"Giáo dục sớm" là khái niệm đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm và tìm hiểu trong những năm gần đây. Rất nhiều trường lớp trung tâm giới thiệu giáo dục sớm như một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công sau này của trẻ. Vậy giáo dục sớm là gì? Làm cách nào mà thai nhi hay trẻ sơ sinh lại có thể "học" được? Có những phương pháp giáo dục sớm nào được công nhận? Mamibuy sẽ giúp bạn tìm câu trả lời nhé. Giáo dục sớm là gì? Là cả quá trình "dạy dỗ" một em bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho tới 6 tuổi, nhằm phát huy những tiềm năng tốt đẹp, bồi dưỡng tố chất để xây dựng tính cách, làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng các môi trường trí tuệ, thẩm mỹ, vận động... phù hợp cho từng lứa tuổi của trẻ. Trẻ được giáo dục sớm sẽ phát triển cả phẩm chất trí tuệ lẫn phi trí tuệ (nhân cách, ý chí, thói quen sinh hoạt...) Cơ sở lý luận của giáo dục sớm là: khả năng phát triển của não trẻ em từ khi là thai nhi cho đến 6 tuổi là vô tận, và phát triển đến đâu thì ta dạy dỗ, bồi đắp đến đấy, cho phù hợp với khả năng nhận thức của bé. Chứ không phải đến lúc bé đi đứng nói năng thành thạo rồi mới bắt đầu "sự nghiệp học hành" Nội dung giáo dục sớm gồm: - Vận động khám phá để có cơ thể khỏe mạnh - Rèn luyện các thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày - Khơi gợi đam mê trí tuệ - Phát triển kỹ năng nghe và nói - Biết yêu những điều tốt đẹp trong cuộc sống Nguyên tắc của giáo dục sớm - Giúp trẻ trải nghiệm tối đa trong phạm vi tâm sinh lý, để có cảm nhận phong phú và đầy đủ về cuộc sống - Kích thích đam mê và sự ham học hỏi khám phá, chứ không phân môn, không phân khó dễ, không yêu cầu trẻ phải hiểu hay lý giải ngay từ đầu. - Giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực để giúp trẻ cảm nhận về văn hóa nghệ thuật và tri thức. Tránh những văn hóa phẩm thứ cấp, phi khoa học... - Tập trung sáng tạo trò chơi và đồ chơi giúp trẻ hứng thú, trải nghiệm chân thực - Đối tượng học tập từ gần tới xa, từ thân quen đến xa lạ. Các phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng Khi muốn lựa chọn một trường lớp hay trung tâm giáo dục sớm, bố mẹ cần tìm hiểu xem ở đó đang áp dụng phương pháp nào, đặc trưng của từng phương pháp là gì, để bố mẹ có thể hiểu con được học gì, và phối hợp với các thầy cô giáo cùng dạy dỗ con. Hiện nay có các phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng sau: 1. Montessori: để dạy con, phải học cách con học: Phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng nhất hiện nay được phát triển dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của nhà giáo dục Ý Maria Montessori. Phương châm "Coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, người lớn phải học để có thể dạy được trẻ." Thông thường người lớn sẽ cố nhào nặn cho con trẻ trưởng thành theo mong muốn hay định hướng của mình, nhưng Montessori không bao giờ gượng ép, mà giúp trẻ trải nghiệm và cảm nhận một cách thoải mái. Trẻ sẽ chủ động chọn thứ để học và theo đuổi hứng thú của mình cho đến khi chúng tự muốn đổi qua một hoạt động khác. Qua đó trẻ tự lập, tự khám phá, tự sửa sai. Người lón không can thiệp quá nhiều, không áp đặt tư tưởng, quan niệm, cách nhìn của mình với bé. Đầu tiên là tiếp nhận kiến thức bằng bản năng, dần dần trẻ sẽ nắm bắt thông tin một cách có ý thức. 2. Glenn Doman - nhà là trường, cha mẹ là thầy cô Đây là chương trình mà bố mẹ sẽ trực tiếp dìu dắt các con tại nhà. Bố mẹ và con cùng vận động, bố mẹ dạy con ngôn ngữ, lương - số, và thế giới xung quanh. Bé học cũng như là chơi, bé yêu bố mẹ hơn khi được học, và càng học thì càng hứng thú. Nếu áp dụng Glenn Doman đúng cách, bố mẹ sẽ giúp bé phát triển thể chất, trí thông minh, trí tuệ xúc cảm và năng lực vượt qua nghịch cảnh. Phương pháp này cũng có một số nguyên tắc mà bố mẹ cần hiểu rõ để áp dụng đúng như: bắt đầu càng sớm càng tốt, khơi gợi đam mê, ngăn cấm trách mắng, biến khó thành dễ, không cần giáo trình, thứ tự... 3. Reggio Emilia - tò mò là chìa khóa Reggio Emilia là tên một thành phố ở Ý - nơi bắt nguồn cho phương pháp giáo dục này. Ở đây việc học của trẻ sẽ phải là một tổ hợp thống nhất giữa cha mẹ - con - giáo viên. Cha mẹ vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng không kém gì giáo viên. Phương pháp Reggio Emilia tin rằng mỗi đứa trẻ đểu chứa đựng một tiềm năng lớn, và sẽ phát triển nhờ trí tò mò. Chính trẻ sẽ tìm ra lời giải cho các câu hỏi của mình bằng cách quan sát, tìm hiểu xung quanh. Bố mẹ và giáo viên chỉ hướng dẫn và tạo cơ hội cho trẻ. Phương pháp giáo dục này nhân văn, gần gũi, nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục cộng đồng và việc tự tìm hiểu khám phá. 4. STEAM - phát triển toàn diện STEAM khởi nguồn từ nước Mỹ, là từ viết tắt bao gồm STEM (Sience - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Mathematics - toán học) cộng với ART (nghệ thuật). STEAM sử dụng mọi thành phần được viết tắt này để giảng dạy và hướng dẫn cho học sinh. STEAM bỏ qua tiêu chuẩn điểm số truyền thống sang một phương pháp giáo dục hiện đại và lý tưởng, trong đó quá trình học tập và kết quả học tập đều được xem trọng như nhau. Đặc biệt STEAM đánh giá cao tầm quan trọng của Nghệ thuật trong việc thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Sẽ rất khó để các phụ huynh có thể hiểu thấu đáo về ưu nhược điểm của từng phương pháp giáo dục sớm trong khuôn khổ bài viết này. Nhưng hy vọng trên đây cũng là những thông tin tham khảo hữu ích cho các cha mẹ khi bắt đầu suy nghĩ lựa chọn hoặc muốn tự áp dụng cho con mình. Sự nghiệp nuôi dạy con đã khởi động ngay từ khi con làm tổ trong bụng mẹ, và sẽ là cả một quá trình dài đầy vất vả nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Các bố mẹ đừng nôn nóng, đừng đặt tham vọng cao, mà hãy trau dồi kiến thức, nghiên cứu và áp dụng những phương pháp hợp với mình và con, và bắt đầu "giáo dục sớm" từ những điều đơn giản nhất, để giúp các bé lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.