Những ngày cuối của thai kỳ, các mẹ bầu thường có tâm lý chung là lo lắng, hồi hộp. Để cho kì vượt cạn mẹ tròn con vuông, các mẹ bầu cũng nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định để chuẩn bị chào đón thành viên mới trong gia đình, nhất là những mẹ bầu mang thai lần đầu. Và kiến thức đầu tiên các mẹ cần biết đó chính là các giai đoạn và dấu hiệu của chuyển dạ. Chuyển dạ là quá trình thai nhi và rau thai được đưa ra khỏi buồng tử cung qua đường âm đạo.Thông thường, chuyển dạ bao gồm 3 giai đoạn chính: bắt đầu chuyển dạ, sổ thai (rặn và sinh) và sổ nhau. Giai đoạn thứ nhất: Bắt đầu chuyển dạ Dấu hiệu chuyển dạ đầu tiên của mỗi mẹ bầu sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, có một số dấu hiện phổ biến mà các mẹ bầu thường gặp như co thắt ở tử cung mạnh lên, cổ tử cung giãn nở và mỏng đi, màng ối vỡ. - Các cơn co thắt tử cung: Trong giai đoạn đầu, các cơn co thắt âm ỉ giống như đau bụng kinh. Các cơn co thắt có thể nhẹ nhàng và hơi bất thường, xuất hiện cách khoảng 5-30 phút và kéo dài từ 30 đến 45 giây. - Cổ tử cung giãn nở: cơn đau sẽ tăng thêm khi cổ tử cung giãn nở hoàn toàn, cổ tử cung trong giai đoạn này giản nở từ 8 – 10cm. Các mẹ có thể sẽ cảm thấy đau dữ dội, các cơn đau cách nhau từ 1-3 phút, kéo theo cảm giác mệt mỏi, buồn nôn. Và nếu cảm giác rõ ràng hơn, các mẹ có thể cảm nhận được em bé đang di chuyển ra phía cửa âm đạo - Vỡ nước ối: Lớp màng mỏng của túi ối có thể vỡ ra, hoặc rỉ ra, tùy từng trường hợp mà lượng nước rỉ ra sẽ nhiều hay ít. Các mẹ yên tâm là dù có chảy hay không thì đầu bé cũng sẽ chặn lại lỗ hổng này. Các mẹ có thể nhận biết nhờ vào nhận dạng lớp khí hư hơi đặc, lẫn máu. Thông thường, màng ối vỡ tự nhiên gần ngày sinh sẽ báo hiệu cơn chuyển dạ xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau đó. Giai đoạn thứ hai: Sổ thai (rặn và sinh) Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi cổ tử cung của mẹ bầu mở được 10 cm và kết thúc khi bé được sinh ra. Nếu mẹ bầu mang thai con đầu lòng thì giai đoạn này có thể kéo dài tới 1 tiếng, hoặc thậm chí lâu hơn. Còn nếu là bé thứ hai trở đi thì có khi chỉ kéo dài 5 phút mà thôi. Cơ thể của mẹ bấu sẽ báo hiệu khi nào thì nên rặn,vì lúc đó em bé thúc xuống âm đạo và bạn không thể kiềm chế được cảm giác muốn rặn. Khi đầu em bé đã lọt qua ngoài, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu ngừng rặn, thay vào đó là thở nhanh và đều đặn một lúc. Lúc này, các mẹ hãy nghe theo sự chỉ dẫn và hợp tác với các bác sĩ nhé! Giai đoạn thứ ba: Sổ nhau Các mẹ có thể nghĩ rằng khi em bé ra ngoài, tức là quá trình sinh nở đã xong, mà quên mất rằng vẫn còn một giai đoạn cuối cùng, đó là sổ nhau thai ra ngoài. Sau khi em bé chào đời, tử cung sẽ dịu đi khoảng 15 phút, sau đó bắt đầu co thắt để đẩy lá nhau ra ngoài. Giai đoạn này hầu như không đau và thường kéo dài từ 10 – 20 phút, hoặc ngắn hơn. Vậy là các mẹ bầu đã hoàn tất quá trình sinh nở rồi đấy! Chúc các mẹ bầu và các mẹ sắp sinh luôn giữ được sức khỏe và tinh thần, trang bị tốt cho mình những kiến thức cần thiết để chào đón thành viên mới chu đáo hơn, an toàn hơn nhé!