40 tuần thai nghén là một hành trình đầy ắp những trải nghiệm mới lạ và cả bất thường. Ngoài những biến đổi lớn của cơ thể, mẹ bầu còn đứng trước nhiều bước ngoặt cuộc đời khi làm vợ, làm mẹ. Cả một biển kiến thức về sinh nở và nuôi con để tham khảo, rồi lại vô vàn câu chuyện truyền miệng từ các bà các cô các chị... khiến mẹ mang thai lần đầu "hoa mắt chóng mặt" Ấy thế nhưng vẫn có những nỗi lo lắng, xấu hổ và sợ hãi rất riêng tư và tế nhị, mà các mami chẳng biết hỏi ai hay tham khảo từ đâu. Mami hãy thở phào nhé vì đã có Mamibuy đây rồi. Trong kỳ này chúng ta cùng đi tìm câu trả lời cho các băn khoăn về sức khỏe thai kỳ nhé. Lo lắng: Sao chưa thấy tim thai? Sao chưa có túi noãn hoàng? Sao con "còi" thế? Sao nhịp tim con không giống bé nhà chị A chị B? Giải đáp: Mẹ ơi hãy thư giãn một chút. Con cần thời gian để phát triển, và mỗi kỳ kiểm tra mẹ sẽ thấy con lớn thêm một chút, thay đổi một chút. Mỗi bạn nhỏ sẽ phát triển một cách khác nhau ngay từ trong bụng mẹ, nên con chưa đạt mốc A mốc B như các kết quả siêu âm của người khác thì mẹ cũng đừng lo lắng vội nhé. Chỉ cần bác sĩ phán "không có gì bất thường" thì tức là con đang khỏe, mẹ yên tâm nhé! Lo lắng: ngộ nhỡ mình bị sảy thai? Giải đáp: Hầu hết các mẹ bầu đều sinh con khỏe mạnh thuận lợi, sảy thai chỉ là trường hợp hiếm. Hầu hết các ca sảy đều ở những tuần đầu tiên của thai kỳ, khi bản thân mẹ còn chưa chắc đã biết mình có thai, cho đến khi có dấu hiệu sảy. Đến khi có nhịp tim thai (từ khoảng tuần thứ 6-9), thì nguy cơ sảy chỉ còn 5%, và sau 12 tuần nếu thai nhi phát triển bình thường thì nguy cơ chỉ còn 1%. Mẹ cũng có thể chủ động giữ an toàn cho thai nhi bằng cách kiêng hút thuốc, uống rượu, cắt giảm tối đa caffein. Lo lắng: Mình nghén nhiều lắm. Con sẽ bị thiếu chất mất. Giải đáp: Các bé sẽ hấp thụ tất cả dưỡng chất từ mọi thực phẩm. Nếu mẹ không ăn được thịt thì con cũng sẽ lấy chất từ trái cây, bánh trái,... Nếu mẹ không nghén dữ dội đến mức mất nước, hoặc lúc nào cũng ốm lả, thì con vẫn sẽ ổn thôi. Mẹ lưu ý uống bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ, và ăn uống lành mạnh trong khả năng của mình. Sau khoảng 16 tuần thì bé sẽ bắt đầu tăng cân, và triệu chứng nghén cũng sẽ biến mất ở hầu hết các mẹ rồi. Lo lắng: Mình trót ăn một miếng cái này, một thìa món kia rồi, lo quá không biết con có sao không? Giải đáp: Mẹ không cần thiết phải luôn luôn băn khoăn "Thế này có nên không? Thế kia có an toàn không?". Điều này sẽ khiến mẹ căng thẳng, và như vậy thì mới là không tốt. Bác sĩ sẽ chỉ rõ những gì không nên làm trong thai kỳ. Và nếu bạn có bất cứ "lăn tăn" nào thì hãy đặt câu hỏi nhé. Và cũng chẳng ai có thể tuân thủ 100% mọi luật lệ và hướng dẫn từ bác sĩ, báo chí, các bà các mẹ... đâu. Ngay cả những rủi ro liên quan đến thực phẩm mà ai cũng khuyên là cần tránh, thì cũng chỉ có khả năng ảnh hưởng nhỏ đến mẹ và bé thôi. Vì thế nên nếu có lỡ ăn vài cọng rau răm, một hai lát dứa, một miếng cá sống... thì cũng đừng hoảng quá mẹ nhé! Lo lắng: Mẹ stress quá, con chịu khổ rồi! Giải đáp: Việc bị căng thẳng nhất thời thì sẽ ảnh hưởng ít đến em bé trong bụng thoi. Vì có thể bạn vốn quen với trạng thái stress thông thương rồi. Tuy nhiên những cú sốc tinh thần lớn và đau khổ kéo dài có thể gây ra rủi ro cho bé như sinh non. Tất cả tùy thuộc vào cách mẹ đối mặt và giải quyết tình huống như thế nào. Nếu mẹ cảm thấy sắp căng thẳng cực độ, hãy cố gắng giảm thiểu mức độ, và tìm cách lấy lại bình tĩnh. Hãy tìm mọi cách để xả stress, thư giãn, hoặc đơn giản nhất là hãy đi ngủ sớm! Lo lắng: Mình có triệu chứng tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ... Giải đáp: Nguy cơ tiền sản giật thường xuất hiện ở phụ nữ dưới 18 hoặc trên 35 tuổi, hoặc bị cao huyết áp khi mang thai. Bệnh sẽ phát triển ở giai đoạn 2 của thai kỳ, và trong một số trường hợp sẽ phát sinh rất muộn và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hãy đi khám thai thường xuyên để biết mọi thứ có đang bình thường không, và báo cho bác sĩ bất kỳ triệu chứng tiền sản giật nào (sưng mặt hoặc tay, nhìn mờ, thường xuyên đau đầu). Tiểu đường thai kỳ sẽ phát sinh khi cơ thể không xử lý được lượng đường dung nạp một cách hợp lý, gây tắc mạch máu. Cách đề phòng và kiểm soát chính là thay đổi chế độ ăn, hạn chế tinh bột và đường. Và thai phụ nào cũng nên xét nghiệm đường huyết vào khoảng tuần thai 24-28. Lo lắng: Ngộ nhỡ con bị khiếm khuyết khi sinh? Giải đáp: Nguy cơ bé bị khiếm khuyết bẩm sinh chỉ chiếm 4%, bao gồm cả những triệu chứng nghiêm trọng như hội chứng Down, hay vô vàn những dị tật rất nhỏ không dễ nhận thấy. Rất nhiều những khiếm khuyết nhỏ sẽ hoàn toàn biến mất sau khi sinh ra, và không để lại bất kỳ vấn đề gì cho bé. Mẹ hãy uống bổ sung vitamin tổng hợp có chứa acid folic trước và trong khi mang thai, điều này sẽ làm giảm nguy cơ khiếm khuyết não và tủy sống ở trẻ Ngoài những lo lắng về sức khỏe thai kỳ, mẹ bầu còn có rất nhiều băn khoăn về việc chuyển dạ và sau sinh, như "Nhỡ đâu mình... ị đùn trên bàn đẻ? Sinh xong thì "cô bé" sẽ biến dạng đến thế nào? Sinh nở đau lắm làm sao chịu nổi?". Những câu hỏi này Mamibuy sẽ giúp mẹ giải đáp tại đây nhé. Chúc mẹ có thai kỳ thật khỏe mạnh và hạnh phúc!