Quả vải được nhiều người yêu thích với hương vị thơm, ngon, ngọt. Với trẻ nhỏ cũng vậy. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng, vải là một trong những loại quả dễ gây dị ứng nhất cho trẻ nếu không được mẹ cho ăn một cách hợp lý. Hãy tìm hiểu những lưu ý khi cho trẻ ăn vải thiều sau đây để thứ quả ngon ngọt này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. 1. Trẻ em dưới 3 tuổi không nên ăn quá 5 quả vải trong 1 lần Vải thiều có giá trị dinh dưỡng rất cao khi trong loại quả này có chứa vitamin B1, B2, vitamin C, cung cấp nhiều năng lượng cho quá trình vận động của trẻ. Ngoài ra, trong mỗi quả vải đều giàu axit hữu cơ, các loại muối khoáng Ca, Fe, P; đồng thời đặc tính kháng oxy hóa có trong vải thiều rất cao, chỉ đứng thứ hai sau dâu tây. Ngoài việc cho bé ăn trực tiếp, vải thiều cũng có thể được sấy khô và ăn thay cho đường kính cũng vẫn giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng. Tuy vậy, lượng đường trong vải rất cao, dẫn đến đặc tính nóng trong, gây ra cho trẻ em nhiều bệnh như rôm sảy, mề đay, mẩn ngứa nếu ăn quá nhiều. Vì thế, mẹ cần cho con ăn vải một cách hạn chế với số lượng giới hạn 4-5 quả trong một lần ăn. Với lượng quả này, trẻ vẫn có thể hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng nhưng vẫn đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, không bị dị ứng hay làm trẻ bị nóng trong người. 2. Cần tách vải sẵn cho trẻ Trẻ nhỏ thường chưa có ý thức về những vật thể rắn và không thể nuốt, trong khi đó, hạt vải lại là loại hạt dễ bị nuốt trôi do đặc tính trơn. Để cẩn thận và đảm bảo trẻ không bị hóc, mẹ hãy bóc vỏ và tách hạt vải trước khi cho trẻ ăn. 3. Cho trẻ ăn cả lớp màng trắng Để giảm bớt tính nóng của loại quả xứ nhiệt đới này, mẹ có thể giữ nguyên màng trắng sau lớp vỏ, sau đó đem ngâm với nước muối từ 10-20 phút để trẻ dễ ăn hơn. Việc này giúp giảm đáng kể nguy cơ gây ra các bệnh nóng trong ở trẻ, đồng thời vẫn ngon miệng và giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng. 4. Chỉ cho trẻ ăn vải sau khi đã ăn cơm Các nhà khoa học đã phát hiện ra trong quả vải thiều có chứa chất MCPG (Methylene xyclopropyl-glycine) – một chất gây ra hiệu ứng mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, mất sức, nếu ăn phải khi đói. Với trẻ em, khi dạ dày và hệ tiêu hóa còn yếu, chất này còn có thể gây ra tình trạng khó thở, hôn mê, huyết áp giảm nếu hấp thụ quá nhiều. Đối tượng chủ yếu trúng độc vải này chủ yếu là trẻ em với thời gian phát bệnh là từ 3-8h sáng. Vì thế, để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ, mẹ nhất định chỉ cho bé ăn vải thiều sau bữa ăn, khi trẻ đã ăn cơm no. Với những thông tin về loại quả mùa hè trên đây, hi vọng mẹ sẽ có những cách để cho bé ăn vải thiều một cách hợp lý. Bởi vì loại quả này chứa rất nhiều dinh dưỡng, nên đừng vì thấy khó quá mà mẹ bỏ qua không cho trẻ ăn, mẹ nhé!