Bố mẹ phải hết sức lưu ý để giữ gìn sức khỏe cho bé khi trời chuyển lạnh. Khi thấy bé bắt đầu với một trong các triệu chứng ho, sổ mũi, ngạt mũi, viêm phế quản, hoặc hâm hấp sốt là “bác sỹ mẹ” có thể chẩn đoán ngay: Bé hơi nhiễm lạnh rồi đó! Trước khi đưa bé đến phòng khám, bố mẹ có thể can thiệp sớm theo các bước sau đây để hạn chế sử dụng thuốc cho bé nhé. 1. Vệ sinh mũi họng ngay lập tức và duy trì đều đặn mỗi ngày 2-3 lần Cảm lạnh là chứng bệnh thường gặp ở trẻ với tần suất có thể lên tới 8 lần trong một năm. Bé có thể nhiễm lạnh từ mũi, họng và tai. Vì vậy, động tác đầu tiên mẹ cần làm là “tổng vệ sinh” để loại trừ vi khuẩn tích tụ ở các cửa ngõ. Nhưng, hãy loại trừ tai ra nhé, vì tai có cơ chế làm sạch riêng, không cần và không nên can thiệp thường xuyên như mũi và họng. Bắt đầu thôi nào! Các dụng cụ cần có: Nước muối sinh lý, hoặc lọ muối biển dạng xịt Dụng cụ hoặc máy hút mũi Gạc rơ lưỡi Siro ho (mua sẵn ở hiệu thuốc hoặc tự chưng cất từ đường phèn, mật ong, quất, lá húng chanh, chanh đào, hoa hồng bạch...) Bước 1: Làm loãng dịch mũi bằng nước muối sinh lý Sử dụng nước muối sinh lý ấm là một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để làm mềm và loãng dịch nhầy trong mũi. Khi chớm có hiện tượng sổ mũi, mẹ dùng ngay cách này có thể ngăn cản sự tấn công của vi khuẩn chỉ trong vòng 3-4 ngày. Ngâm nước muối sinh lý trong nước ấm vài giây, sau đó thử độ ấm của nước muối bằng cách ngửa cổ tay mẹ, nhỏ vài giọt lên cổ tay. Nước ấm vừa phải là khi tay mẹ không cảm thấy lạnh hoặc nóng – mẹ nhớ là niêm mạc mũi của bé rất mỏng và dễ tổn thương nhé. Đặt bé nằm trên đùi mẹ, đầu hơi ngả về sau. Nhẹ nhàng nhỏ 2-3 giọt nước muối vào mỗi lỗ mũi của trẻ (tránh chạm trực tiếp ống nhỏ vào mũi để hạn chế nhiễm khuẩn). Sau khi nhỏ xong, mẹ giữ bé ở tư thế đầu ngả về sau một vài phút. Sau đó nâng đầu em bé dậy, dùng dụng cụ hút mũi để lấy nước mũi ra cho trẻ. Lưu ý: đầu bé ngửa ra sau đến khi lỗ mũi hướng thẳng lên trời là tốt nhất để tránh dịch nhầy trong mũi trôi xuống họng mẹ nhé. Lọ muối biển dạng xịt có vẻ dễ sử dụng hơn, nhưng thực tế nó cũng có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như nước trong lọ thường bị lạnh, dẫn đến làm mũi bé lạnh thêm; tia xịt mạnh và sâu khiến bé khó chịu, ko hợp tác. Tuy nhiên, đây vẫn là một lựa chọn cho mẹ cân nhắc, tùy theo em bé của mẹ cảm thấy thoải mái với kiểu nào nhé. Bước 2: Hút mũi Mami dùng hút mũi quả bóng cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng là hợp lý nhất vì lực hút nhẹ, êm. Mẹ bóp nhẹ bầu bóng để tạo chân không, sau đó đưa đầu hút vào một bên mũi bé. Từ từ nhả bầu bóng để các chất dịch được nhẹ nhàng hút lên. Với bé lớn hơn, mẹ có thể dùng