Tiểu đường thai kỳ, nhau tiền đạo, thiếu ối, tiền sản giật... là những biến chứng thai kỳ mà các mẹ bầu đều nên cẩn thận đề phòng, tránh để chúng xảy ra làm ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và con. Dấu hiệu nhận biết của những biến chứng này là gì? Và làm thế nào để phòng tránh và điều trị? Hãy cùng Mamibuy tìm hiểu nhé! 1. Sảy thai Hơn 80% các ca sảy thai diễn ra trước tuần thứ 12, và phần lón là do các bất thường của gen trong trứng đã thụ tinh. Khả năng sảy thai do các tác động bên ngoài là rất thấp. Vì vậy mẹ bầu không cần quá hoảng hốt nếu vì không biết mình có thai mà lỡ vận động mạnh hoặc ăn phải những thức ăn bị khuyến cáo là không nên. Các Mami đọc về các món ăn dễ gây sảy thai nhé! Tuy nhiên bất cứ thời điểm nào của thai kỳ, nếu mẹ thấy âm đạo tiết dịch nâu hoặc chảy máu thì cần phải đi khám bác sĩ ngay. Đó rất có thể là dấu hiệu đe dọa sảy thai. 2. Thai ngoài tử cung Thông thường, trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển xuống tử cung để làm tổ và phát triển. Tuy nhiên một số ít trường hợp trứng lại làm tổ ở chỗ khác, phần lớn là ở ống dẫn trứng. Biến chứng này gọi là thai ngoài tử cung hay chửa ngoài dạ con. Ở tuần thứ 4-5 của thai kỳ (thường là sau khi trễ kinh khoảng 1 tuần đến 10 ngày), mẹ bầu cần đi siêu âm xem thai nhi đã đậu bên trong tử cung chưa. Siêu âm đầu dò thì tốt hơn vì bác sĩ có thể quan sát và xác định rõ hơn vị trí của thai nhi. Nếu thai ngoài tử cung không được phát hiện sớm, thai nhi sẽ phát triển to lên và làm vỡ ống dẫn trứng, gây chảy máu bên trong cơ thể, nặng nhất có thể tử vong. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc kết thúc thai kỳ càng sớm càng tốt, bởi vì không thể cấy ghép thai này vào trong tử cung của người mẹ. 3. Thiếu ối Túi ối như một "chiếc gối" dày và êm bao bọc toàn bộ thai nhi, bảo vệ con khỏi các chấn động, và hỗ trợ con phát triển. Túi ối không đủ lượng chất lỏng cần thiết thì gọi là thiếu ối. Có khoảng 4% số bà bầu bị thiếu ối ở các thời điểm khác nhau, thường là ở tam cá nguyệt thứ ba. Mẹ sẽ cần đi khám thường xuyên để bác sĩ quan sát sự phát triển của em bé, và có thể mẹ sẽ cần sinh nở sớm hơn so với ngày dự sinh. Túi ối bao bọc bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi Đọc thêm về vỡ ối tại đây 4. Tiểu đường thai kỳ Các mẹ bầu cần làm xét nghiệm đường huyết trong khoảng tuần 24 đến tuần 28 để phát hiện sớm chứng tiểu đường thai kỳ. Biến chứng này xảy ra ở khoảng 2-10% các bà bầu. Nếu mắc chứng tiểu đường thai kỳ, mẹ sẽ cần được theo dõi chặt chẽ và tuân thủ chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời phải tập thể dục phù hợp để sinh con khỏe mạnh. Đặc biệt nếu đã bị tiểu đường thai kỳ, thì có khoảng 25 đến 50% nguy cơ mẹ sẽ bị chuyển sang tiểu đường loại 2 trong tương lai. Vì vậy việc kiểm soát đường huyết và sinh hoạt lành mạnh là cực kỳ quan trọng cả khi sau sinh. 5. Tiền sản giật Đây là một rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến khoảng 5% phụ nữ mang thai. Những dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật là huyết áp cao và có protein trong nước tiểu ở khoảng tuần 20 của thai kỳ. Nếu mẹ tuân thủ cách chăm sóc của bác sĩ và thường xuyên theo dõi thai nhi, thì sức khỏe của mẹ và con vẫn sẽ được đảm bảo cho đến ngày lâm bồn. Tuy nhiên tiền sản giật ở mức độ nặng sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng, gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Huyết áp cao trong thai kỳ có thể là triệu chứng của tiền sản giật 6. Nhau tiền đạo Nhau thai ở vị trí thấp hơn bình thường, nằm ngay bên cạnh hoặc bao quanh cổ tử cung, hiện tượng này gọi là nhau tiền đạo. Nếu được chẩn đoán có biến chứng này ở giai đoạn sớm của thai kỳ, mẹ có thể không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu nhau vẫn tiếp tục ở vị trí thấp trong suốt thai kỳ, thì có thể gây chảy máu dẫn đến sinh non và các biến chứng khác. Vị trí nhau thai sẽ thường xuyên được kiểm tra trong các buổi siêu âm. Một số ít sản phụ còn nhau tiền đạo đến tận ngày lâm bồn thì sẽ cần phải sinh mổ để giữ an toàn cho cả mẹ và con. 7. Sinh non Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non. Mẹ sẽ cần lập tức nhập viện khi chưa qua 36 tuần thai mà đã có các cơn co thắt thường xuyên làm cho cổ tử cung giãn nở và mở rộng. Đây chính là dấu hiệu mẹ có thể bị sinh non. Em bé chào đời ở thời điểm này được gọi là sinh thiếu tháng, bé sẽ có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe và cần được chăm sóc đặc biệt. Trên đây là 7 biến chứng phổ biến nhất trong thai kỳ, phần lớn các nguy cơ đều có thể được giảm thiểu tối đa bằng cách bổ sung đúng loại vitamin và dưỡng chất, chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Các mami hãy lưu ý giữ gìn, thường xuyên đi khám và tham khảo các bác sĩ chuyên khoa nếu gặp bất cứ triệu chứng lạ nào nhé. Chúc mami có một thai kỳ khỏe mạnh!