Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh là một việc vô cùng quan trọng. Nếu mẹ chỉ cần bất cẩn một chút thôi cũng có thể gây viêm rốn và nhiễm trùng rốn rồi. MamiBuy sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc rốn cho bé sau khi sinh nhé! Khi bé còn trong bụng mẹ, rốn là phương tiện truyền chất dinh dưỡng đến cơ thể bé để bé có thể phát triển đấy đủ. Đến khi bé chào đời, dây rốn hoàn thành nhiệm vụ của mình và được bác sĩ cắt bỏ. Độ dài của dây rốn thường từ 20 – 60 cm. Tuy nhiên, sau khi sinh, bác sĩ sẽ cắt rốn chỉ còn lại 4- 5 cm. Rốn khô và rụng trong khoảng thời gian từ 7 đến 21 ngày. Về bản chất, rốn của bé sau khi sinh là một vết thương hở. Chính vì vậy, nếu không được chăm sóc cẩn thận, bé có thể bị nhiễm trùng. Bé bị nhiễm trùng rốn không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ kéo theo nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Cách vệ sinh rốn cho bé Bước 1: Mẹ cần vệ sinh tay của mình trước khi làm vệ sinh rốn cho bé Bước 2: Tháo bắng rốn (nếu có) và kiểm tra xem rốn bé có điểm bất thường như mùi lạ, sưng đỏ, có mủ hoặc chảy máu hay không Bước 3: Dùng bông tăm thấm nước sôi để nguội lau vùng rốn bé một cách nhẹ nhàng. Mẹ bắt đầu từ chân rốn, thân cuống rốn rồi mới tới bề mặt cuống rốn. Sau đó, mẹ lấy bông tăm thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn của bé. Mẹ nên thay bông tăm sau mỗi lần lau các phần rốn của bé. Bước 4: Dùng cồn 70 độ sát trùng vùng da quanh rốn bé Bước 5: Đeo băng rốn cho bé. Thực ra, bước này hoàn toàn không cần thiết như các mẹ vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy làm vậy mẹ yên tâm hơn thì mẹ có thể dùng loại băng rốn dạng gạc mỏng đang được bán trên thị trường Bước 6: Mặc tã cho bé. Lưu ý, mẹ nên gập phần cạp tã ở phía trước xuống một chút, tránh để chạm vào rốn của bé, đề phòng trường hợp phân và nước tiểu có thể dính lên rốn bé. Những lầm tưởng về chuyện vệ sinh rốn - Băng rốn quá chặt và kín: Như đã nêu ở trên, việc băng rốn cho bé chỉ để giải quyết vấn đề tâm lý cho mẹ. Nếu sử dụng mẹ nên chọn loại gạc mỏng và vừa với bé. Việc băng chặt và kín không bảo vệ được rốn bé mà còn tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ nghiễm trùng rốn của bé. - Ngắt rốn của bé: Rụng rốn là quá trình tự nhiên, bé nào cũng phải trải qua. Mẹ không nên giật, kéo hay ngắt cuống rốn của bé. Việc này sẽ làm cho bé bị đau, chảy máu và nhiễm trùng. - Cho bé ngâm mình trong nước: Với những bé chưa rụng rốn, việc tắm cho bé cần diễn ra nhanh chóng, hạn chế tối đa thời gian rốn bị ướt để tránh kéo dài thời gian rụng rốn và tăng nguy cơ nhiễm trùng. - Không bôi thuốc lạ lên rốn bé: Một số quan niệm dân gian cho rằng đắp lá giúp rốn nhanh khô nhanh rụng. Nhưng các bác sĩ khuyến cáo mẹ để rốn khô tự nhiên, không bôi đắp gì lên rốn để tránh tình trạng nhiễm trùng. Trong trường hợp, mẹ thấy bé có các dấu hiệu của viêm hay nhiễm trùng rốn, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và hướng dẫn sử dụng loại thuốc phù hợp cho việc chăm sóc rốn cho bé nhé!