Bạn sẽ thoát khỏi cảnh đều đặn vài lần thay bỉm mỗi ngày, rồi vệ sinh vùng kín của bé, bôi kem hăm, và cả xuất ví mua bỉm với gương mặt mếu nhiều hơn cười. Nhóc tì nhà bạn sẽ thoát khỏi cái bịch bông dày khự vướng víu, lúc nào cũng dính vào mông ẩm ướt. “Mùa xuân” đó bao giờ sẽ đến với mẹ con bạn? Đừng chờ đợi, mà hãy chủ động giắt lưng chút vốn liếng để tạo nên “mùa xuân” khi thời cơ xuất hiện. Khi nào là thời điểm thích hợp để bỏ bỉm? Thời điểm bỏ bỉm ở các bé là không giống nhau bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sinh hoạt, lứa tuổi, giới tính của bé, cách hướng dẫn của người lớn và cả nhận thức của bản thân trẻ nữa. Con trai rất khác con gái trong việc chú ý học cách tự đi vệ sinh. Một vài trẻ biết đi vệ sinh từ 18 tháng, có trẻ lại đến hơn 2 tuổi mới tập làm việc này. Vậy thì các em bé có phát sóng nhu cầu vệ sinh chủ động của chúng không? Thật may là CÓ đấy ạ! Ở giai đoạn 20 - 28 tháng, em bé của mẹ đã có thể cảm nhận rõ ràng sự thoải mái của cơ thể khi không bị “đóng kín”. Do vậy, hãy chú tâm đến con để bắt sóng các dấu hiệu chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng bạn nhé: Tã của bé khô trong một thời gian dài, chứng tỏ bàng quang và ruột của bé đang phát triển. Bạn nói “tè” hoặc “bô” trong lúc thay bỉm, và bé hiểu từ đó nghĩa là gì Bé có thể dùng tay tự kéo quần lên và xuống Bé biết khóc, làm ồn cho cha mẹ chú ý khi có nhu cầu Bé hiểu các hướng dẫn cơ bản về động tác và có thể làm theo chỉ dẫn Bé hiểu cảm giác ướt và khô Bé thích quan sát và bắt chước người lớn Lúc này, hãy bắt đầu khóa huấn luyện với những nguyên tắc “vàng” dưới đây Nguyên tắc số 1: Cho bé đi vệ sinh đúng giờ Đi vệ sinh sau mỗi giấc ngủ Mẹ cần cho bé biết, sau mỗi giấc ngủ bé đều cần phải đi “xả nước”. Khi bé thức giấc, bạn hãy trò chuyện một chút, nói cho bé biết bạn sẽ tháo bỉm để bé được đi vệ sinh ở bô riêng. Bé chưa quen tư thế nên có thể sẽ không đi được ngay, mẹ cho bé ngồi thêm vài phút rồi mặc quần vào, vì ngồi bô lâu quá sẽ không tốt đâu. Bé chưa đi được thì 5-10 phút mẹ lại gọi bé ra ngồi bô 1 lần cho đến khi bé làm được mới thôi. Sau đó lại mặc bỉm vào. Đi vệ sinh theo cữ Sau lần đi vệ sinh đầu tiên trong ngày, cách chừng 30 phút mẹ lại tháo bỉm, niệm thần chú “Bé ơi, đi vệ sinh!” (mẹ có thể thay “đi vệ sinh” bằng những từ khác như pipi, poopoo, đi bô) rồi đặt con vào bô. Đợi con tè xong, chúng ta lại mặc bỉm vào cho con như bình thường. Sau khi con đã biết tự kéo bô và kéo bỉm đòi đi thì có nghĩa là con biết tự đi tè rồi, các mẹ cởi bỉm ra cho con tự “chiến đấu”. Để giúp con nhận diện cảm giác “muốn”, trước mỗi lần đưa bé đi vệ sinh, mẹ hỏi: “Con có thấy buồn tè/mót tiểu/mắc tiểu không?”, “Chắc con muốn đi vệ sinh rồi nhỉ?”