Ở mỗi giai đoạn phát triển, bé lại có những biểu hiện về mặt hành vi và tâm lý khác nhau. Đặc biệt, với giai đoạn tập đi, bé có nhiều hành vi mẹ thấy không phù hợp. Vậy, mẹ cần làm gì trong những trường hợp này? Giai đoạn tập đi là giai đoạn nhiều bé có hành vi như đánh, cắn bạn, gào thét hay nói dối … Người lớn có thể nghĩ rằng con trẻ nên hư hơn, bướng bỉnh hơn. Tuy nhiên, những hành vi này lại xuất phát từ việc tâm lý trẻ đang phát triển, nếu bố mẹ tìm hiểu kĩ hơn, bố mẹ sẽ có hướng điều chỉnh hành vi cho con. 1. Bé hay đánh, cắn bạn Giai đoạn tập đi của bé cũng chính là giai đoạn kỹ năng ngôn ngữ của con phát triển hơn. Con có nhu cầu được thể hiện sự độc lập, sở hữu thứ mà mình muốn. Chính vì vậy, đôi khi con có những biể hiện hành vi “hiếu chiến”. Trong giai đoạn này, bố mẹ cần chú ý việc giao tiếp với bé để con hiểu hành vi của mình như vậy là không tốt, cũng như bố mẹ có thể hướng dẫn bé cách khác để thể hiện cảm xúc của mình. Bố mẹ cần tuyệt đối bình tĩnh khi dạy con trong giai đoạn này. Việc nổi nóng, la hét, đánh mắng con không hề giúp con thay đổi hành vi theo hướng tích cực mà con làm con học theo bố mẹ tính cách không tốt này. Ngoài ra, bố mẹ cần dứt khoát, rõ ràng phản ứng khi con có biểu hiện hành vi hung hăng. Bố mẹ nên tách con ra khỏi tình huống con có hành vi đánh bạn và cho con thời gian để bình tĩnh lại. Đặc biệt, bố mẹ cần chú ý nhần mạnh vào những điều bé làm tốt thay vì tập trung đến những hành vi còn chưa đẹp của con. Hãy cho bé được vận động một cách tích cực mỗi ngày bởi bản thân việc dư thừa năng lượng cũng có thể khiến tâm lý bé thiếu ổn định, bé hay cáu gắt và có hành vi hung hăng. 2. Bé nói dối Nghiên cứu cho thấy, cho đến khi bé được 3-4 tuổi, con vẫn chưa phân biệt được những gì là sự thật và những gì là sự hư cấu. Do đó, bé không biết thế nào là nói dối hay nói thật. Việc con nói dối xuất phát từ các lý do như sự sáng tạo của con quá phong phú đến mức con nghĩ rằng những điều con tin là có thật hoặc do não bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển, đôi khi con hay quên những việc mình đã làm … Để giúp bé hạn chế việc nói dối, trước tiên bố mẹ cần khuyến khích con nói thật. Đừng mắng mỏ con bởi điều đó càng làm bé sợ hơn mà thôi. Bố mẹ hãy cho bé thấy được những cảm xúc tích cực của bố mẹ khi con nói thật nhé! Ngoài ra, bố mẹ đừng bắt tội con khi bé đã làm sai điều gì. Thay vào đó, bố mẹ có thể gợi ý những việc làm tốt để giải quyết vấn đề bé đã gây ra. Ví dụ thay vì mắng con làm bẩn nhà, bố mẹ có thể hỏi bé có muốn giúp mẹ dọn nhà hay không. Tâm lý trẻ giai đoạn này rất thích được “ra tay nghĩa hiệp” giúp bố mẹ và được khen ngợi. Chính vì thế, bé sẽ giúp bố mẹ ngay đấy! Bên cạnh đó, bố mẹ đừng kì vọng quá nhiều con sẽ luôn tuân thủ 100% các qui tắc bố mẹ đặt ra. Bé có thể nói dối để tránh việc cảm thấy bố mẹ thất vọng về mình. 3. Bé thường xuyên la hét Việc bé la hét nhiều trong giai đoạn tập đi là do bé mong muốn có được sự chú ý của bố mẹ hoặc bé muốn giải tỏa cảm xúc khó chịu khi con không có được thứ mình muốn. Như đã nói ở trên, giai đoạn tập đi thường trùng với giai đoạn tập nói nên con rất thích sử dụng nguồn năng lượng từ giọng nói của mình và chăm chỉ luyện tập chúng. Để đối phó với hành vi này của con, bố mẹ nên yêu cầu con nói ở mức âm lượng vừa phải đủ nghe. Nếu con la hét vì quá phấn khích, đừng trách mắng con, mà hãy tìm cách khuyên bé nhỏ âm lượng mình đang phát ra. Bố mẹ có thể chơi với bé trò “thì thầm hay nói to” để con biết cách lựa chọn mức độ âm lượng giọng nói của mình phù hợp với hoàn cảnh. Giai đoạn nào bé phát triển càng nhanh thì con lại càng nhạy cảm. Bố mẹ hãy luôn bình tĩnh để hiểu con hơn trong suốt thời gian nuôi dạy bé nhé!