"Trẻ tự kỷ" là cụm từ ngày càng phổ biến, được nhắc đến nhiều, nhưng ít người hiểu thấu đáo. Tự kỷ chỉ là một từ chung chung cho chứng rối loạn phát triển được phát hiện trong những năm đầu đời của con người. Có rất nhiều hội chứng khác nhau được gọi chung là "tự kỷ", và nhiều khi cụm từ này còn được nhắc đến khi trêu chọc, giễu cợt ai đó. Nếu như bố mẹ có cảm thấy có gì đó bất thường khi theo dõi các bước phát triển của con, và nghĩ đến hai chữ "tự kỷ", thì hy vọng bài viết này sẽ làm sáng tỏ các dấu hiệu để bố mẹ có thể nhận biết sớm, để có thể tìm đến các giải pháp phù hợp. Tự kỷ là gì? Tự kỷ là một tình trạng thần kinh phức tạp, bao gồm những khiếm khuyết trong tương tác xã hội, phát triển ngôn ngữ, hành vi cứng nhắc lặp đi lặp lại. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nghĩ và cảm nhận, dẫn đến việc khó diễn đạt bằng lời nói, cử chỉ, phản ứng. Những dấu hiệu nhận biết 1. Ít cười Bố mẹ hãy quan sát xem mỗi khi cười với con thì bé có cười đáp lại không? Hoặc chúng có tự mỉm cười bao giờ không? Đến khoảng 6 tháng tuổi thông thường trẻ sẽ có thể tự cười giòn giã, hoặc thể hiện cảm xúc vui vẻ. Nếu trẻ ít cười thì bố mẹ hãy lưu ý thêm các dấu hiệu khác nhé. 2. Ít bắt chước Con của bạn có bắt chước âm thanh hay sự vận động của người khác không? Bé có sự tương tác hay chia sẻ biểu hiện qua lại gì không? Bé 9 tháng tuổi ít bắt chước âm thanh, nụ cười, nét mặt của người khác có thể là dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ. 3. Chậm bập bẹ Con bạn đã bập bẹ hay tự thì thầm ngôn ngữ của riêng mình? Bé có thường xuyên làm điều này? Bé cần đạt mốc kỹ năng này chậm nhất là 12 tháng tuổi. 4. Không phản ứng khi được gọi tên Nếu trẻ không phản ứng khi được gọi tên từ lúc 6-12 tháng tuổi, thì cha mẹ hãy lưu ý, bởi vì đó có thể là dấu hiệu khiếm thính, cũng có thể là dấu hiệu tự kỷ. Bạn hãy theo dõi và tham khảo với bác sĩ. 5. Mắt không linh hoạt: Ánh mắt của trẻ dường như hạn chế khi giao tiếp với cha mẹ hay người thân. Đây có thể là dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ, bởi ánh mắt là một hình thức truyền thông và thể hiện sự hiểu biết. 6. Hiếm khi gây ra sự chú ý: Bé có thường xuyên có những biểu hiện hay tạo ra tiếng ồn để thu hút sự chú ý của cha mẹ không? Nếu bé không quan tâm đến việc này thì đó là dấu hiệu cho thấy bé có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp, thiết lập mối liên hệ với người khác. 7. Thiếu điệu bộ cử chỉ: Bé làm đủ mọi trò khi giao tiếp với người khác? Bé có thể vẫy tay, mỉm cười, tiếp cận mọi thứ? Nếu 9 đến 10 tháng mà bé chưa đạt được mốc kỹ năng này thì cha mẹ cũng hãy lưu ý. 8. Chậm phát triển vận động: Hãy theo sát các mốc phát triển vận động như lẫy, lăn, trườn, bò của bé, để xem bé có bị chậm hơn so với các trẻ cùng lứa không. Một phát hiện mới của khoa học: Chứng tự kỷ thường được phát hiện bệnh ở tuổi 2-3, tuy nhiên gần đây các nhà khoa học đã có cách để phát hiện ra sớm hơn, trong giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi. Họ đã nhận thấy có sự liên quan nhất định về việc não chậm xử lý và chứng Tự kỷ. Với những trẻ mắc chứng tự kỷ, hoạt động não bộ của chúng khác biệt trong việc thể hiện các hành vi liên quan đến người và vật. Các nhà khoa học đã dùng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ để tìm hiểu về não bộ của trẻ trong giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi. Họ cho trẻ xem 4 loại tương tác sau: Một đoạn phim liên quan đến người ( vd: đang chơi trốn tìm) Đoạn phim liên quan đến đồ vật (vd: xe ô tô) Tiếng động của người (vd: tiếng khóc, tiếng cười..) Tiếng động không liên quan đến người (vd: tiếng nước chảy) Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả của trẻ có anh/chị cũng mắc chứng tự kỷ, với những trẻ khác. Thực tế cho thấy, chứng tự kỷ liên quan đến di truyền. Những trẻ có anh/chị mắc chứng tự kỷ cũng có khả năng bị tự kỷ cao hơn thông thường. Cuối cùng, họ so sánh kết quả giữa trẻ sơ sinh và anh chị của chúng. Điều khác biệt thể hiện rất rõ trong hành vi não bộ của 2 nhóm này. Với những trẻ lớn hơn mắc chứng tự kỉ, hoạt động não bộ tăng tính tương tác với các hình ảnh và âm thanh về người. Ngược lại đó, trẻ sơ sinh lại có sự tương tác tốt hơn với các hình ảnh và âm thanh về vật. Theo Giáo sư Sarah Lloyd-Fox - người đã trực tiếp tiến hành thí nghiệm này - Bà tin tưởng rằng nhận biết sớm dấu hiệu của chứng tự kỷ sẽ thực sự giúp ích rất nhiều cho trẻ. Các bác sĩ nhi sẽ có cơ sở để tiếp cận trẻ sớm, và cùng gia đình đưa ra phương pháp cải thiện và giúp đỡ trẻ phù hợp nhất. Làm cha mẹ, khi đón bé yêu chào đời cùng bao nhiêu yêu thương hy vọng, chẳng ai muốn bất cứ vấn đề gì xảy ra với con mình. Thế nhưng rủi ro là không ai tuyệt đối tránh được. Cần lưu ý rằng, trẻ mắc chứng tự kỷ có thể nhận thấy chỉ là do trẻ thiếu những hành vi bình thường, chứ không phải có các hành vi bất thường. Nếu có chút nghi ngờ, bố mẹ nên theo dõi kỹ càng sự phát triển của trẻ và hỏi ý kiến bác sĩ.