… Bé sẽ đáp ứng lại bằng cách nói “có”, hoặc “không”. Nếu bé nói “có”, mẹ hãy mớm thêm: “à, bé muốn đi tè rồi. Mẹ ơi, bé muốn đi vệ sinh/đi nhẹ/đi nặng…” và dặn dò “lần sau bé muốn đi thì gọi mẹ ơi như thế nhé”. Nếu bé nói “không”, mẹ sẽ bảo: “à bé chưa muốn đi”, “lát nữa bé đi thì gọi mẹ nhé”… Bé sẽ dần hiểu thế nào là cảm giác “muốn đi vệ sinh” và tự biết gọi, nhờ bạn giúp khi có nhu cầu. Đi vệ sinh trước khi ra ngoài chơi Giai đoạn mới tập luyện, mẹ hãy cho bé đi vệ sinh trước mỗi lần ra ngoài chơi, vẫn đóng bỉm và vẫn cho bé đi vệ sinh ở toilet theo đúng cữ. Hãy khen ngợi bé khi bé không đi ra bỉm nhé. Khi bé biết gọi người lớn hỗ trợ trước hầu hết các lần đi vệ sinh thì bạn có thể tự tin cho bé ra ngoài chơi mà không cần đóng bỉm nữa. Tuy nhiên bạn vẫn phải sát sao cho bé uống nước đều và đi vệ sinh đúng cữ. Vậy bé có tè dầm nữa không? Đương nhiên là có chứ, bạn cũng tiếp tục nói cho bé hiểu mình cần tránh đi vệ sinh khi đang ở ngoài đường. Mặt khác, bạn nhớ thỉnh thoảng hỏi thăm nhu cầu của bé và tìm chỗ cho bé khi gần tới cữ nha. Trong vài tháng luyện tập, bạn chịu khó mang theo vài bộ quần áo, giấy vệ sinh và túi nilon để thay cho bé trong trường hợp không may nhé. Nguyên tắc 2: Hướng dẫn trực quan sinh động Nghĩa là, tay làm tới đâu miệng nói tới đó, bạn giới thiệu cho con cách cởi quần, ngồi xuống bô, để chân thế nào cho đúng, dùng giấy lau sau khi đã hoàn tất, mặc lại quần và đổ bô/ dội toilet, và cuối cùng là rửa tay. Việc này bạn có thể dạy con trong lúc hỗ trợ con đi vệ sinh hoặc khi con theo bạn vào phòng tắm, cho bé nhìn khi bạn đi vệ sinh vì đó là lúc thích hợp để con hiểu cần phải làm những gì. Sau đó, việc chỉ dẫn bé ngồi bô hoặc vào bồn cầu sẽ diễn ra rất tự nhiên. Nguyên tắc 3: Khen kịp thời, chê đúng chỗ Bạn đừng quên khen ngợi khi bé biết gọi trước khi đi vệ sinh, hoặc làm đúng hướng dẫn của bạn ở bất kỳ bước nào. Ngược lại, sẽ có nhiều lúc bé phản đối không chịu ngồi bô, mẹ cố gắng dỗ bé ngồi lại 1-2 lần rồi hẵng bỏ cữ nhé. Ban đầu, bé chưa quen nên sẽ tè dầm rồi mới gọi mẹ. Cũng có lúc bé không chịu tè khi ngồi bô nhưng ngay khi mẹ vừa kéo quần lên thì bé lại “xả lũ”. Lại có bé hiếu động, xong việc là đứng phắt dậy làm đổ bô hoặc vấy bẩn ra sàn. Những lúc này mẹ đừng tét mông bé mà tội nghiệp nha. Mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho bé thật cụ thể điều gì đang diễn ra, gọi tên các cảm giác của bé, bằng những câu như: “Ôi, bé tè dầm rồi này”, “quần áo con bị ướt rồi”, “khó chịu con nhỉ”, “lần sau con gọi mẹ sớm hơn/ con đứng lên từ từ nhé”,v.v... Mẹ có thể ra vẻ thất vọng tí xíu khi bé gây “tai nạn”, nhưng vẫn sẵn sàng giúp bé xử lý sự cố và cũng vừa giúp vừa giải thích để bé thấy mình cần làm tốt hơn trong những lần sau. Nguyên tắc 4: Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn Điều tệ nhất mà cha mẹ làm là rối lên, mắng con, thậm chí cả đánh khi con làm sai, hoặc con bướng bỉnh không chịu ngồi bô nhưng sau đó lại tè ra khắp nơi. Chuyện này xảy ra với mọi đứa trẻ. Do vậy, bạn đừng đặt mục tiêu đến bao giờ thì con bạn “tốt nghiệp” vì điều đó sẽ gia tăng áp lực lên con và lên chính bạn, khiến mọi nỗ lực chỉ dạy trở nên vô nghĩa. Hãy giúp con thật nhẹ nhàng và cho con thời gian để từ từ học được cách "đi vệ sinh kiểu người lớn" cũng như tất cả những điều mới mẻ khác. Sau khóa huấn luyện, bạn sẽ thấy "đời vẫn còn xuân" khi em bé của bạn trở nên tự lập hơn nhiều trong việc đi vệ sinh đó!