"Con không đi học lớp mới đâu! Con sợ cô giáo mới! Con ghét các bạn mới! Con thích lớp cũ cơ..." - Có mami nào có con đang ở độ tuổi mầm non gặp phải tình cảnh này không? Bỗng nhiên việc cho bé đi học hàng ngày thành ra "đánh vật" như vậy. Bé phản đối, khóc lóc, nhất định đòi quay lại lớp cũ, đòi cô giáo cũ... Bố mẹ cứ nghĩ rằng phải đến khi chuyển từ mẫu giáo lên lớp một thì mới là chuyện lớn, chứ đây chỉ là chuyển từ lớp này sang lớp khác thôi mà! Tuy nhiên đối với tâm lý của con, đây cũng là một bước ngoặt lớn, khi phải làm quen với lớp mới, cô mới và bạn mới. Không nhiều thì ít, bé cũng sẽ bị ảnh hưởng và có những phản ứng nhất định. Để giúp con chuyển lớp êm ái nhẹ nhàng, giúp con thoải mái hòa nhập với môi trường mới, bố mẹ và thầy cô cần lên "chiến thuật" phối hợp ăn ý BỐ MẸ CẦN LÀM GÌ? Bố mẹ là những người con tin tưởng và dựa dẫm nhất, nên sự đồng hành của bố mẹ sẽ rất quan trọng đối với con khi trải qua những bước ngoặt như thế này 1. Đồng cảm với con Bé bỗng nhiên rời xa môi trường quen thuộc, phải gặp gỡ và sinh hoạt cùng những "người lạ", sẽ không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ, sợ sệt. Con sẽ rất cần được bố mẹ đồng cảm và chia sẻ. Mami đừng cố gặng hỏi con "Sao con lại không thích lớp mới? Sao con khóc? Cô giáo hay bạn nào làm gì con?"... Điều này vô tình giống như những 'gợi ý" khiến bé nghĩ đến những chuyện xấu, khiến bé càng sợ hơn. Bố mẹ hãy ngồi xuống với con, nhẹ nhàng ôm ấp, và thủ thỉ rằng bố mẹ biết con đnag lo lắng, con đang sợ, nhưng mà lớp mới rất vui, và hãy yên tâm rằng bố mẹ sẽ ở bên con. Chỉ cần bé thấy cảm xúc của mình được quan tâm, chia sẻ, bé sẽ tự giải quyết được vấn đề tâm lý tốt thôi 2. Chuẩn bị tâm lý trước cho con Trước khi chuyển lớp một thời gian, bố mẹ cần có sự "rào đón" cho con quen dần. Ví dụ như nhắc tới việc lên lớp, chuyển lớp như một phần thưởng, vì con đã có kết quả rất tốt ở lóp cũ, vì con đã là người lớn hơn... Bố mẹ hãy nói về những thứ hay ho mà con sẽ học, sẽ làm ở lớp mới. Và hãy tự hào "khoe" với mọi người xung quanh (ông bà, họ hàng, hàng xóm) việc con chuyển lớp - dĩ nhiên là trước mặt con. 3. Tạo cảm giác an toàn Ở lớp mới với những khuôn mặt xa lạ xung quanh, bé sẽ cảm thấy bất an sợ hãi. Bố mẹ hãy xin phép cô giáo để con được mang một "bạn" đồ chơi, một vật dụng thân quen đến lớp (gấu bông, gối, búp bê...). Con sẽ cảm thấy bớt cô đơn. Để giúp con vững vàng và mạnh mẽ, trước khi đưa con vào lóp, mẹ hãy nhắn nhủ: "Con đã lớn rồi, mẹ tin con sẽ làm rất tốt! Cố lên nhé, chàng trai/ cô gái của mẹ..." 4. Trò chuyện cùng giáo viên mới Chỉ cần thấy bố mẹ mình trò chuyện vui vẻ với cô giáo mới thôi là con đã cảm thấy yên tâm và tin tưởng cô hơn nhiều rồi. Mami hãy cung cấp cho giáo viên mới những thông tin cơ bản về con: tính tình, sở thích, thói quen ăn uống vui chơi... Những điều này nếu cô giáo biết tận dụng, thì sẽ rất nhanh chóng "kết