Khi chọn môn bơi để tập luyện thường xuyên, chắc bạn không quá lạ lẩm với những quy định về an toàn và vệ sinh như không được chạy nhảy, không được nhảy chúi, không ăn no hoặc uống rượu trước khi bơi, … Tất cả những quy định này thường được niêm yết rõ ràng trong bảng nội quy hồ bơi và tôi xin phép không nhắc lại. Điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây là những việc mà đa số các bạn đi bơi thấy “bình thường” và xem là những việc không quan trọng, nhưng theo tôi, đó là những việc mà các bạn không nên làm khi đến hồ bơi. 1. Không tắm kỹ trước khi xuống hồ Các hồ bơi thường quy định “Tắm sạch sẽ trước khi xuống hồ” hoặc “Tắm tráng trước khi bơi”. Vấn đề là mọi người chỉ hiểu đơn thuần là phải “tắm” trước khi xuống nước nhưng không hiểu ý nghĩa của việc này nên thường tắm qua loa, lấy lệ và hoàn tất nghĩa vụ này khi chỉ có đồ bơi là có vài chổ ướt, còn người thì “khô queo”. Các bạn tắm tráng nhưng “tráng quá mỏng”! Các bạn có tắm nhưng như không tắm! Việc tắm sạch sẽ trước khi xuống hồ có 2 ý nghĩa chính: Loại bỏ bất cứ thứ gì trên cơ thể bạn có thể làm bẩn hồ bơi. Các chất khử mùi, xà phòng, kem dưỡng ẩm, nước hoa, mồ hôi, chất thải trên cơ thể bạn đều là hợp chất hữu cơ có chứa protein trong đó. Khi hòa với nước khử trùng bằng clo, nó tạo ra các sản phẩm phụ khử trùng, trong đó có một loại khí gọi là Trihalomethanes (THMs). Khí này tạo ra Cloramines. Cloramines tạo ra mùi clo mà bạn có thể nhận thấy xung quanh một hồ bơi. Hầu hết mọi người nghĩ rằng mùi này là một chỉ số cho thấy hồ bơi sạch sẽ. Tuy nhiên, điều ngược lại mới đúng. Một hồ bơi được quản lý tốt có ít hoặc không có mùi clo. Mùi từ Cloramines không chỉ khó chịu mà còn có thể gây kích ứng mắt và da của bạn. Giúp da của bạn không hấp thụ nhiều hóa chất trong nước. Da của chúng ta có khả năng hấp thụ các hóa chất từ nước. Điều này có nghĩa là việc tiếp xúc với clo trong hồ bơi có thể gây kích ứng da dưới dạng viêm da tiếp xúc. Tuy nhiên, cả tóc và da đều ít có khả năng hấp thụ nước từ hồ bơi một khi chúng đã ướt. Vì vậy, làm ướt da bằng việc tắm trước khi bơi là một giải pháp hữu hiệu giúp chúng ta bảo vệ da không bị clo xâm nhập. Nói cách khác, nước không clo trên da khi tắm có vai trò như một “lớp màng bảo vệ da” ngăn không cho nước có clo xâm nhập vào. Việc làm đúng là bạn phải tắm kỹ hơn trước khi xuống hồ. Nó không chỉ tốt cho người khác mà còn tốt cho chính bạn (win-win). Và đó cũng là phép lịch sự thông thường khi bạn đi bơi. 2. Không bỏ gói dầu gội vào thùng rác Thời buổi tiện lợi, nhiều bạn sử dụng gói dầu gội sử dụng 1 lần khi tắm lại sau khi bơi. Tuy nhiên, thay vì bỏ gói vào thùng rác sau khi dùng, các bạn thường vứt luôn xuống sàn phòng tắm để nó trôi tuột vào lỗ thoát nước, lâu ngày có thể dẫn đến đường cống thoát nước của hồ bơi bị tắc nghẽn, nước tắm lại không thoát được, làm mất vệ sinh chung. Việc đó còn làm cho nhân viên hồ bơi phải cực nhọc khi phải thường xuyên móc thông cống. Các bạn có thể nghĩ việc “tiện tay” vứt bọc của mình chỉ là chuyện nhỏ nhưng nhiều bạn làm “chuyện nhỏ” đó có thể làm hồ bơi phải đóng cửa ít ngày để làm tổng vệ sinh! Mời các bạn xem qua những vật có trong cống của một hồ bơi khi được nạo vét để thấy hậu quả của việc này nhé. Việc làm đúng là bạn phải vứt gói dầu gội, và cả những thứ linh tinh khác, vào thùng rác khi bạn đã sử dụng xong. Một hành động nhỏ để có một môi trường tập luyện không bị ô nhiễm cho chính bạn. Và đó cũng là một thói quen văn minh khi bạn đi bơi. 3. Thích bơi ở độ sâu "cao hơn" trình độ bơi của mình Nhiều bạn thích bơi hồ sâu hơn hồ cạn. Có thể bạn nghĩ rằng đã đi bơi là phải bơi