Trong 24h của một ngày, trẻ có thể dành tới 18h để ngủ. Cơ thể cũng như hệ thần kinh của trẻ phát triển mạnh nhất vào thời gian nghỉ ngơi quý báu này. Nhưng không phải em bé nào cũng dễ dàng có được giấc ngủ dài và sâu. Có bé sẽ khóc gào từng đợt, có bé nức nở suốt đêm, khiến cả bé và những người chăm sóc luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu. Đông y cho rằng, hiện tượng này thường xảy ra với những đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi, được gọi là khóc “dạ đề”. Còn Tây y lý giải rằng khi mới sinh, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa của bé còn yếu, dễ bị rối loạn, làm trẻ không ngủ được, trằn trọc, hoặc giật mình khóc giữa giấc. Nếu có lúc nào gặp cảnh bối rối như vậy, bố mẹ thử điểm danh xem con có gặp sự cố nào dưới đây không nhé. 1. Mẹ ơi… con đói bụng quá, con khát nước quá! Ở những tháng đầu tiên, cơ thể em bé phát triển rất mạnh mẽ, nhưng dạ dày lại nhỏ nên ban ngày bé được ăn thành nhiều bữa. Ban đêm, bé không được ăn đúng cữ thì sẽ bị đói, không thể ngủ ngon được. Một số thời điểm khác, cơ thể đến giai đoạn phát triển mới, trẻ cần được ăn nhiều hơn, trẻ cũng sẽ đòi ăn vào ban đêm. Những em bé hiếu động lại càng nhanh đói bụng vì lượng thức ăn được tiêu thụ nhanh hơn những bé khác. Ngay cả người lớn chúng mình, khi bị “kiến bò bụng” thì cũng sẽ khó mà ngủ ngon được phải không các mẹ? Khí hậu oi bức, hanh khô hoặc dùng điều hòa đều có thể khiến cơ thể mất nước, bé bị khát cũng sẽ “mở còi” báo động không ngừng. Vì vậy, nếu các mẹ chủ động chuẩn bị và canh giờ cho bé ăn uống đầy đủ thì bé sẽ không phải khóc mà đòi ăn, đòi uống nữa. Bữa sữa trước giờ ngủ, mẹ có thể cho bé ăn nhiều lên một chút. Bé ở thời kỳ ăn dặm thì một chén ngũ cốc có thể giữ ấm bụng cho bé tới tận gần sáng. Thông thường bữa đêm của bé cũng cách nhau 2-3 tiếng như ban ngày, bé nào ngủ sâu thì có thể kéo dài hơn. Các mẹ cứ lựa theo nhu cầu thực tế của con để chăm sóc nhé. 2. Hình như hôm nay con nô đùa quá nhiều trước giờ ngủ? Thật lạ phải không ạ? Bé nghịch thì sẽ mệt và ngủ ngon hơn chứ nhỉ? - Kỳ thực là, hệ thần kinh của bé lúc này còn rất non nớt, dễ bị tổn thương nên gần giờ ngủ mà bé hưng phấn quá thì sẽ khó ngủ, khi ngủ cũng không sâu giấc, hay giật mình. Có một số bé không thể vào giấc trơn tru được nếu các giờ nghỉ ngắn trong ngày không được đảm bảo. Để tránh cho bé cảm giác “khó ở”, chúng mình hạn chế cho bé tham gia những trò chơi mạnh và ồn ào; những trò khiến bé cười khanh khách cũng phải tiết chế ở mức độ vừa phải vì bé chưa kiểm soát được cảm xúc của mình. Các thiết bị điện tử như tivi, đài, máy tính sẽ gây sự chú ý và kích thích thần kinh của bé, mình cũng cất kỹ trước giờ đi ngủ, mẹ nhé. Trước 1-2 tiếng nên tắt hoàn toàn tivi, điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ phù hợp. Tốt nhất nên tạo ra một môi trường tối đen khiến bé cảm giác như đang ở trong bụng mẹ. 3. Con cần ngọ nguậy một tí, thay đổi tư thế Các em bé lúc nào cũng thích di chuyển, ngay từ trong bụng mẹ các em bé vẫn luôn chuyển động và khi sinh ra cũng vậy. Những cử động tay chân, vặn vẹo mình mẩy sẽ giúp phát triển cơ bắp cho bé, tăng sự trao đổi chất, đồng thời giảm kích thích hay căng thẳng thần kinh. Đôi khi các cử động này là phản xạ của cơ thể chứ không phải do ý muốn của bé. Nếu thấy bé “thủ thế, ra đòn” trước hoặc trong khi ngủ, mẹ chỉ cần ngắm nhìn và in dấu những khoảnh khắc đáng yêu đó vào tâm trí của mình thôi. Hoạt động đủ rồi, bé sẽ tự ngủ lại và ngủ ngon hơn. Tương tự như vậy, một số bé sẽ cảm thấy dễ chịu và an toàn, khi miệng mút mút cái gì đó. Đây chỉ là nhu cầu bản năng, là phản xạ tự nhiên của trẻ không phải là do đói. Có bé sẽ cần ti giả để vỗ về giấc ngủ, có bé thích ôm một cái gối hay gác chân lên tấm chăn quen thuộc. Không ít trường hợp, đến khi học mẫu giáo trẻ vẫn phải ôm lấy “bạn gấu” để đi ngủ đấy. Mẹ hãy thử một số phương án và áp dụng xem sao. Khi trẻ lớn lên, ổn