Luyện tự ngủ cho bé là một "chiến dịch" cần rất nhiều kiến thức và sự quyết tâm của mẹ, Tiếp nối chuỗi Bí kíp luyện ngủ thành công (Hiểu về giấc ngủ trẻ sơ sinh và Thiết lập nếp ngủ từ khi chào đời), Mamibuy xin cảnh báo về những sai lầm phổ biến mà rất nhiều mẹ đã vô tình mắc phải khi cố gắng áp dụng các lý thuyết rèn con tự ngủ. "Tại sao thực tế chẳng giống như những gì mình đọc được?" - rất nhiều mami luyện ngủ cho con đã thắc mắc như vậy. Rất có thể mẹ đã mắc phải một trong những sai lầm sau đây khiến cho các lý thuyết trở nê không hiệu quả 1. Tính sai thời gian thức "Thời gian thức" tính từ khi bé tỉnh giấc, ăn và chơi, cho đến khi bé nhắm mắt đi ngủ giấc tiếp theo. Các mẹ nên tham khảo bảng "thời gian thức tối đa" của trẻ theo từng độ tuổi (xem bài Hiểu về giấc ngủ trẻ sơ sinh), và hãy đưa bé đi ngủ sớm hơn thời gian thức tối đa 5-10 phút, nếu áp dụng đúng, bé sẽ hợp tác hơn nhiều khi đi ngủ, vì đã được thức đủ thời gian cho phép, mà không bị vượt quá ngưỡng nên không bị mệt mỏi, gắt gỏng. Mẹ nên tham khảo và áp dụng "nếp sinh hoạt EASY" cho con để giúp việc luyện ngủ dễ dàng hơn. EASY giúp tạo lập một chu kỳ ăn, hoạt động và ngủ tương ứng với thời gian thức tối đa ở mỗi độ tuổi của con. Ví dụ như bé trước 6 tuần tuổi có thể áp dụng EASY 3 (chu kỳ ăn - chơi - ngủ trong vòng 3 tiếng), bé 9 tuần có thể chuyển dần sang EASY 4 (bé ăn được nhiều hơn, thức lâu hơn nên 4 tiếng mới cần lặp lại chu kỳ). Ví dụ nếu mẹ áp dụng EASY 3 khi con đã 3 4 tháng tuổi thì sẽ thấy con chẳng hề sinh hoạt theo lịch này, tới giờ ngủ con cứ tỉnh như sáo, đến khi cần ăn thì con lại lăn ra ngủ... Đó là vì áp dụng sai, mức độ phát triển của hệ thần kinh, kỹ năng đã cho phép bé thức lâu hơn mới mệt, nên nếu cố cho con ngủ sớm chỉ kéo dài thời gian trằn trọc và khó chịu của bé mà thôi. Trẻ từ sơ sinh cũng có một "ngưỡng buồn ngủ" theo chu kỷ 45 phút. Cứ 45 phút kể từ khi tỉnh dậy là bé sẽ ngáp và thấy buồn ngủ, nếu lúc đó không được ngủ thì bé sẽ thức thêm 1 tiếng 45 phút nữa. Sau đó thời gian tiếp đến để ngưỡng buồn ngủ đến là 30 phút. Vì thế, các con hay ngủ ngon ở phút: 45 (hoặc 60) – 1h30 – 2h và ứng với thời gian thức tối ưu là vậy. Mẹ có thể ghi chép lại lịch sinh hoạt của bé, từ đó suy luận và thiết lập ra cho con một chu kỳ sinh hoạt phù hợp để con không bị "ép" vào một lịch trình sai, tránh dẫn đến tình trạng giờ ăn chẳng ăn, giờ ngủ chẳng ngủ, mọi thứ bé làm đều không tự nguyện sẽ khiến hai mẹ con cứ trượt dài vào những cơn khóc quấy và stress. 2. Thiếu công cụ hỗ trợ Ti giả, ủ kén, tiếng ồn trắng hoặc âm nhạc là những công cụ hữu ích đẻ hỗ trợ quá trình luyện ngủ của con. Không có gì đáng lo ngại nếu bé phụ thuộc vào các công cụ này để ngủ cả - ít nhất là trong thời gian đầu tập tự ngủ. Nếu mẹ cứ cố để con tự ngủ mà không giúp một tay, thì sẽ chỉ dẫn đến thất bại. Ngủ là bản năng sinh tồn ở bé sơ sinh, bé sẽ ngủ khi mệt nếu được hỗ trợ đúng cách. Giai đoạn ổn định thể chất (4-8 tuần tuổi) thì bé thường tự ngủ rất nhanh, chỉ cần quấn kén, tiếng ồn trắng (white noise) và ti giả. Tuy nhiên sau giai đoạn này các công cụ hỗ trợ sẽ giảm dần hiệu quả. Đến khoảng 4 tháng tuổi thì công cụ sẽ gần như không còn tác dụng nữa, lúc này mà mới bắt đầu luyện ngủ cho con thì sẽ tốn rất nhiều nước mắt và công sức. Vì vậy mẹ hãy bắt đầu giới thiệu kỹ năng tự ngủ cho con ngay từ sớm mẹ nhé. Và đừng lo lắng, mẹ có thể cai dần các công cụ hỗ trợ vào giai đoạn sau. 3. Thiếu "thủ tục trước khi ngủ" Có thể mami đã xem nhiều đoạn video các em bé tự ngủ trên mạng, rồi ua lời kể của người quen, nhầm tưởng rằng cứ đến giờ thì chỉ cần bế con vào phòng ngủ, đặt con xuống cũi là xong, con sẽ tự ngủ. Thế nhưng việc ngủ chỉ là bước hoàn tất của cả một chuỗi hoạt động có trình tự, giống như cần phải khởi động trước khi tập thể dục vậy. Việc này là để con hiểu rằng "À, khi mình tắm xong, nghe mẹ kể chuyện xong, thì tức là sắp đến giờ đi ngủ rồi", để cơ thể có thời gian sản xuất "hóc môn ngủ", cho con chuẩn bị tinh thần và vui vẻ hợp tác. Phần lớn các mẹ cũng áp dụng đầy đủ "thủ tục đi ngủ" cho con, nhưng lại thiếu một bước quan trọng ngay trước khi đặt con xuống cũi - đó là "bế vác - thư giãn". Đây là động tác giúp con chuyern từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh - thư giãn, chờ giấc ngủ. Các bé chưa quen thì thường phải bế vác thư giãn trong khoảng 10-20 phút, đến khi bé đã có nếp ngủ rồi thì có lúc mẹ chỉ cần bế chưa đầy một phút con đã nhận tín hiệu và díp mắt lại rồi. Tuy nhiên mẹ nhớ nhé, bế và cho bé thư giãn để "chờ ngủ" chứ không phải là bế để bé ngủ trên tay mẹ rồi mới đặt xuống - đây lại là bế ru rồi, chứ không phải cho con "tự ngủ" nữa. 4. Thiếu thời gian chờ Phải đến 90% các mẹ không dám tin tưởng rằng con sẽ ngủ mà không cần mẹ can thiệp, nên sau khi đặt con xuống cũi thì lại... ra sức vỗ về vuốt ve con, vô tình làm phiền khiến con không thể tự tìm đến giấc ngủ. Mẹ cứ chần chừ không dám rời tay sau khi đặt con, như vậy chính là đang tự phủ định ngay từ đầu "Chắc con không làm được đâu!". Mẹ cần tránh suy nghĩ này và tin con, cho con cơ hội tự xoay sở. Khi con khóc, mẹ cần kìm chế ham muốn lập tức lao tới vỗ về con, mà hãy chờ đủ 3 phút, rồi tăng dần lên 5 phút, 7 phút... mới quay lại bên con, cho ti giả hoặc vỗ, suỵt... thì con sẽ dần học được cách tự nín khóc và ngủ. Khi tự ngủ thành thục thì thời gian chờ này sẽ biến mất, con sẽ không khóc khi sắp ngủ nữa. Có mẹ cố bế con tới mấy tiếng đồng hồ không dám buông, dỗ, hát, ti... các cách mà con vẫn cứ khóc ngằn ngặt. Đến khi đặt xuống 5 phút rồi cho ngậm ti giả thì con lại lăn ra ngủ ngay! Đó chính là vì thật ra con có khả năng tự ngủ, nhưng mẹ lại cứ làm phiền và cản trở cách tự trấn an của con. 5. Đổi phương pháp liên tục Nếu như mami bừng bừng khí thế mỗi khi học được một phương pháp rèn ngủ, nhưng sau vài lần thấy không hiệu quả bèn đổi ngay sang phương pháp mới, hoặc hôm trước được hôm nay hỏng lại "buông" luôn, thì sẽ chỉ càng ngày càng thất bại mà thôi. Người lớn để rèn luyện một kỹ năng mới còn mất rất nhiều thời gian thực hành, huống chi là em bé sơ sinh học cách tự ngủ, tự trấn an. Sẽ không thể có chuyện một lần được luôn. Vậy nên các mẹ hãy kiên trì, nhất quán và hãy cho con thời gian để "hiểu bài" và điều chỉnh nhé. Quá trình rèn con tự ngủ có thể rất vất vả, nhưng kết quả sẽ vô cùng ngọt ngào, và sẽ đem lại phần thưởng xứng đáng là giấc ngủ êm đềm cho cả mẹ và con. Chúc các mami thành công với "chiến dịch luyện ngủ" nhé!