Hiển nhiên là bố mẹ nào cũng muốn con yêu hạnh phúc: Có thể nhịn đói cho con được ăn no, chịu rét cho con được ấm. Điều kiện vật chất càng đầy dủ thì bố mẹ càng muốn dồn mọi tâm huyết để mang đến những gì tốt nhất cho con. Không chỉ là trường học thật xịn, bữa ăn thật bổ dưỡng, quần áo đẹp hay đồ chơi mới... Bố mẹ còn luôn sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ con hết lòng. Có bao giờ bố mẹ cân nhắc, liệu những hành động xuất phát từ lòng yêu thương đó có vô tình hạn chế sự phát triển nhận thức của con không? Liệu việc mang đến cho con mọi thứ - hay việc hướng con trở thành một người tự lập, mạnh mẽ và ham học hỏi - mới là "tốt nhất"? Bố mẹ hãy thử chiêm nghiệm lại xem mình có vô tình mắc phải những sai lầm sau đây trong việc nuôi dạy con không nhé 1. Làm hộ con mọi việc Vì không muốn con vất vả, vì sốt ruột muốn mọi thứ được thực hiện nhanh chóng, hoặc đơn giản là ngại thấy cảnh bừa bãi, mà cha mẹ cứ lao vào làm hộ con mọi thứ như: bóc cho con cái kẹo, dọn phòng giúp con, tắm cho con ngay cả khi chúng hoàn toàn có thể tự làm. Thì dần dần con sẽ mất đi sự nỗ lực tự thân vận động, sinh tính lười nhác, ỷ lại. Hãy để con phát huy tính tự giác, biết đối mặt với khó khăn để có cơ hội học hỏi những điều mới, và tận hưởng vị ngọt ngào của thành công - dù là nhỏ nhặt nhất. 2. Mua cho con mọi thứ Cha mẹ chăm chỉ lao động dĩ nhiên là để con được ấm no đầy đủ. Ai mà không sung sướng khi có thể đáp ứng những nhu cầu của con, được thấy con vui cười? Thế nhưng trước khi mua sắm cho con mọi thứ, hãy nhớ đến một việc quan trọng, đó là dạy con cách phân biệt giữa MUỐN và CẦN. Con có thể rất muốn có một món đồ chơi mới, thế nhưng con có cần nó không, khi mà con đã có một giỏ đồ chơi đầy? Con có cần cả một chiếc máy tính bảng không, khi mà con chỉ dùng để chơi game và xem YouTube, mà số tiền mua chiếc máy đó thì bố mẹ phải làm việc rất vất vả mới kiếm ra được để chi tiêu cho việc ăn học của con? Đừng mua tất cả mọi thứ con muốn - kể cả khi bố mẹ cũng muốn. Hạnh phúc không phải đến từ vật chất. Tình yêu của bố mẹ không chỉ đến từ những món quà - Nhận thức đó mới là thứ vô cùng giá trị mà bố mẹ có thể đem lại cho con. Nuông chiều và yêu chiều con là những khái niệm nghe có vẻ giống nhưng thật ra rất khác nhau. Bố mẹ tham khảo thêm ở đây nhé: Những khái niệm bố mẹ thường nhầm lẫn khi nuôi dạy con 3. Đưa ra quá nhiều lựa chọn Theo nghiên cứu khoa học, trẻ có quá nhiều đồ chơi sẽ giảm động não và suy nghĩ. Nói chung, việc đưa ra quá nhiều lựa chọn không mang lại lợi ích cho con, mà chỉ khiến con bối rối và thiếu quyết đoán. Hãy cho con quyền quyết định khi làm hoặc mua gì đó, nhưng chỉ vài ba sự lựa chọn giới hạn trong một khuôn khổ thôi - ví dụ như mua một trong hai món đồ chơi này, gọi một trong ba món này trong menu, với mức chi phí cụ thể này. Hãy xem con suy nghĩ và quyết định như thế nào. Dần dần khi con học được cách cân nhắc cẩn thận, bố mẹ sẽ bất ngờ vì sự sáng suốt của con đấy. Một đứa trẻ được rèn luyện để có khả năng tự quyết và có chính kiến sẽ là tiền đề quan trọng trong kỹ năng giao tiếp và làm việc sau này. 4. Lười đọc Nếu