Cho con bú những tưởng là việc vô cùng tự nhiên và đơn giản, hóa ra lại là một hành trình nhiều khó khăn vất vả đối với các mami trẻ sinh con lần đầu. Nào là làm sao để có tư thế cho bú thoải mái để đỡ đau đớn nhức mỏi. Ăn uống nghỉ ngơi thế nào để duy trì nguồn sữa mẹ. Đã thế, lại còn có những lúc bỗng nhiên mẹ bị "thất sủng". Có những bạn nhỏ đang bú sữa mẹ rất trôi chảy, bỗng nhiên khoảng 3 4 tháng tuổi lại đổi tính chê ti mẹ, nhất định từ chối và phản kháng, thậm chí sẵn sàng nhịn đói chứ không thèm bú mẹ. Hãy cùng Mamibuy đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này nhé! Các chuyên gia luôn khuyến mẹ nên cho con bú trong ít nhất 6 tháng đầu đời, và tiếp tục duy trì bú mẹ cùng với việc bổ sung các thực phẩm khác cho đến khi 2 tuổi. Vậy tại sao bé lại nhất định từ chối bú mẹ khi mới chỉ vài tháng tuổi? Rất hiếm trường hợp trẻ dưới 1 tuổi tự cai sữa, và quá trình cai cũng diễn ra rất từ từ chứ không phải thay đổi thái độ đột ngột như thế. Có thể việc bé không chịu bú mẹ bắt nguồn từ một trong những nguyên nhân sau: 1. "Ti bình thích hơn mẹ ạ!" Có những bé bú mẹ ròng rã nhiều tháng rất suôn sẻ, rồi bỗng "có mới nới cũ" ngay sau khi được mẹ giới thiệu việc bú bình vài lần. Đó là vì bú bình dễ hơn, lượng sữa chảy đều và nhiều làm cho bé thích hơn. Trường hợp này có lẽ mẹ sẽ cần kiếm cho con núm ti có tốc độ chảy chậm nhất (size S, dành cho trẻ mới sinh), để cho trẻ cảm thấy ti mẹ và ti bình không quá khác biệt, sẽ đỡ "mê" bình hơn. Mẹ đọc thêm bài này để hiểu rõ hơn nhé: Làm thế nào để Làm thế nào để giảm bớt bú bình và bé chấp nhận ti mẹ? 2. "Con nằm không thoải mái! Và người mẹ nóng quá!" Khi bé lớn dần, một số tư thế bú mẹ có thể làm cho bé cảm thấy gò bó, không thoải mái. Việc cứ phải áp chặt vào người mẹ cũng có thể làm bé nóng nực, khiến việc bú sữa trở nên khó chịu. Mami hãy tìm một số tư thế cho bú phù hợp và lưu ý đến cảm giác của bé nhé. Ngoài ra hãy mặc những chiếc áo rộng rãi, chất vải mềm mát dễ chịu khi cho con ti. Mẹ cũng nên dùng những chiếc gối để hỗ trợ khi bế con, hoặc cho bú nằm, vừa thoải mái vừa giảm thiểu lượng nhiệt tỏa ra từ cơ thể khiến con bị nóng. 3. "Mẹ ơi sữa lúc thì ào ào lúc thì nhỏ giọt!" Khi mẹ căng sữa, khi bú bé có thể bị nghẹt thở, nuốt không kịp và sặc do sữa xuống quá nhanh và nhiều. Việc này khiến con dần dần sợ bú mẹ. Để khắc phục, mỗi khi chuẩn bị cho bú mẹ có thể vắt bớt sữa đầu để giảm căng sữa. Ngược lại, khi sữa tiết quá chậm làm con bú mãi mà không no cũng khiến bé chán nản. Mẹ hãy cho con bú thường xuyên hơn nữa, ngoài ra nên tắm vòi sen, massage xoa bóp ngực đẻ kích thích dòng sữa chảy nhanh hơn. Mẹ cũng cần chú ý đến khớp bú đúng cho bé nữa nhé! 4. "Con ốm! Con bị đau! Con chán ăn! Con thích ti giả! Con thích sữa khác!" Nấm lưỡi, mọc nanh sữa, nhiễm trùng tai, ngạt mũi, hoặc đau nướu khi đang mọc răng cũng có thể khiến bé không thiết bú. Nhiều trẻ còn trải qua những giai đoạn biếng ăn sinh lý kéo dài vài tuần. Ngoài ra cũng có thể bé phụ thuộc và yêu thích ti giả, hoặc đã phân biệt vị sữa mẹ và sữa công thức...v.v... Mẹ hãy quan sát để phát hiện và có biện pháp điều chỉnh nhé. Các mami hãy cứ bình tĩnh nếu có những lúc con đột ngột từ chối ti mẹ nhé. Hãy để ý thật nhiều đến bé, loại bỏ những trở ngại nêu trên, và đừng nản chí, hãy kiên trì "mời" con tu ti, dần dần khi bé cảm thấy thoải mái hơn, bé sẽ lại bú mẹ đều như trước thôi. Bài đọc thêm: Mẹ không nên ăn gì khi cho con bú?