Những nghiên cứu cho thấy lo lắng trẻ biếng ăn và không tăng cân ảnh hưởng đến cách tác động của cha mẹ trong bữa ăn của trẻ, điều này có thể dẫn đến hành vi ăn uống không tốt của bé sau này. Để việc suy nghĩ về tăng cân không trở thành ám ảnh của nhiều cha mẹ trong chăm sóc bé hãy cùng theo dõi bài viết sau để biết giải pháp là gì mẹ nhé! Bước 1: Giữ tâm lý cân bằng trong bữa ăn. Để giúp bé chịu ăn và hứng thú khi ăn, bố mẹ nên giữ 1 trạng thái tâm lý cân bằng trong bữa ăn, tránh la mắng, dọa nạt … Khuyến khích bé tham gia ăn cùng gia đình hoặc cùng với các bé khác nếu có thể. Bố mẹ nên cho con ăn đúng bữa để tạo thói quen tốt về ăn uống. Song song đó, nếu bé biếng ăn thì có thể giảm khẩu phần đi 30-50% và tăng thêm số lần hoặc những thực phẩm cung cấp thêm năng lượng . Mẹ cũng cần chú ý hơn trong việc cân bằng các chất trong bữa ăn. Không nên vì trẻ không tăng cân đều mà cho con ăn thiên lệch về chất đạm, chất béo. Theo nghiên cứu của Weber, Đại học Munish, Đức, nếu trẻ ăn quá nhiều đạm trong những năm đầu đời, thì sẽ có nguy cơ thừa cân béo phì cao gấp 2.43 lần so với trẻ bình thường. Việc lựa chọn sữa cho con, mẹ cũng cần giữ tâm lý cân bằng. Không nên vì quá nôn nóng muốn con tăng cân nhanh mà chọn sữa có thành phần dinh dưỡng không phù hợp. Mẹ cũng có thể luân phiên người cho ăn bé, chia sẻ điều này với bố của bé, ông bà hoặc các thành viên khác trong gia đình. Hãy bắt đầu với bố của bé. Thực tế, tôi nhận thấy nhiều ông bố có những kỹ năng đặc biệt để giúp trẻ chịu ăn. Nghiên cứu khảo sát của nhóm Darcy L. Johannsen, ĐH South Dakota State, trên 68 người cha cho thấy: vai trò của người cha cũng quan trọng trong phát triển thực hành hành vi ăn uống của trẻ. Bước 2: Hiểu cách đánh giá tăng cân đúng Trong một nghiên cứu kéo dài 14 năm của nhóm TS.Mamun A.A., ĐH Queensland về những suy nghĩ của 2560 cha mẹ về cân nặng và sự tăng cân khỏe mạnh của con cái họ từ lúc sinh, đến giai đoạn ăn dặm, đến 4 tuổi và 14 tuổi. Báo cáo phản ánh khá thực tế điều mà cha mẹ đã thực sự suy nghĩ về tăng trưởng của trẻ và sự tăng trưởng của trẻ trong thực tế có đúng như những gì cha mẹ các bé nghĩ hay không. Kết quả cho thấy khá thú vị: 50% cha mẹ cho rằng bé tăng trưởng không tốt (kém tăng trưởng), nhưng thực tế theo đánh giá của chuyên gia ở những thời điểm nghiên cứu thì các bé đang tăng trưởng bình thường, thậm chí có nhiều bé có khuynh hướng thừa cân. Điều lợi ích của nghiên cứu là đem đến một cái nhìn trong quản lý hành vi ăn uống và sự hiểu biết tăng cân của trẻ. Thực hiện bằng cách cân đo ít nhất 2 lần và thời gian giãn cách ít nhất là 8 tuần. Cha mẹ theo dõi cân nặng trong 3 lần cân và xem xu hướng trên biểu đồ tăng trưởng của 3 lần này. Nếu trẻ trải qua bệnh (có nhập viện hay không), thời gian giãn cách được cộng thêm 3-4 tuần, điều này tùy thuộc vào đánh giá của chuyên gia về thời điểm hết bệnh thực sự của trẻ. Một điều cha mẹ nên biết: Không chịu ăn không có nghĩa là sẽ luôn tồn tại tăng trưởng kém. Trên thực tế, nhiều bé biếng ăn vẫn có thể tăng trưởng ở mức bình thường nếu đánh giá đúng. Hơn nữa, trẻ biếng ăn nên được hiểu là tạm thời, trừ khi có tác động tâm lý lên hành vi này (VD như ép bé ăn, dụ bé ăn bằng TV hoặc điện thoại). Bước 3: Luôn duy trì cho trẻ hoạt động lành mạnh Hoạt động vui chơi cùng trẻ sẽ giúp sử dụng và tái nạp năng lượng một cách cân bằng. Lời khuyên là các bé nên hoạt động vui chơi tầm 30 phút/ngày. Những bé quá hiếu động, bạn có thể giảm thời gian sử dụng năng lượng của trẻ thông qua 1 số hoạt động nhẹ nhàng hơn như tô màu, xếp chữ…Có thể cho bé vào bếp hỗ trợ mẹ những việc đơn giản sẽ giúp bé thích thú hơn. Một số lời khuyên khác cho cha mẹ Ngoài ba bước trên bố mẹ nên lưu ý cung cấp cho bé đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất: - Vitamin D và canxi: có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu vitamin D và canxi sẽ làm cho trẻ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm, nhất là mồ hôi đầu. Canxi có nhiều trong: tôm, cua, trai, ốc. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc tiếp xúc với ánh nắng và các thực phẩm như: dầu cá, trứng, gan. - Vitamin B1 giúp điều tiết sự chuyển hóa đường trong cơ thể, bảo đảm các thức ăn được biến thành năng lượng và được các cơ quan sử dụng. Khi bị thiếu B1, quá trình chuyển hóa này gặp trở ngại. Dẫn truyền thần kinh ở những cơ quan trong hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng dẫn đến giảm nhu động ruột và dạ dày. Khiến trẻ dễ bị chướng bụng và bé biếng ăn hơn. Quá trình tạo phân trong hệ tiêu hóa cũng giảm, làm giảm sự thèm ăn ở bé. Nếu bé thiếu vitamin B1, bé sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, táo bón, mất ngủ… Vitamin B1 có vai trò chuyển hoá gluxit, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Khi thiếu kẽm, vị giác của bé sẽ giảm. Kết quả là bé không cảm thấy ngon miệng. Điều này có thể dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Kẽm có khả năng tổng hợp protein bằng cơ chế tạo enzyme, giúp tăng sản sinh tế bào. Thúc đẩy sự phát triển của xương, cơ bắp và trí não. Biểu hiện ở trẻ bị thiếu kẽm là suy dinh dưỡng nhẹ, chậm tăng trưởng. Trẻ biếng ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, gây buồn nôn và nôn kéo dài. Cha mẹ được khuyên là đừng quá áp lực vào việc phải làm sao để trẻ tăng cân bằng mọi giá, bởi vì điều này sẽ làm bạn khó có thể đưa đến một cách cho trẻ ăn đúng đắn. Nhớ rằng, trẻ biếng ăn hầu hết là tạm thời, nhưng nếu cha mẹ tác động quá nhiều lên tâm lý trẻ lúc ăn (VD như ép trẻ ăn hoặc dụ dỗ trẻ khi ăn) sẽ có thể ảnh hưởng lâu dài đến việc biếng ăn của trẻ. Hãy suy nghĩ những cách làm trẻ có thể hứng thú học được hành vi ăn uống hơn là tìm cách cho trẻ ăn thật nhiều trong từng bữa ăn.