như bố mẹ chỉ thích xem TV hoặc ôm điện thoại, và chẳng đụng đến quyển sách nào bao giờ, thì cũng không khó hiểu nếu con trẻ không có hứng thú gì hơn với sách. Trong khi sách lại là kho tàng tuyệt vời cho sự phát triển trí tuệ của con. Việc đọc sách đóng góp rất lớn trong quá trình mở mang tư duy, kiến thức và sáng tạo của trẻ. Bố mẹ hãy bắt đầu từ việc tìm những truyện tranh, truyện ngắn vui nhộn để chia sẻ với con, đọc cho con nghe trước giờ đi ngủ, rồi dần dần tạo thói quen gia đình cùng ngồi đọc sách, cùng hưởng thụ khoảng thời gian yên tĩnh và bổ ích. 5. Không để con đụng tay vào việc nhà "Con lo học đi, để đấy mẹ làm." "Con sẽ làm vỡ/ hỏng mất, để đấy cho bố." - Đừng mắc phải sai lầm này bố mẹ nhé. Việc học hỏi đâu phải chỉ từ trường lớp, sách vở? Hướng dẫn con làm việc nhà phù hơp với lứa tuổi sẽ giúp con cảm thấy mình có ích, được tôn trọng, rèn luyện thói quen sinh hoạt gọn gàng sạch sẽ, và nâng cao tinh thần trách nhiệm. 6. Để con "đắm chìm" vào thiết bị điện tử Đây là một trong những vấn đề khiến bố mẹ hiện đại đau đầu nhất. Biết là không tốt nhưng thật khó hạn chế. Bố mẹ thì cần thời gian làm việc khác, con trẻ thì có quá nhiều thứ để say mê với chiếc smartphone, tablet hay TV. Những hoạt động và trò chơi "không có màn hình" thật nhàm chán so với các game trên thiết bị điện tử. Bố mẹ hãy kiên nhẫn, thiết lập thời gian biểu khoa học để có thể dành thêm thời gian cho con, đưa con ra ngoài vui chơi, học tập và hoạt động thực tế. Ví dụ như đi dạo công viên, đi chợ, tập bơi, hay học vẽ chẳng hạn. 7. Bỏ quên thể thao hay các hoạt động đội nhóm. Các bạn nhỏ rất cần được phát triển kỹ năng tương tác với xã hội. Chơi thể thao hoặc tham gia vào các hoạt động hội nhóm sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, tinh thần hợp tác và kỹ năng giao tiếp của con. Ngoài ra con còn có thể có những "chiến hữu" nhí thân thiết, đoàn kết và yêu thương nhau. 8. Không dạy con về các giới hạn và sự công bằng Nguyên tắc, luật lệ, giới hạn... là cần thiết để dạy một đứa trẻ nghiêm túc, kỷ luật. Trẻ cần ghi nhớ rằng những điều này sẽ giúp ích cho con có cuộc sống ổn định, an toàn và tử tế. Con cũng sẽ lớn lên thông minh và có trách nhiệm khi nhận thức được sự công bằng và thực tế. 10. Không dám để con thất bại Chiến thắng mang lại niềm vui, nhưng thất bại mới mang lại bài học và kinh nghiệm. Nếu con luôn thắng, ngay từ những việc nhỏ nhất, thì con sẽ chẳng bao giờ học được gì mới cả. Nếu bố mẹ luôn cố gắng bám sát để đảm bảo con không bao giờ mắc lỗi, thì con sẽ sống trong một "chiếc lồng" an toàn, không bao giờ dám thử sức vì sợ "thua". Và nếu nhỡ có lúc bố mẹ không ở bên thì sao? Con sẽ trở nên vô cùng yếu đuối và bất an. Bố mẹ sẽ không muốn con như thế phải không? Ngay từ khi còn bé xíu, trẻ đã có thể tiếp nhận những bài học phù hợp với lứa tuổi của mình, để hiểu được rằng để có thành công xứng dáng thì con cần kiên nhẫn, chăm chỉ phấn đấu. Vì tình yêu với con, bố mẹ hãy sáng suốt tránh xa những sai lầm nêu trên, để tạo cơ hội cho con được phát triển nhận thức tối đa, giúp con trở thành người tử tế, giỏi giang và hạnh phúc sau này.