Ngày nào cũng thấy các bố các mẹ than thở về khủng hoảng tuổi lên 2 của con mình. Con nó chẳng chịu ăn gì cả, nói gì cũng không, hơi động một tí là ăn vạ, nổi cơn tam bành và gào thét, lăn ra đất giữa chốn công cộng! Bảo ra ăn cơm không ăn, bảo cất đồ chơi không cất, bảo đi tắm không chiu, làm cái gì cũng lề mề… Dường như bố mẹ nào cũng cảm thấy sự mệt mỏi khi có con ở độ tuổi này. Thế nhưng tuổi lên 2 thực ra cũng có rất nhiều những điều thú vị, vô vàn những giây phút đáng yêu, những niêm vui nho nhỏ xen lẫn bất ngờ mỗi ngày… Tuổi lên 2 thực ra cũng rất tuyệt vời! Lên 2 tuổi con biết quan tâm đến bố mẹ hơn. Vừa thấy mẹ đập chân vào bàn là chị My đã sốt sắng chạy lại “Are you ok? Are you ok? Are you crying? Mẹ đau chân à? Are you ok??” mặt chị thì cau lại, hai cái mày nhíu vào nhau ra cái vẻ lo lắng lắm. Chân thì đau nhưng mẹ cũng phải cố mà trả lời cho nhanh, không thì sẽ bị chị hỏi đến khi nào mẹ từ đau chân chuyển thành đau đầu mới thôi. Lên 2 tuổi, độ nịnh bợ của chị lên cao… Có hôm thấy mẹ thay váy chuẩn bị đi chơi, chị chạy lại đứng hình mất 1s suy nghĩ, nghĩ rồi chị thốt lên “I like your dress!” xong rồi cười tủm tỉm chạy ra soi gương miệng vẫn lẩm bẩm “I really like your dress” … Bình thường hỏi chị có yêu bố không thì chị đánh trống lảng “My yêu mẹ”. Nhưng có hôm bố cho ăn cái bánh, hỏi My ơi My có yêu bố không là chị gật gật tới tấp. Ăn xong còn không quên nịnh thêm “I like you a lot Daddy”. Lên 2 tuổi mỗi lần đi học về chị lại tíu tít kể chuyện ở lớp, kể hết tên các bạn, rồi kể hôm nay con chơi gì. Kết luận lại là tự khen “My ngoan, My đi học “hông hóc”, My đi học vui!”. Vừa đi đường vừa chỉ “It’s a bus! It’s a big truck! Xe cứu hỏa!! SUV!” Nói cái gì nó cũng phải hét lên với tột đỉnh của sự hào hứng. Mà nó cứ hét đi hét lại cho đến khi mẹ phản ứng mới … hét tiếp sang cái khác!!! Mỗi ngày đi học chị lại biết thêm vài điều mới. Có hôm vừa mở sách ra chị chỉ ngay “Chữ K đây này! Chữ AAA! Chữ MMMM – EMMMIILYYY!!”. Có hôm lại thấy lải nhải một bài hát lạ hoắc mà bố mẹ google lyrics mãi ko ra. Hay đột nhiên thấy chị biết cách gập chăn cuộn tròn lại dựng vào một góc rất chỉn chu. Như kiểu hàng ngày đến lớp ủ mưu luyện công cho thuần thục chờ ngày về nhà thể hiện cho bố mẹ ngạc nhiên há hốc mồm. Lên 2 tuổi chị thể hiện là một thanh niên rất tự lập. Buổi trưa có lần chị tự lò dò đi xuống nhà, gặp bố, bố hỏi “ơ My dậy lâu chưa?” -*gật gật* “My dậy chơi xếp hình”… còn mẹ thì vẫn say giấc nồng ko hề hay biết =)) Nhiều khi bảo chị làm này làm kia chị không chịu, nhưng dụ chị rằng thế My tự đánh răng/tắm/cởi áo/mặc quần là chị hào hứng làm ngay. Dụ thế mà xong chị biết tự làm thật. Mẹ cũng để chị tự luôn. Quá rảnh. Lên 2 tuổi chị đã thể hiện độ hài hước và lầy lội của mình. Có lần trên máy bay thấy có một mùi hương thoang thoảng, My chun mũi phẩy tay “Mùi gì thế?!” xong quay sang bố cười khoái trá “Bố đánh rắm” =)))) (xin đính chính là ko phải tại bố cháu đâu ạ!) Cũng may là trên máy bay không có cô chú nào nói Tiếng Việt không thì thật là xấu hổ cho bố cháu… Bí kíp để tận hưởng tuổi lên 2 đó chính là là sự nhất quán. Thời gian biểu đều đặn mỗi ngày sẽ khiến việc ăn, ngủ, tắm rửa, đi học trở nên dễ dàng hơn. Tuổi lên 2 không phải là lúc để bố mẹ ngẫu hứng thích làm gì thì làm. Chỉ cần một hôm lười không đọc sách trước khi đi ngủ thôi để nhanh nhanh tống nó vào cũi là mẹ chắc chắn lãnh