Với trẻ nhũ nhi, nhiều phụ huynh rất cẩn thận trong các khâu chăm sóc sức khỏe đường hô hấp, tiêu hóa, nhưng lại ít quan tâm đến một phần quan trọng khác - sức khỏe vùng kín của con. Bởi bố mẹ nghĩ rằng chừng nào chưa tới tuổi dậy thì, chưa có nhiều biến đổi từ hóc môn, thì vùng kín sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại. Thực tế, trẻ nhỏ thường hay lê la chơi ở những môi trường chứa nhiều mầm bệnh, bụi bẩn, như sàn, sân, hố cát, công viên... mà con chưa có ý thức tự giữ vệ sinh vùng kín. Việc tiểu tiện đại tiền cũng chưa được kiểm soát, nhiều trẻ còn thường xuyên mặc tã cũng dẫn đến các vấn đề sức khỏe vùng kín. MamiBuy sẽ giúp bố mẹ điểm qua một số vấn đề vùng kín trẻ nhỏ, để bố mẹ nhận biết và chú ý hi chăm con: 1. Hăm tã Hiện tượng này thì rất phổ biến nên hầu như bố mẹ nào cũng biết. Trong độ tuổi mặc tã - thông thường là 2 năm đầu đời - thì bé có thể bị hăm do làn da mỏng manh và nhạy cảm, tiếp xúc với tã nhiều khiến da bị kích ứng đỏ rát. Ngoài ra khi tiểu tiện và đại tiện mà không được vệ sinh ngay cũng khiến bề mặt tã bẩn, sinh nhiều vi khuẩn gây mẩn ngứa da. 2. Mụn rộp bộ phận sinh dục (Herpes) Căn bệnh Herpes ở trẻ nhỏ do virus HSV1 và HSV2 gây ra, lây truyền qua các vết xước rất nhỏ trên da, sau khi xâm nhập vào cơ thể từ 5-9 ngày sẽ có biểu hiện bên ngoài. Ban đầu, bộ phận sinh dục sẽ xuất hiện những mụn nhỏ li ti, sau đó sẽ hình thành từng cụm, phồng rộp to, vỡ ra gây vết thương hở dễ dẫn đến những biến chứng như viêm âm đạo, viêm niệu đạo, viêm bàng quang,… gây vô sinh nếu không điều trị kịp thời. Khi bé vui chơi chạy nhảy, sẽ khó tránh xây xước nhẹ trên da vùng mông hoặc gần vùng kín, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập. Nếu không được vệ sinh và điều trị đúng cách, virus sẽ phát triển trên vết xước khiến chúng lan rộng làm bé rất đau và khó chịu. Bệnh mụn rộp sinh dục còn có khả năng lây từ mẹ sang con trong thời gian thai nghén. 3. Vùng kín mẩn đỏ Vùng kín bị mẩn đỏ có thể do rất nhiều nguyên nhân. Có thể do mẹ mặc quần quá chật cho bé, có thể tã không đạt chất lượng nên không khô thoáng. hoặc đổi loại tã mới không hợp da làm bé dị ứng. Ngoài ra một số mẹ còn sử dụng xà phòng tắm rửa có tính sát khuẩn mạnh, khiến cho vùng da nhạy cảm của bé dễ bị kích ứng mẩn đỏ. Đặc biệt các bé gái rất dễ bị mẩn ngứa vùng kín trước độ tuổi đi học. Đó là do lượng estrogen thấp, cấu tạo bộ phận sinh dục phát triển chưa hoàn thiện, thiếu các rào chắn sinh lý để ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn Độ pH không cân bằng, thiếu kháng thể bảo vệ da... cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển. Chính vì thế sức khỏe vùng kín ở bé gái cần được lưu tâm chăm sóc nhiều hơn. 4. Nhiễm trùng đường tiết niệu Bệnh này khá phổ biến ở trẻ nhỏ, do vi khuẩn E.Coli từ đường ruột xâm nhập vào đường tiểu qua hậu môn. Bố mẹ nên nghĩ ngay đến bệnh viêm đường tiết niệu nếu nhận thấy trẻ buồn tiểu liên tục, kêu đau (buốt, rát) khi tiểu tiện, thậm chí có thể có máu và mủ trong nước tiểu, sưng niệu đạo và lỗ tiểu, sốt nhẹ. Bệnh này cũng dễ gặp ở bé gái hơn vì niệu đạo bé gái ngắn và gần hậu môn, dễ bị lây khuẩn. Còn bé trai nếu có bao quy đầu hẹp cũng có thể khiến nước tiểu đọng lại tạo điều kiện cho khuẩn phát triển. Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát nếu không vệ sinh thường xuyên và đúng cách, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bé hiện tại, mà còn tăng nguy cơ tái phát khi đến tuổi trưởng thành. 5. Giun kim Giun kim ký sinh trong cơ thể người, thường hay đẻ trứng vào cuối giờ chiều (6 đến 7 giờ tối), nên nhiều trẻ nhỏ có giun kim sẽ kêu ngứa phần phụ vào thời điểm này trong ngày. Đặc biệt các bé gái cũng dễ nhiễm bệnh hơn, và khi giun kim bò ra còn chui sang cả âm đạo để đẻ trứng làm bé vô cùng khó chịu. Các bé thường xuyên chơi đùa ở môi trường sân vườn có nhiều trứng giun nên rất dễ mắc bệnh này. Nhưng bố mẹ lại ít khi nghĩ đến giun mà khi con kêu ngứa ngáy khó chịu thì chỉ nghĩ đến viêm nhiễm phụ khoa. Nếu thấy trẻ thường kêu ngứa vùng kín vào buổi tối, cha mẹ nên dùng đèn soi lúc 7h tối xem có giun kim bò ra không. Với trẻ dưới 2 tuổi khi phát hiện có giun kim thì mẹ nên tham khảo bác sĩ để dùng đúng thuốc. Còn với bé lớn hơn thì cứ dùng các liều tẩy giun phổ biến 6 tháng một lần. Và dĩ nhiên cha mẹ cũng sẽ phải đặc biệt chú ý vấn đề giữ vệ sinh cho con nhé. Viêm âm đạo bé gái Ngay cả trước tuổi dậy thì bé gái vẫn hoàn toàn có thể bị viêm âm đạo, do lúc này các bộ phận trong cơ thể chưa phát triển toàn diện, đặc biệt là chưa có lông mu, hai môi nhỏ chưa hoàn thiện, trực tràng nằm quá gần âm đạo... nên thiếu các "lá chắn" sinh lý như người lớn. Một số mẹ lơ là trong việc dạy con vệ sinh vùng kín, thay quần lót,... sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, virus và các kí sinh trùng có điều kiện xâm nhập gây bệnh. Trẻ viêm âm đạo có âm hộ sưng đỏ, đáy quần lót có vệt màu vàng, xanh. Nặng hơn là trẻ kêu đau, tiểu rát, tiểu buốt, đái dầm. Nếu không phát hiện và khắc phục sớm sẽ rất dễ nhiễm khuẩn nặng hơn, hoặc tái đi tái lại, gây tác động xấu đến sức khỏe sinh sản của bé sau này. Mami thấy đấy, không chỉ người lớn mới phải quan tâm đến sức khỏe sinh sản, mà các em bé cũng cần được lưu tâm và chăm sóc để tránh gặp phải những vấn đề kể trên. Mami hãy vệ sinh vùng kín đúng cách cho con, và khi con lớn hơn thì dạy con cách tự chăm sóc mình với những lưu ý sau: - Khi lau rửa tuyệt đối không lau từ sau (hậu môn) ra trước (bộ phận sinh dục) - Sau khi rửa, thấm thật khô bằng khăn mềm, rồi bôi kem chống hăm cho bé trước khi mặc tã bỉm. - Sử dụng tã bỉm mềm mại khô thoáng, thay tã 4 tiếng một lần hoặc ngay sau khi bé đại tiện. - Không dùng khăn ướt hay giấy vệ sinh có mùi thơm. - Tuyệt đối không dùng xà phòng hay sữa tắm thông thường để vệ sinh. - Nên sử dụng các dung dịch vệ sinh chuyên biệt cho trẻ nhỏ. Ví dụ như Oillan baby, Saforelle, Saugella...