Thời gian mang thai sắp kết thúc, mẹ đã đến gần hơn với ngày chào đón bé. Hồ sơ sinh là một trong những thủ tục cần làm trước khi sinh để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Mẹ hãy nắm rõ các bước làm hồ sơ sinh nhé! 1. Tại sao nên làm hồ sơ trước khi sinh Thông thường, các bệnh viện cho phép sản phụ được làm hồ sơ sinh từ tuần 32 của thai kì, tuy nhiên, thời gian hợp lý nhất để làm hồ sơ sinh là vào khoảng tuần 36. Nếu quá 4 tuần kể từ ngày làm các xét nghiệm, khi sinh mẹ sẽ cần làm lại xét nghiệm. Việc có hồ sơ sinh đảm bảo bạn được hỗ trợ tốt nhất khi đi đẻ. Nếu mẹ chưa từng thăm khám thai, chưa có hồ sơ sinh, bệnh viện có quyền từ chối nhận bệnh nhân và chuyển viện vì không có thông tin về việc theo dõi thai kì của sản phụ, từ đó không đảm bảo được an toàn cho ca sinh. Trường hợp khác, nếu ca sinh của mẹ chưa đến mức khẩn cấp, khi đang đau đớn vì chuyển dạ, mẹ vẫn sẽ phải làm các xét nghiệm cần thiết. Trong cơn đau mà phải đi từ phòng nọ sang phòng kia làm xét nghiệm thì không dễ chịu chút nào phải không các mẹ. Làm hồ sơ sinh sớm, mẹ đi đẻ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều đấy! Đặc biệt, các xét nghiệm trước khi sinh khoảng 1 tháng giúp bác sĩ nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi để chuẩn bị tốt cho sinh nở. Ví dụ: vị trí thai không phù hợp cho sinh thường, cần sinh mổ, mẹ có vấn đề về đông máu, cần xử lý khi sinh … 2. Hồ sơ sinh gồm những gì? Khi đăng kí hồ sơ sinh, sản phụ cần tiến hành các thủ tục giấy tờ về thông tin cá nhân của sản phụ và thực hiện một số xét nghiệm dưới đây: - Xét nghiệm và phân tích máu tổng thể: xác định nhóm máu, huyết học đông máu, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu - Xét nghiệm vi sinh miễn dịch: HIV, viêm gan B, giang mai … - Xét nghiệm vi sinh vi khuẩn: tầm soát nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B - Xét nghiệm hóa sinh nước tiể - Xét nghiệm dung nạp glucose: kiểm tra tiểu đường thai kì - Non – stress test: đếm cử động và nghe nhịp tim thai để đánh giá tình trạng thai nhi - Siêu âm thai - Chọc ối, sàng lọc trước sinh nếu các xét nghiệm Double Test, Triple test có nguy cơ cao Về mặt giấy tờ thủ tục, mẹ cần chuẩn bị - Chứng minh thư nhân dân - Sổ hộ khẩu - Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện (nếu mẹ sinh trái tuyến) Các loại giấy tờ này, gia đình nên photo sẵn 2 đến 3 bản, để riêng trong một tập file và giữ cẩn thận khi đi sinh. 4. Kinh nghiệm làm hồ sơ sinh - Mỗi bệnh viện sẽ cho phép làm hồ sơ sinh ở thời gian khác nhau và thủ tục có thể có sự khác biệt một chút. Mẹ có thể tham gia vào các nhóm để hỏi kinh nghiệm từ các mẹ đi trước. - Nếu mẹ khám ở phòng khám tư, mẹ cần tìm hiểu xem những giấy tờ khám thai có được chấp nhận tại bệnh viện không. Nếu không, mẹ cần thực hiện các xét nghiệm tại bệnh viện theo hướng dẫn của bác sĩ. - Khi làm hồ sơ sinh, mẹ nên đi cùng người nhà để hỗ trợ khi lấy số khám hay nộp lệ phí - Không ăn sáng trước khi xét nghiệm máu - Có một mẹo nhỏ cho các mẹ để tránh tình trạng xếp hàng xét nghiệm nước tiểu, mẹ có thể lấy nước tiểu sẵn ở nhà đựng trong lọ nhỏ sạch, khi đến viện, mẹ chỉ cần chuyển nước tiểu sang ống nghiệm xét nghiệm là được - Chi phí cho việc làm hồ sơ sinh thông thường mất khoảng 1 đến 2 triệu cho các xét nghiệm cần thiết. Việc làm hồ sơ sinh không quá phức tạp nhưng cũng sẽ tốn một khoảng thời gian buổi sáng, mẹ bầu nên sắp xếp công việc hợp lý để đảm bảo cho quá trình làm hồ sơ sinh của mình không bị cập rập nhé!