hồ sâu mới “đã”, còn bơi ở hồ cạn thì không đáng để bơi! Điều bạn không nghĩ rằng “độ sâu” trong bơi lội chính là “độ khó”, “độ nguy hiểm”. Khi học bơi, phải đến một trình độ nhất định thì bạn mới được tập làm quen ở hồ sâu. Một CLB bơi có thể có cả hồ sâu và hồ cạn, hoặc có một hồ nhưng có đầu sâu, đầu cạn. Hồ sâu thường có chiều dài 50m, độ sâu khoảng 2m. Hồ cạn thường có chiều dài 25m hoặc ngắn hơn nữa, độ sâu khoảng từ 1m đến 1,6m. Để bơi hồ sâu có chiều dài 50m, bạn nên có khả năng bơi được liên tục ít nhất 100m (tức gấp đôi chiều dài hồ) một cách tự tin và thoải mái. “Thoải mái” có thể hiểu là bơi hết đoạn đường với tốc độ đều như nhau, không phải lúc đầu bơi rất mạnh, sau đó yếu dần, chìm dần và “lết” dần về đích một cách khó nhọc. Nếu chưa có khả năng như vậy, bạn nên tập thêm ở hồ cạn để nâng dần khoảng cách bơi trước khi qua bơi ở hồ sâu. Bản thân tôi thấy hồ nào không đông người là chọn, bất kể độ nông sâu (dĩ nhiên không phải là hồ bơi dành cho con nít chơi!), miễn là mình bơi thoải mái, không vướng vào nhiều người khác khi bơi và có độ sâu mà mình quạt tay không đụng đáy hồ là được. Việc làm đúng là bạn luôn xem biển báo độ sâu của từng hồ để chọn bơi ở hồ có độ sâu phù hợp với khả năng bơi của mình. Và đó là một hành động không tự gây nguy hiểm cho chính mình. 4. Cố đi bơi dù trời giông bão Một số bạn nghe theo lời khuyên “sách vở” là đừng để những bận rộn, khó khăn ảnh hưởng đến việc tập luyện thể thao. Nhưng trong bơi lội, “sự giận dữ của ông trời” không phải là một cản trở bình thường mà nên được xem là một “lệnh cấm” xuống nước! Nếu chỉ là những cơn mưa nhẹ, mưa rào và bạn vẫn đi tập bơi thì không sao, thậm chí đáng tuyên dương vì tinh thần của bạn; nhưng nếu đó là những cơn mưa bão, sấm sét thì bạn hãy dừng đi bơi ngay. Hãy nhớ rằng, sét là điện, mà điện và nước là một sự kết hợp nguy hiểm. Bỏ bơi 1 buổi không chết, còn cố bơi 1 buổi trong một ngày giông bão, sấm chớp thì … nguy hiểm lắm bạn ơi! Việc làm đúng là dừng ngay các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là hoạt động bơi lội, khi trời mưa to, sấm sét. Và đó là ý thức an toàn của dân thể thao chính hiệu. 5. Nghe theo những lời chỉ dẫn của những người bơi cạnh mình Trong môi trường hồ bơi, bạn thường rất dễ trò chuyện với những người bơi cùng suất bơi với mình, cùng đường bơi với mình. Một số người rất vui tính, tốt bụng và sẵn lòng cho bạn những lời khuyên tập luyện hoặc chỉnh sữa kỹ thuật bơi cho bạn. Trong bơi lội, người bơi được 5 – 7 vòng có thể “chỉ giáo” cho những người mới bơi được 1 – 2 vòng. Người mới bơi được 1 – 2 vòng có thể “chỉ vẽ” cho những người mới chập chững xuống nước làm quen. Môi trường nước lạ quá, ai biết nhiều hơn mình một chút thì mình xem là “người tư vấn” của mình, còn mình biết nhiều hơn người ta một chút thì mình trở thành “chuyên gia” của họ cũng được! Tuy nhiên, trong lĩnh vực rất chuyên sâu về mặt kỹ thuật của bơi lội, tôi ít khi được nghe những lời khuyên có giá trị, và rất nhiều lần tôi thấy những hướng dẫn kỹ thuật của họ là sai lầm! Không biết thì “dựa cột mà nghe” nhưng điều quan trọng là phải biết nghe ai nha các bạn. [MEDIA=youtube]YQzMMYxtxC8[/MEDIA] Việc làm đúng là hãy tìm và hỏi những người có ít nhiều chuyên sâu, chứ không nghe từ bất cứ người nào bơi bên cạnh mình. Nếu không có điều kiện gặp người hiểu biết, bạn nên tìm đọc các bài viết về bơi lội để có thêm thông tin và kiến thức . Và đó là cách nâng cao trình độ hiểu biết của mình về bơi lội một cách “an toàn” nhất. Nguồn bạn biết bơi Mọi chi tiết liên hệ Mọi chi tiết xin liên hệ: Bể bơi bốn mùa Hoàng Mai Hotline: 03 chín 358 tám năm tám 5