Thay vì nghĩ rằng lứa tuổi 0 – 3 tháng tuổi con còn quá bé để chơi các trò chơi nên bố mẹ sao nhãng, ngược lại giai đoạn này khả năng khả năng tiếp thu và vận động các giác quan của bé rất tốt. Chính vì vậy, những trò chơi như luyện cách quan sát, tương tác với âm thanh…sẽ rất có ích cho việc kích thích sự phát triển giác quan của bé. Vì sao mẹ nên quan tâm đến việc chơi của con từ 0 – 3 tháng tuổi? Từ lúc lọt lòng, mọi em bé luôn không ngừng học hỏi mọi sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Về vận động, bé đã có thể lẫy, khi được bế thì cuộn tròn lại như một chú mèo con. Về trí tuệ, bé đã có phản ứng với độ sáng tối, với sự khác biệt nóng - lạnh, bé nghe thấy âm thanh, biết nhìn chăm chú một sự vật… Về ngôn ngữ, bé sẽ khóc theo từng hoàn cảnh hay phát ra những âm thanh ê a. Khi được người lớn ôm ấp, trò chuyện, bé sẽ tỏ ra chăm chú hoặc lắng nghe mà không phát ra âm thanh gì. Về tình cảm, nếu không hài lòng hoặc thoải mái, bé sẽ khóc nhưng không có nước mắt và khi được đáp ứng bé sẽ tỏ ra hài lòng. Ngoài ra, giai đoạn này bé thường sẽ ngủ khoảng 20 tiếng/ ngày. Chính vì thế, các mẹ có thể thông qua các trò chơi giúp bé vận động các giác quan, cơ bắp cho bé mau cứng cáp để chuẩn bị cho những gia đoạn phát triển thể chất và tinh thần tiếp theo. Dưới 3 tháng tuổi con không cần những trò chơi cao siêu Ngoài việc cho con bú, ngủ, vệ sinh đúng cách, mẹ cũng nên dành thời gian để chơi với bé mỗi ngày. Tất cả những hoạt động bình thường như nói chuyện, nhìn con đều là trò chơi với trẻ sơ sinh, vì trong con mắt non tơ của một em bé mới chào đời, điều gì cũng thật mới mẻ và kỳ thú. Các Mami không cần những trò chơi cao siêu gì mà chỉ cần thường xuyên cùng con chơi những hoạt động sau để rèn luyện cho con nhé: 1, Trò chơi quan sát đồ vật Đối với trẻ sơ sinh, trò chơi này giúp các con cảm nhận được những điều mới, làm con cố gắng vươn đầu hoặc chuyển động đầu để nhìn từ đó làm cho vùng cổ của con được tập luyện, dần dần sẽ giữ được trọng lượng của phần đầu. Vật dụng để chơi: các đồ chơi nhỏ có màu sắc sặc sỡ, hình dáng rõ ràng như sách vải, gương… Cách chơi: Mẹ cho bé nằm ngửa trên giường, thảm rồi đưa đồ chơi đến tầm mắt của bé. Mỗi ngày, mẹ có thể chơi với bé từ 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 15 – 20 giây để bé làm quen với đồ vật. Lời khuyên cho bố mẹ: Bố mẹ nên thay đổi đồ chơi, màu sắc từng lần vì bé nhìn hình mới sẽ lâu hơn hình cũ Khi bố mẹ cầm đồ chơi lắc qua lắc lại thì nên lắc nhịp nhàng, hướng dẫn tầm nhìn của mẹ dịch chuyển từ từ, tạo sự chú ý cho trẻ một cách từ từ. Khi bé quen dần với trò chơi, bố mẹ đưa đồ chơi từ từ từ trái sang phải và ngược lại để bồi đắp khả năng theo dõi thị giác của bé Bố mẹ có thể đứng bế bé, dùng tay đỡ đầu bé, giúp bé quan sát đồ treo tường hay nhìn ngắm các bức tranh. 2, Trò chơi vận động tay Khi bé được nửa tháng tuổi, mẹ có thể cho bé chơi trò vận động này để giúp bé luyện tập tay, nắm, duỗi, khép ngón tay và sử dụng cùng lúc 2 tay. Khi chơi trẻ sẽ cùng lúc kết hợp cả tay và mắt. Vật dụng để chơi: khăn, vải mềm, áo, chăn nhỏ. Cách chơi: Mẹ vuốt ve tay bé khi bé vươn tay ra, đặt ngón tay mẹ vào lòng bàn tay con giúp con tập cách nắm lấy ngón tay mẹ. Khi bé được 2 tháng tuổi trở lên, mẹ cho bé cầm thử khăn, vải mềm, các đồ vật chất liệu khác nhau để con tăng cường xúc giác. Khi bé lên 3 tháng, bé sẽ hay nhìn bàn tay mình, tự nắm gấu áo, khăn cổ hay chăn đắp mà bé tiếp xúc. Lời khuyên cho bố mẹ: Cha mẹ nên chọn lựa đồ vật nhẹ, mềm mại hoặc trơn tru, không gồ gề hay có cạnh. Khi bé cầm nắm, không nên kéo dài quá lâu, tối đa là 5 phút. Khi bé luyện tập phản xạ tay cũng đồng thời phát triển trí tuệ. Vì vậy, mẹ có thể kết hợp vừa vỗ tay, vừa hát cho bé nghe và xem. Điều đó cũng giúp trẻ cảm nhận được phần nào tiết tấu âm nhạc. 3, Trò chơi lắng nghe âm thanh, tiếng động Mẹ giúp bé làm quen với âm thanh từ đó bé có khả năng ghi nhớ thính giác, xây dựng liên kết ngôn ngữ và bồi dưỡng khả năng trí tuệ không gian thính giác, thúc đẩy phát triển kĩ năng ngôn ngữ cho bé. Trò chơi này mẹ có thể luyện cùng con ngay từ khi con mới sinh. Vật dụng để chơi: các đồ chơi phát ra âm thanh như hộp nhạc hay xúc xắc… Cách chơi: Khi bé vui vẻ, mẹ bế con hoặc để con nằm thoải mái trong nôi, trên giường. Sau đó, mẹ dùng xúc xắc hoặc hộp nhạc để con chú ý đến âm thanh phát ra. Lời khuyên cho bố mẹ: Âm thanh cần đa dạng, ít nhất có 2 loại tiếng động khác nhau. Mẹ nên chọn âm thanh nhẹ nhàng, du dương, nhạc không lời rồi sau đó thay bằng nhạc âm cao hơn hoặc trầm hơn nhưng vẫn dịu dàng, toát ra tình yêu thương. Khi con nghe nhac, bố mẹ có thể đặt hộp nhạc cạnh tay con để rèn luyện khả năng cầm nắm cho con. Khi mới chơi con sẽ không biết cách sử dụng tay để cầm nắm khi đó bố mẹ có thể hướng dẫn cho con.