Nhiều mami theo trường phái ăn dặm bé tự chỉ huy BLW giãi bày khó khăn khi cho con ăn dặm theo phương pháp này là sự lo ngại con bị nghẹn. Một số mami còn cực đoan hơn cho rằng chính vì cách để bé ăn thô hoàn toàn và chủ động nên mới khiến bé bị nghẹn và thế là nghi ngờ tính khả thi của phương pháp BLW. Vậy liệu có phải ăn dặm bé tự chỉ huy làm con dễ nghẹn? Nếu thế các mẹ sao đối phó đây? Ăn dặm bé tự chỉ huy có làm con bị nghẹn? Khi nghiên cứu về phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW, có lẽ bà mẹ nào cũng băn khoăn về điều này để cân nhắc chọn cho con một phương pháp ăn khoa học và an toàn nhất. Tuy nhiên, liệu các mẹ đã phân biệt được sự khác nhau giữa Ọe và Nghẹn hay chưa? Ọe là động tác nôn nhằm đẩy thức ăn ra khỏi đường hô hấp nếu miếng thức ăn đó quá to, không thể nuốt được. Khi lỡ nuốt một miếng thức ăn quá to, bé sẽ lập tức có phản xạ oẹ đẩy chúng ra, đôi lúc cũng có thể nôn ra một chút (phần thức ăn còn trong cổ họng). Tuy nhiên việc này dường như không ảnh hưởng gì đến bữa ăn của bé, bé sẽ tiếp tục ăn như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Và chắc chắn một điều, tần suất oẹ của bé sẽ giảm đi rất nhiều lần sau mỗi bữa ăn. Vì vậy, hành động ọe là một phần không thể thiếu của quá trình bé học cách xử lý thức ăn một cách an toàn. Trong khi đó, Nghẹn là khi thức ăn đã đi quá sâu và chèn vào đường hô hấp của bé. Bé sẽ có các biểu hiện như im lặng, mặt tím tái, không thể ho, khóc hay nói gì vì lúc này đường thở đã bị dị vật bịt hoàn toàn. Đây là dấu hiệu rất nguy cấp và bé cần được sơ cứu ngay lập tức. Mẹ đối phó thế nào nếu thấy con bị ọe? Trong trường hợp khi bé còn khóc, họ và đang cố gắng ọe thức ăn ra ngoài đồng nghĩa với việc mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát của bé. Các phụ huynh nên hết sức bình tĩnh và quan sát để tự bé giải quyết. Các mami lưu ý, tuyệt đối không cho tay mình vào móc họng con hay cho con uống nước bởi vì như vậy sẽ khiến cho dị vậy bị đẩy vào sâu hơn trong đường thở của con. Bố mẹ có thể xem clip hướng dẫn sơ cứu khi bé bị nghẹn tại đây. Theo kết luận của một nghiên cứu tổng quan hệ thống lấy dữ liệu từ nhiều nghiên cứu khác nhau ở thư viện Cochrane và DARE (Database of Abstract of Reviews of Effects), EMBASE và MEDLINE trong giai đoạn từ 2010- 2018 (cập nhật đến ngày 1 tháng 5) đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện, khoa học và cập nhật về phương pháp BLW. Một nghiên cứu quan sát nhỏ phát hiện ra rằng, không có sự khác biệt về tỉ lệ bị sặc nghẹn giữa BLW và phương pháp đút muỗng truyền thống. Trong quan sát này, người ta thấy ở 199 trẻ ăn theo phương pháp BLW, 30 % số trẻ có ít nhất 1 đợt ‘’nghẹn’’, tỉ lệ này có vẻ cao nhưng chưa loại trừ khả năng phụ huynh không phân biệt được sặc nghẹn thực sự (choking) với chứng ọe (gagging). Việc theo dõi và phân biệt được hiện tượng hóc và nghẹn ở các con sẽ giúp các mami biết cách hỗ trợ cho các con trong quá trình ăn dặm BLW Kết quả tương tự cũng được phát hiện bởi nghiên cứu quan sát 1151 trẻ em thực hiện bởi Brown et al. Nghiên cứu cho thấy có ít nhất 1 đợt nghẹn (choking) xảy ra ở 11.9 % trẻ ăn BLW với thức ăn cứng, 15,5 % với trẻ ăn BLW với thức ăn lỏng và 11.6 % đối với trẻ ăn đút truyền thống. Sự khác biệt giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, không có sự khác biệt về xác suất sặc nghẹn giữa 2 nhóm trẻ ăn BLW và ăn dặm truyền thống. Theo chia sẻ của blogger Tee bros – một trang cá nhân chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc con cái của mẹ Tee, hiện tượng ọe sẽ giảm dần khi con đã quen với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW: “Những ngày đầu khi bạn Tee bắt đầu ăn dặm, mặc dù đã nghiên cứu khá kĩ sách vở, cũng đã truyền kiến thức cho cả gia đình, thậm chí bố mẹ Tee cũng đã ngồi tập thực hành những kĩ năng sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp nhưng dĩ nhiên ruột gan mình vẫn lộn tùng phèo khi nhìn thấy con lần đầu tiên bị oẹ. Mình vẫn nhớ đó là một miếng kiwi bạn í cắn quá khổ. Sự việc chỉ xảy ra trong khoảng 2 giây thôi nhưng cũng đủ cho một dòng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Mình lấy hết can đảm và bình tĩnh chờ con tự xoay xở và bạn í đã nhanh chóng đẩy được miếng kiwi ra ngoài. Sau đó lại nhặt lên cho vào miệng ăn tiếp và lần này chắc chắn đã biết nhai nhỏ ra hơn. Càng về sau, số lần oẹ càng giảm đi vì trình độ ăn thô của con tiến bộ lên và con đã hiểu được phải nhai nhỏ như thế nào để mình không còn bị oẹ. Trong hơn 06 tháng ăn dặm, số lần bạn ý bị ọe chỉ đếm trên đầu ngón tay.” Bên cạnh đó, với những em bé ăn dặm theo phương pháp BLW, việc đầu tiên bé làm khi đưa thức ăn vào miệng chính là nhai. Nên khác với những bé ăn đồ xay nhuyễn, khi lỡ cho vào miệng những thứ nguy hiểm như đồ chơi, các loại hạt cứng, phản xạ đầu tiên của bé là nhai. Nếu không nhai được bé sẽ nhè ra chứ không nuốt ngay như những bé quen đồ xay nhuyễn. Vì vậy, khả năng xảy ra tình huống hóc nghẹn được hạn chế hơn rất nhiều lần. Vậy nên các Mami nhớ nhé, đối với ăn dặm bé tự chỉ huy BLW, chỉ cần bé tự đưa thức ăn phù hợp với giai đoạn lứa tuổi vào miệng và bé được ngồi ăn trong tư thế thẳng đầu, thẳng lưng thì các nguy cơ hóc nghẹn sẽ không bao giờ xảy ra đâu ạ!