bạn" được với con. 5. Kiên định và dứt khoát ngay cả khi con ăn vạ Sau khi chào tạm biệt, cần phải dứt khoát rời đi, kể cả nếu con khóc. Bố mẹ tuyệt đối không quay lại dỗ con nhé, điều này sẽ khiến con nghĩ rằng việc khóc phát huy tác dụng, và sẽ tiếp tục tái diễn. Đối với các bé ăn vạ như vậy, nếu cần trao đổi với cô giáo, bố mẹ hãy gọi điện thoại, hoặc đến trò chuyện với cô vào buổi chiều khi đón con. 6. Đón con sớm Thời gian mới chuyển lớp, mami nên đến đón con sớm hơn bình thường, tranh thủ trò chuyện với giáo viên, khuyến khích bé ở lại chơi trong sân trường một lúc, để giúp con yên tâm và thoải mái hơn. 7. Giữ nếp sinh hoạt điều độ ở nhà Buổi sáng con càng buồn ngủ thì sẽ càng bất đắc dĩ và phản đối mạnh mẽ hơn khi đi học. Vì thế, để bé tỉnh táo và sẵn sàng cho ngày mới, mami cần giữ nếp sinh hoạt điều độ: ăn sớm, ngủ sớm, trước khi ngủ không xem máy tính hay tivi lâu... CÔ GIÁO CẦN LÀM GÌ? Con sẽ ở cùng cô giáo từ sáng tới chiều hàng ngày, nên cô cũng cần lưu tâm đặc biệt để kết thân và tạo sự tin tưởng cho con, giúp con vui vẻ đến lớp 1. Cô giáo cũ cần khơi gợi sự thích thú, hào hứng với lớp mới Cô giáo cũ không bao giờ được nói với bé: "Vì bạn A bạn B không ngoan nên bị chuyển lớp..." Hãy vẽ ra những điều thú vị khi con lên lớp (sẽ được học tiếng Anh, được tập tô màu, được chơi trò chơi gì...), và hãy đề cao cột mốc "trưởng thành" khi con lên lớp mới. 2. Giao lưu, làm quen giữa hai lớp Sau khi có sự phân công của nhà trường, lớp cũ và lớp mới nên có chút thời gian giao lưu làm quen với nhau, để các bé có cơ hội tiếp xúc với giáo viên mới và các anh chị lớp lớn hơn, tham quan phòng học mới... 3. Cô giáo mới cần tìm hiểu về con Ngoài phụ huynh, cô giáo cũ cũng sẽ cung cấp cho cô giáo mới rất nhiều thông tin hữu ích về bé. Đặc biệt cần chú ý nếu như bé nhút nhát, khó ăn, dị ứng, hay có bệnh... 4. Nếu con đang khóc, tuyệt đối không lôi kéo con khỏi vòng tay bố mẹ Việc này chẳng giúp ích gì, chỉ tạo nên những ấn tượng không tốt khi cô cố "chia rẽ" con với bố mẹ. Hãy để con và bố mẹ có thời gian trấn an, và nhẹ nhàng "dụ dỗ" con vào lớp bằng những hoạt động, trò chơi thú vị. Một số trường hợp, có thể nhờ cô giáo cũ đón trẻ từ tay bố mẹ, rồi đưa bé vào lớp mới. Việc này tạo bước đệm giúp con yên tâm hơn. 5. Tạo môi trường và các hoạt động hấp dẫn Lớp mới cần sạch đẹp, hoạt động mới lạ hấp dẫn sẽ tạo ấn tượng tốt và khơi gợi hứng thú của bé. Hãy dùng trò chơi, hoạt động để dần dần đưa bé vào nề nếp. Đừng nóng vội và áp đặt khi đưa ra các luật lệ, sẽ khiến con xa cách cô và không thích đi học Đằng nào rồi sau một thời gian chuyển lớp, bé con cũng sẽ quen với môi trường mới. Tuy nhiên nếu bước ngoặt này của con nhận được những sự sẻ chia và động viên của cả bố mẹ và thầy cô như các gợi ý trên, để xua tan những cảm xúc tiêu cực, giảm thiểu các ảnh hưởng tâm lý, thì con sẽ tự tin và hạnh phúc hơn rất nhiều mỗi ngày tới lớp.