đủ. Chắc chắn con sẽ mè nheo, rồi bực tức, kết cục là con thì khó ngủ và mẹ thì chả tiết kiệm được một giây nào. Thế nên là không được lười nha bố mẹ! Thời gian biểu hàng ngày giúp con biết được hoạt động gì đang chờ đợi tiếp đó. Và việc ăn, ngủ, đi học là việc đương nhiên không phải bàn cãi. Bố mẹ hãy cố gắng dành 100% sự tập trung lúc ở bên con. Cá chắc là các bố các mẹ đều một mắt trông con một tay lướt facebook (Tui cũng vậy…). Nhưng chính sự thiếu tập trung của bố mẹ khiến con cảm thấy rằng con phải gào lên, phải nghịch, phải phá vì đó là cách duy nhất đã được chứng minh là hiệu nghiệm để có được sự chú ý của người lớn. Ngồi chơi ngoan thì bố mẹ lờ mình luôn cơ! Hơn nữa khi không để ý đến việc con chơi, rất nhiều lần bố mẹ sẽ không kịp dự đoán và ngăn chặn một tai họa đang ập đến cho tới khi quá muộn! Ví dụ như khi con muốn vẽ, nếu mẹ cùng chơi với con, mẹ sẽ hào hứng hướng con tới những tờ giấy trắng tinh thơm tho, dạy con vẽ hoa vẽ chó vẽ mèo. Nhưng chỉ 5’ không để ý, cả bức tường trắng đã có thể trở thành một bức họa lem nhem và tất nhiên lúc này mẹ chỉ có cách gào lên “KHÔNG!!!” thậm chí mắng và đánh con vì quá tức. Như vậy thì quá muộn rồi! Mục tiêu của mình là muốn con dùng lời nói để biểu đạt những gì con muốn, để thể hiện cảm xúc, cũng như giải tỏa những bức bối trong người, thay vì gào thét, đập phá, hay giận dỗi lầm lì, gọi/hỏi không thưa. Để giúp con làm được như vậy, bố mẹ cũng hãy làm gương, dùng lời nói để chỉ bảo, giải thích thay vì thách thức “Thế bây giờ thích ăn đòn ý gì?”, Gào thét “Đi úp mặt vào tường ngay!”, hay đùng đùng phạt, đánh mà ko biết tại sao “Con phải làm vì mẹ bảo thế!”. Tất nhiên việc giữ được “thần thái” từ tốn này là cả một quá trình học và luyện tập của chính bố mẹ. Làm bố làm mẹ cũng là lúc mình gặp nhiều cảm xúc tiêu cực vì cuộc đời bỉm sữa nào đâu dễ dàng?! Nhưng quan trọng là bố mẹ học cách xả chúng ra một cách lành mạnh, không gây thương tổn cho người khác, nhất là con mình. Lúc mình dễ mất bình tĩnh với con nhất là lúc mình bực bội khó chịu trong người dù là việc ở cơ quan, việc bà hàng xóm hay mấy cái comment khẩu nghiệp trên mạng. Và việc xả lên con thật quá dễ dàng. Con bé hơn những người lớn ngoài xã hội kia, con không thể cãi, ko thể đánh lại mình được, nên có gì tức quá cứ mắng con cho bõ! Đừng nhé bố mẹ! Lúc bực bội hãy nhờ người khác trông con giúp, hãy tách mình ra khỏi con để hít thở bình tĩnh lại một chút (time out), có thể đi ra phòng khác xả nỗi giận vào gối, hét hò 1 tí cho giải tỏa hết nối bực tức. Việc này giống như việc mình để con gào khóc ăn vạ thoải mái mà không can thiệp (tantrum), sau đó chờ giông bão đi quá mới bình tĩnh ngồi xuống nói chuyện. Phải trải qua giai đoạn đối mặt với sự bức bối thì mới có thể lấy lại sự bình tĩnh và vượt qua. Bố mẹ làm như nào, con sẽ học cách làm giống như vậy! Và nên nhớ lâu lâu đi xả hơi và chăm sóc chính bản thân mình cũng là một cách gián tiếp quan tâm tới con. Bố mẹ hạnh phúc chắc chắn con sẽ hạnh phúc. Dù tuổi lên 2 có khủng hoảng đến đâu, thì mỗi đêm đi ngủ mẹ vẫn sẽ nhớ nhất là những cái ôm của con, những lúc con chạy lại hôn lên má mẹ, là lúc con sà vào long bố nói “I like you a lot”, là khi cho con vào cũi, tắt đèn đóng cửa rồi vẫn thấy tiếng con gọi vọng ra “Good Night Mommy, I love you Mommy”. Còn gì tuyệt vời hơn thế! Mọi người Follow page của My và mẹ nha! Mymyeveryday