dụng cụ hút dạng ống hoặc máy hút mũi, có lực hút mạnh hơn một chút. Một đầu đưa vào một bên mũi bé, đầu kia mẹ ngậm và dùng lực của mình để hút mũi ra. Mẹ nhớ lựa lực hút vừa phải để bé yêu không bị đau nhé. Mẹ tham khảo thêm các loại máy hút mũi cho con tại đây nha! Bước 3: Làm sạch họng Sử dụng gạc rơ lưỡi, bọc vào ngón tay, nhúng nước muối sinh lý ấm để lau sạch toàn bộ khoang miệng và họng trẻ. Có thể đưa ngón tay sâu một chút, kết hợp vỗ rung long đờm để kích thích bé ọe đờm ra. Việc này mẹ nên làm vào sáng sớm khi bé chưa ăn gì để không bị trớ nhé. Cuối cùng mẹ nhỏ nước muối sinh lý hoặc xịt muối biển vào họng cho bé cảm thấy dễ chịu hơn. Vậy là mình đã hoàn thành 3 bước vệ sinh mũi họng cho bé rồi đấy! Với những trường hợp nhiễm lạnh nhẹ, mẹ chỉ cần kiên trì vệ sinh đường hô hấp trên của bé theo cách này, sau đó hòa 1 thìa cafe siro ho vào nước ấm rồi cho bé uống, ngày 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hầu hết các dấu hiệu viêm nhiễm sẽ chấm dứt sau 3-4 ngày. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không đỡ, thậm chí dịch mũi đổi từ màu trắng sang màu vàng hoặc màu xanh. Lúc này thì mẹ nên đưa bé đi khám rồi, có thể bé sẽ phải dùng thuốc kháng viêm và hiện tượng sổ mũi có khả năng kéo dài đến 2 tuần. 2. Xông hơi “truyền nhiệt” cho bé để hóa giải cái lạnh trong cơ thể Cách 1: Xông hơi khi bé nghẹt mũi, tức ngực, khò khè và ho Trước khi cho trẻ vào phòng tắm, mẹ hãy biến nơi này thành phòng “sauna” để giúp con thông mũi, giảm tức ngực và giảm ho. Mẹ đóng kín cửa và xả nước nóng vào chậu hoặc bồn tắm để nước nóng tỏa hơi nghi ngút, sau đó cho bé vào xông khoảng 10-15 phút. Mẹ lưu ý giữ an toàn cho trẻ, tránh trẻ tiếp xúc với nước nóng dẫn đến bị bỏng. Sau khi trẻ cảm thấy thoải mái, mẹ nên dùng tay vỗ lên ngực trẻ để tác động giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn. Việc xông hơi cho trẻ có thể được tiến hành thường xuyên trong suốt mùa cúm và định kỳ hàng ngày, rất tốt cho hệ hô hấp của trẻ. Cách 2: Xông tinh dầu bạc hà (điều trị tức ngực, viêm xoang, ho với trẻ lớn hơn 2 tuổi) Mẹ có thể đốt tinh dầu bạc hà trong phòng để tạo hương thơm nhẹ nhàng. Hít hà mùi hương tinh dầu bạc hà có tác dụng kích thích các mạch máu dãn ra, “mở lối” cho không khí đi vào, giúp trẻ hít thở dễ dàng trong những ngày ngạt mũi. Nhưng mẹ cần lưu ý quan sát trẻ xem mùi hương như vậy có quá mạnh đối với trẻ hay không. Một số trẻ có thể dị ứng với hương tinh dầu, do vậy mẹ phải ngưng sử dụng tinh dầu ngay khi thấy trẻ thở khò khè hơn. 3. Massage cơ thể, tập trung vào gan bàn chân của bé Khi bị cảm, cơ thể bé sẽ đau mỏi rã rời, khiến bé khó chịu và quấy khóc. Bé sẽ dễ chịu hơn nếu được massage toàn