định tâm trí, không cần đến các công cụ hỗ trợ nữa thì sẽ “cai” dần. 4. Mẹ xem này, con đang mọc răng thì phải? Chắc nhiều mẹ sẽ lo lắng cho giai đoạn này. Những cơn đau nhức, ngứa ngáy ở miệng sẽ làm phần lớn trẻ sơ sinh khó chịu mà không ngủ được, trẻ sẽ quấy khóc, thậm chí bỏ ăn, sốt, đau bụng, phát ban… Nếu biết lý do này, mẹ dùng khăn hoặc túi gel chườm mát bên má bé để làm dịu cơn đau nhức cho con nhé. Mẹ cũng có thể đặt núm ti giả vào tủ lạnh rồi cho trẻ ngậm miễn là không để quá lạnh. 5. Con muốn “ôn bài”, luyện rèn các kĩ năng mới Nếu bé nhà bạn thức dậy giữa giấc, không khóc nhưng cứ tha thẩn ngồi chơi một mình, bò quanh giường hoặc khều bố mẹ dậy trò chuyện thì bố mẹ cứ yên chí mà “hầu chuyện” bé nhé. Đơn giản là bé mong muốn được thực hành hoặc rèn luyện những kĩ năng đã học được vào ban ngày như tập bò, đi bộ, tập nói hoặc tương tác với người thân… Đáng yêu quá, phải không các mẹ? Không có gì phải lo lắng cả! Thay vì ra lệnh “Ngủ đi”, bố mẹ cứ kiên nhẫn chịu khó hỏi thăm, trò chuyện với bé vài câu. Sau đó, mẹ mới có thể dễ dàng ru bé ngủ tiếp được. 6. Mẹ à, con cảm thấy không khỏe! Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu. Các bé thường bị cảm lạnh, cúm, ho, rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, ngứa ngáy, sốt… Những bé thiếu vitamin hoặc thiếu canxi cũng hay giật mình khóc giữa đêm mà không thể dỗ được. Thiếu canxi khiến cho máu phải huy động canxi từ xương khiến trẻ còi cọc và hay quấy khóc. Những đau nhức, mệt mỏi, khó chịu do bị ốm sẽ khiến trẻ quấy nhiễu để giải tỏa và được vỗ về. Thậm chí, có trẻ khó chịu ngay cả khi quá nóng, quá lạnh, bí bách khó thở, thậm chí chỉ ị hoặc tè trong bỉm cũng trở thành vấn đề. Mẹ hãy kiểm tra cơ thể bé cẩn thận xem có sốt không, bé có ôm tai ôm bụng hay đầu không, có bị côn trùng đốt không… để tìm được và xử lý các nguyên nhân khiến bé tấm tức khó chịu. Giai đoạn phát triển này, mẹ có thể tắm nhanh cho bé bằng nước ấm trước khi đi ngủ, chiêu đãi bé một chầu massage nhẹ nhàng để cơ thể được bé được thư giãn hơn. 7. Bé muốn được gần gũi Mọi đứa trẻ đều có nhu cầu gần gũi với người thân, đặc biệt là mẹ. Rất nhiều trẻ muốn được mẹ ôm ấp, nựng nịu mới chịu đi ngủ hoặc phải có mẹ nằm bên cạnh. Chỉ có như vậy, các bé mới cảm thấy yên tâm và thoải mái. Vậy nên, mẹ đừng vội rời xa bé hoàn toàn khi bé đi ngủ nhé. Hình thành giấc ngủ trong yêu thương, gần gũi, rất quan trọng với bé đó! 8. Mẹ ơi, con ngủ ngày đủ rồi, giờ con chơi được không? Ngay khi chào đời thì thị lực của trẻ ở mức 0.02 nên không thể phân biệt được sáng và tối. Từ tháng thứ 3 trở đi, trẻ bắt đầu phân biệt được ban ngày và ban đêm. Do đó, mẹ cần phải cân bằng giữa thời gian ngủ ngắn vào ban ngày, và thời gian ngủ dài vào ban đêm, tùy theo độ tuổi mà có cách phân bố cho phù hợp: - Từ 0-2 tháng sau sinh: Thời gian ngủ ngày không quan trọng, tùy ý thích của bé - Từ 3-4 tháng tuổi: 1 tiếng vào buổi sáng, 2-3 tiếng vào buổi trưa, 1 tiếng vào buổi chiều tối. - Từ 5-6 tháng tuổi: 1 tiếng vào buổi sáng, 2-3 tiếng vào buổi trưa. - Từ 7-8 tháng tuổi: 1 tiếng vào buổi sáng, 2 tiếng vào buổi trưa. - Sau 9 tháng-1 tuổi: khoảng trên 2 tiếng vào buổi trưa. 9. Bé thực sự gặp chuyện nghiêm trọng hơn Nếu không phải các dấu hiệu trên, mẹ cần để ý xem trẻ ngủ có bị ngáy ngắt quãng không, có bị co giật khi ngủ không, có bị mộng du, hoảng sợ không, trẻ khóc nhỏ hay khóc thét… Từ đó cha mẹ sẽ đánh giá tình trạng của bé và cho con đi xét nghiệm các yếu tố vi lượng như magie, canxi, kẽm… Nếu cần thiết, có thể làm siêu âm thóp hoặc điện não đồ để có thêm kết quả. Khi cho con đi khám, nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có chế độ điều trị phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng vì rất có thể hệ thần kinh của bé đang cần sự trợ giúp. Các bố, các mẹ hãy hỗ trợ và chăm sóc lẫn nhau để bé con có được những đêm ngon giấc nhé! Phương pháp luyện ngủ không nước mắt - No Tear