xấu nên tâm lý và phát triển tính cách của con về lâu về dài. Nghiên cứu chỉ ra rằng một đứa trẻ mà có được cha mẹ quan tâm tới các mong muốn, các nhu cầu, dành thời chất lượng với, thì sẽ tự tin hơn, tự lập hơn, nhạy cảm hơn, phát triển tốt hơn, học ngôn ngữ dễ dàng hơn, và học được cách cho và nhận yêu thương. Chính vì thế khi cha mẹ bận bịu với điện thoại mà bỏ quên con cái, cha mẹ không biết rằng mình đang tạo nên ảnh hưởng rất xấu tới sự phát triển của con. Kể cả đối với các bé nhỏ dưới 2 tuổi, các bé chưa biết nói, mọi người có thể nghĩ trông bé thì cứ để bé nằm đấy, ngồi đấy, quẳng cho chút đồ chơi, người lớn cứ làm việc của người lớn. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Thực ra giai đoạn từ 0 tới 2 tuổi đặc biệt quan trọng trong việc phát triển tính cách của trẻ em. Cha mẹ luôn muốn những thứ tốt nhất cho con cái của mình. Nhưng những cái con cần không chỉ có vật chất như đồ ăn ngon quần áo đẹp, mà quan trọng hơn cả đó là thời gian chất lượng với cha mẹ, có được sự quan tâm chú ý hoàn toàn từ cha mẹ. Vì vậy hãy bỏ điện thoại qua một bên và ngồi chơi với con. Đọc một cuốn sách thiếu nhi, hay cùng con chơi đồ hàng, hay đơn giản chỉ là ê a với con. Hãy nhớ rằng mỗi phút giây chất lượng bạn dành cho con, nó đều trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con. *** Bài viết được trích dẫn từ Fanpage vô cùng ngọt ngào: https://www.facebook.com/chuyencuangan/ Link tới wordpress blog https://ngansite.wordpress.com/