thân. Lúc này mẹ dùng dầu massage và nhẹ nhàng xoa, day nhẹ toàn thân cho bé từ đầu đến chân, trong đó gan bàn chân là nơi mẹ nên tập trung hơn cả. Mẹ xác định huyệt Dũng Tuyền bằng cách khum bàn chân của bé lại, mẹ sẽ thấy phần lõm sâu cách ngón chân khoảng 1 đốt tay của bé. Tại điểm huyệt đó, mẹ thêm một chút dầu tràm, dầu bạc hà hoặc kem giữ ấm xoa và day kỹ đến khi thấy lòng bàn chân bé ấm lên là được. Khi trời lạnh hẳn, một đôi tất thấm hút tốt và thông thoáng xỏ vào chân bé sau khi massage sẽ giúp mẹ giữ ấm bé suốt giấc ngủ ban đêm. 4. Ngoài các biện pháp trên, mẹ hãy chú ý: Bổ sung thêm nước cho trẻ vì cơ thể trẻ sẽ mất khá nhiều nước khi ngạt mũi, sổ mũi, sốt. Việc tăng cường lượng chất lỏng qua sữa, nước lọc, nước hoa quả và súp sẽ nhanh chóng bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, đồng thời tạo ra sức đề kháng tốt với các loại vi trùng và chống nhiễm trùng. Các mẹ nên khuyến khích trẻ uống gấp đôi lượng nước bình thường. Với trẻ bú mẹ, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và không hạn chế nếu bé vẫn có nhu cầu. Với các bé bú bình thì mẹ cần cho trẻ uống thêm nước giữa các lần ăn khác nhau. Các mẹ nên đặc biệt chú ý, trong những ngày này, sữa là thức ăn thiết yếu, không chỉ cung cấp calo, protein, chất béo, một số vitamin và khoáng chất mà còn bổ sung các chất lỏng cần thiết cho cơ thể trẻ. Tạo tinh thần thoải mái cho trẻ Khi chăm sóc trẻ, đặc biệt là trong thời gian trẻ ốm, mẹ cần luôn vỗ về và an ủi trẻ để trẻ cảm thấy được chăm sóc và yêu thương. Các chuyên gia đều đồng ý rằng sự quan tâm tích cực của cha mẹ sẽ làm sao lãng đi các tác động của bệnh tật. Cha mẹ nên tạo cho bé một bầu không khí thật thoải mái để bé được thư giãn và nghỉ ngơi. Cố gắng âu yếm và đọc truyện cho trẻ nghe để con dễ dàng trôi vào giấc ngủ. Nên để trẻ ngủ cạnh giường cha mẹ để tiện chăm sóc bé vào ban đêm. Có thể bỏ đi các nguyên tắc thường ngày để cho trẻ xem một bộ phim hoạt hình hoặc một chương trình yêu thích sẽ khiến trẻ thoải mái và giúp trẻ cảm thấy khỏe lại. Đưa bé đến bác sỹ vào lúc nào là phù hợp? Việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ là cần thiết bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe của trẻ, nhưng các mẹ đặc biệt lưu ý về các dấu hiệu mà trẻ chắc chắn cần được sự kiểm tra của bác sĩ: - Sổ mũi và đau họng kéo dài; - Đau tai; - Nôn mửa hoặc tiêu chảy; - Ho nặng tiếng; - Sốt cao và không giảm nhiệt độ sau khi uống thuốc hạ sốt; - Trẻ tỏ ra mệt mỏi và nằm bẹp; - Khó thở Với các biện pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hy vọng các bé yêu của chúng mình sẽ luôn khỏe mạnh, ấm áp, tươi vui, bất chấp mọi cơn gió chướng của mùa đông khắc nghiệt!