1. Tôi mới đọc một bài viết của một bạn nói rằng điều may mắn nhất của bạn ấy đó là đã không sinh ra con gái. Bạn ấy đi vào liệt kê một loạt các cái khổ của con gái trong xã hội hiện nay, ví dụ như khi bé thì phải đối mặt với yêu râu xanh, khi lớn phải lo hết các chuyện nhà chồng, chuyện chăm con. Rồi so sánh cách xã hội nhìn nhận con trai con gái. Ví dụ con trai lười chảy thây được coi như chuyện đương nhiên, con gái trót ngủ quên bị gọi là đồ ăn hại; hay là con trai tuỳ ý đập phá đồ đạc được gọi là nam tính cáu giận, con gái lỡ nói lại một câu là vô giáo dục...vv và vv. Bạn ấy kết lại là con gái luôn làm bố mẹ lo lắng đau đầu nên cảm thấy may mắn vì có hai cậu con trai và hứa sẽ dạy hai cậu nâng niu người con gái của mình. Có lẽ bạn ấy chỉ muốn dùng bài viết để phản ánh thực trạng xã hội trọng nam khinh nữ ở Việt Nam. Có lẽ cái bạn viết về thực trạng xã hội là không sai. Có thể bạn có lý do gì khác riêng khiến bạn có những bài viết này. Nên trong bài này tôi không muốn nói gì về trường hợp cá nhân cụ thể của bạn ấy. Tôi chỉ muốn nêu lên quan điểm của mình về lý lẽ và kết luận của bài viết. Theo tôi thấy thì nếu chỉ dựa vào những lý do và lời lẽ trong bài viết để có kết luận rằng điều may mắn nhất là đã không đẻ con gái thì khá là thiếu sót và đáng buồn. 2. Thiếu sót vì nó không nhìn vào mặt tốt của việc sinh con gái. Ví dụ như là con gái thường chu đáo, tỉ mỉ hơn, chăm sóc bố mẹ khi đau ốm bệnh tật tốt hơn. Con gái cũng tình cảm hơn, tâm sự gần gũi với bố mẹ nhiều hơn. Không có con gái thì ai sẽ đi mua sắm cùng mẹ, ai sẽ nhổ tóc bạc cho cha. Và đơn giảm là không có con gái thì ai sẽ đẻ ra những cậu con trai... Bài viết cũng lờ đi những nỗi lo và cái khó khi có con trai. Con trai hiếu động nghịch ngợm hơn nên sẽ có ít phút giây nào được yên tĩnh. Có con trai thì từ bé đã phải lo để sao nó học hành tử tế không bị rủ rê sa ngã, nghiện điện tử, nghiện cờ bạc, nghiện hút... Nếu so sánh áp lực của xã hội lên con trai và con gái, con trai cũng bị áp lực không kém, chẳng qua là ở một khía cạnh khác. Nếu con gái phải lo làm vừa ý chồng và nhà chồng, thì con trai phải lo thành danh lập nghiệp. Xã hội vẫn mặc định phải thành công, phải có sự nghiệp, phải kiếm được tiền thì mới là đàn ông. Đàn ông càng trưởng thành thì càng có nhiều trách nhiệm nghĩa vụ hơn. Không những phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, mà còn phải lo lắng chu toàn cho hai bên nội ngoại. Nói chung là con trai con gái gì thì cũng có những cái sướng riêng và những nỗi lo lắng phiền toái riêng. Nhưng không thể vì những phiền toái này mà thà không có con còn hơn. 3. Còn đáng buồn vì cái kết luận này nó không khác gì một sự chấp nhận. Chấp nhận rằng con gái thì phải chịu số phận thiệt thòi mặc định bởi xã hội và không gì có thể thay đổi được. Chính những suy nghĩ thế này khiến những tư tưởng cổ hủ lạc hậu còn duy trì tới ngày hôm nay. Nếu đã nhận ra vấn đề là con gái khổ, con gái bị bất công, thì tại sao lại không đấu tranh để giành quyền lợi cho con gái? Có lẽ khó có thể thay đổi tư tưởng của thế hệ trước nhưng tại sao lại không hành động khác đi để để mang lại tương lai tươi sáng cho thế hệ hiện tại và thế hệ về sau? Xã hội là hình thành bởi con người. Con người thay đổi thì xã hội thay đổi. Ở các nước phương Tây, 50, 60 năm trước cũng la liệt vấn đề về quyền bình đẳng giới. Họ đã thay đổi được và vẫn đang thay đổi đấy thôi. Thực ra cùng với thế giới, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa hội nhập, xã hội Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây. Mặc dù chưa đủ để có thể gọi là nam nữ bình đẳng, nhưng cũng không còn có cái chuyện con trai lười hay là nóng tính cáu giận là chuyện hiển nhiên nữa. Rất nhiều tư tưởng hiện đại hiện nay là cả vợ cả chồng cùng chung việc nhà, việc kiếm tiền. 4. Thôi, nói dông nói dài, nói tóm lại là con trai con gái con gì thì cũng là con mình dứt ruột đẻ ra. Đối với tôi thì điều may mắn nhất là có được CON, đứa con độc nhất vô nhị này. Tôi mong con lớn lên thành người hạnh phúc và là người biết cố gắng, biết thay đổi, để tạo dựng một xã hội, một cộng đồng tốt đẹp hơn.