Con ốm là nỗi ám ảnh thường trực trong lòng mẹ mỗi khi chuyển mùa. Chỉ phát hiện một cái hắt hơi, chút xíu đau bụng hay vài nốt phát ban là mẹ đã lật đật google, hỏi kinh nghiệm trấn áp các triệu chứng khó chịu. Mami xin tặng mẹ một số bí kíp giúp bé yêu luôn tươi tắn và năng động trong những ngày nhạy cảm này nhé! Ăn uống khoa học - tăng sức đề kháng Trước tiên, mẹ bỏ túi một bộ thực đơn giàu dinh dưỡng, cân đối để luôn đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn để cơ thể bé tiếp nhận các chất dinh dưỡng một cách đầy đủ, hài hòa nhất. Việc lên sẵn thực đơn cũng giúp mẹ chủ động và tiết kiệm được khá nhiều thời gian chuẩn bị bữa ăn. Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, hệ thống miễn dịch và thức ăn chúng ta sử dụng hàng ngày có mối quan hệ “như răng với môi” – tức là rất chặt chẽ đấy. Mẹ biết không, hành tây và tỏi chính là những thực phẩm “vàng” giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nếu bé còn bú mẹ, mẹ có thể thêm chút hành, tỏi, tiêu vào thực đơn của mình, nhưng hãy thay đổi từ từ thôi nhé, để bé quen dần tránh bỏ sữa mẹ vì mùi lạ. Khi bé khoảng 7-8 tháng là đã ăn dặm được kha khá rồi, mẹ có thể thêm hành tây và tỏi vào khẩu phần của bé mà không cần phải do dự. Ngoài việc làm lá chắn, ngăn vi khuẩn tấn công bé, hành tây và tỏi còn giúp hệ tiêu hóa của bé hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi, ổi; Các loại ngũ cốc và những sản phẩm từ sữa có chứa lợi khuẩn probiotics cũng là “đại sứ thân thiện” của hệ tiêu hóa đó ạ. Mẹ nên lựa chọn thịt bò và cá là món chính với tần suất nhỉnh hơn các nguyên liệu khác, kết hợp với các loại rau lá có màu xanh đậm như súp lơ xanh, rau chân vịt (cải bó xôi), mồng tơi… để giúp cơ thể bé chiến đấu với các tác nhân gây bệnh. Chú ý, sự ẩm ương của thời tiết cũng sẽ làm cho thức ăn dễ ôi thiu hơn, nên cũng không thừa khi nhắc mẹ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín uống sôi, và tốt nhất là không cho bé ăn thức ăn thừa từ bữa trước. Chẳng may có hôm bé mệt mỏi và không chịu ăn thì cũng không sao cả, hãy cho bé uống chút sữa hoặc nước hoa quả và để cơ thể bé được thèm ăn. Ngoài ra chúng ta cũng không nên mớm thức ăn, cho trẻ ăn bốc, mút tay hay ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng. Giữ ấm cơ thể cho bé 1. Mặc đủ ấm và mang khẩu trang cho bé khi ra ngoài Những ngày đầu mùa chớm lạnh có thể khá thú vị với nhiều người, trong đó có cả mẹ và bé. Thật tuyệt vời khi ra đường trong làn gió nhẹ mơn man trên má. Nhưng mẹ đừng quên, gió mới cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Khi ra đường, chắc chắn mẹ sẽ yên tâm hơn khi bé được bảo vệ trong lớp áo gió mỏng, nhẹ. Một số mẹ vẫn dùng khăn bông bay, phủ lên đầu và mặt bé vì nghĩ là che chắn được nhiều hơn. Tuy nhiên, một chiếc khẩu trang xinh xắn, vừa vặn sẽ phù hợp hơn rất nhiều, vừa ngăn gió lạnh, vừa chặn đứng lũ vi khuẩn virus nhan nhản xung quanh mà không khiến bé bị ngộp thở. 2. Giữ ấm cho bé khi tắm Bé cũng cần được giữ ấm khi đi tắm và vào ban đêm, những lúc thân nhiệt thấp hơn bình thường. Ngoài bình nóng lạnh, một chiếc đèn sưởi trong nhà tắm quả thực rất hữu ích để vô hiệu hóa những cơn gió lùa qua khe cửa. Bật mí thêm với mẹ, vài giọt dầu tràm, rượu gừng hay nước cốt gừng và muối hạt cho vào nước tắm của bé sẽ giúp bé không bị ngấm lạnh trong lúc vầy nước, diệt khuẩn và giữ độ ẩm cho da. Sau đó, xoa cho bé chút dầu tràm hay kem giữ ấm vào cổ, ngực, bụng, lưng và đặc biệt là gan bàn chân thì mẹ sẽ chẳng phải lo âu gì nữa dù bé ở trong nhà hay ra phố. 3. Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp khi bé ngủ Khi đi ngủ, nếu bé nằm điều hòa, lúc đầu mẹ có thể đặt nhiệt độ khoảng 24-25oC, chỉnh cửa gió song song với trần nhà để hơi lạnh không thổi vào giường, bé sẽ dễ ngủ hơn, sau đó tăng lên 26-27oC và duy trì nhiệt độ đó trong phòng bé nhé. Lúc này, một bộ quần áo ngủ dài, thoáng mát và chăn mỏng sẽ thích hợp cho bé, lỡ may bé có tung chăn ra thì cũng không bị nhiễm lạnh. Vận động nhiều hơn Những tấm lá chắn đã được chuẩn bị kỹ càng rồi, bé yêu của mẹ chắc chắn sẽ háo hức được hòa mình vào thiên nhiên, tắm nắng tắm gió và tận hưởng sự khoan khoái của tiết thu – đông đang tới. Một buổi dã ngoại vận động, chạy nhảy chắc chắn sẽ đem đến cho trẻ em nhiều trải nghiệm thú vị. Mẹ chỉ cần chú ý không để con ngoài nắng gió quá lâu hay khi nắng trở nên chói gắt. Luôn mang theo khăn thấm mồ hôi, mũ và quần áo dự phòng cho con mẹ nhé. Giữ tâm trạng thật tốt cho bé Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là mẹ hãy tích cực giao tiếp với con bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng giọng nói, bằng tiếng hát, bằng những vỗ về dịu êm… tất cả những điều này sẽ dệt thành tấm chăn ấm áp nhất, chở che con trong trạng thái tâm lý cân bằng, ổn định, luôn thoải mái và vui vẻ.